- Vì sao Thành Cát Tư Hãn lại “hào phóng” tặng phi tử của mình cho kẻ thuộc hạ? Lý do thật lạ lùng, ấy là bởi ông gặp phải ác mộng khi đang “chung chăn gối” với nàng ta.
Trong tác phẩm viết về Thành Cát Tư Hãn, B. J. Vladimircov - nhà Đông phương học nổi tiếng nước Nga, cũng là nhà Mông Cổ học uy tín trên thế giới lần nữa khai thác những chuyện ít biết về nhà chinh phục vĩ đại này. Trong những nội dung mà cuốn sách đề cập, tính cách của Thành Cát Tư Hãn hiện lên với đủ đầy màu sắc.
Phụ nữ, tuấn mã và mỹ tửu
Tuy Thành Cát Tư Hãn tính tình nóng nảy, nhưng lúc cần, ông có thể kiểm soát được lòng nghi kỵ của mình. Ví như chuyện chính hậu Bột Nhi Thiếp (còn gọi là Bật Tê) bị bộ lạc Miệt Nhi Khất bắt đi rồi ép làm vợ kẻ lực sĩ Xích Lặc Cách Nhi. Sau khi đoạt lại vợ, Thành Cát Tư Hãn chẳng những vẫn dành cho bà rất nhiều tình cảm và sự tôn trọng, mà còn vĩnh viễn công nhận Bật Tê là chính hậu của mình. Duy nhất một điều, Truật Xích - người con trưởng bị nghi ngờ là giọt máu của bà và Xích Lặc Cách Nhi - cùng những hậu duệ của ông ta không bao giờ được coi là những người kế vị.
|
Chân dung Thành Cát Tư Hãn. |
Để “rải” đủ cung tần cho mình lẫn các quan lại cận thần, đôi lúc, Thành Cát Tư Hãn hào phóng chọn ra một phi tần trong đám hậu cung tặng cho vị tướng soái có thành tích đặc biệt. Đó cũng là nguyên do khiến nhà chinh phục vĩ đại này đã tự nguyện nhường phi tử Diệc Ba Cáp cho kẻ thuộc hạ Chủ Nhi Xả Ngạt. Nàng ta vốn là con gái của Trát Hiệp Cảm Bất và là cháu của Vương Hãn.
Nhưng nguyên nhân sâu xa hơn trong chuyện này lại khá lạ lùng. Ấy là bởi, Thành Cát Tư Hãn đã mơ thấy ác mộng khi đang “chung chăn gối” với mỹ nhân. Vừa khéo khi ấy, Chủ Nhi Xả Ngạt lại đang làm nhiệm vụ bảo vệ bên ngoài.
Thành Cát Tư Hãn bèn nói với Diệc Ba Cáp rằng: “Chẳng phải ta có ý chê nàng không đức hạnh, không nhan sắc, cũng không chê nàng thân thể kém thanh sạch. Ta coi nàng là một trong những hậu phi của mình. Nay, Chủ Nhi Xả Ngạt là một người đã lập nhiều công trạng khi chinh chiến, nên ta đem nàng tặng cho anh ta.”
Ấy là chuyện ít biết lý giải vì sao nhà lãnh đạo nổi tiếng và quan trọng của lịch sử thế giới này lại sẵn sàng trao tặng thiếp yêu của mình cho thuộc hạ.
Cuốn sách này còn tiết lộ thú tiêu khiển yêu thích của Thành Cát Tư Hãn. Ngoài săn bắn, ông cũng như người dân Mông Cổ vô cùng say mê tuấn mã và rượu ngon. Nhưng điểm khác biệt, khó lẫn của Thành Cát Tư Hãn với quần thần, ấy là khả năng kiềm chế bản thân rất tốt. Tuy đưa ra quy định không được phép rượu chè vô độ trong quân đội, nhưng ông cũng chẳng cứng nhắc cấm tiệt binh sĩ không được động vào thứ men say kia. Ông nói: “Nếu không thể cai rượu, thì cho phép tối đa mỗi tháng chỉ được say ba lần. Nếu vượt quá mức ấy, ắt sẽ phải xử tội. Nếu có thể chỉ nên say hai lần thay cho ba lần là rất tốt, chỉ say một lần lại càng tốt, không say bận nào còn tốt hơn nữa. Nhưng tìm đâu ra những kẻ không say bao giờ?”.
Một ngày nọ, Thành Cát Tư Hãn hỏi thuộc hạ thân tín của mình là Bác Nhĩ Truật rằng: “Ta hỏi ngươi, điều gì là vui nhất trong cuộc sống?”, Bác Nhĩ Truật trả lời: “Ngày xuân được cưỡi tuấn mã, dẫn theo chim ưng đi săn là vui sướng nhất”. Thành Cát Tư Hãn cũng lại đem câu ấy mà dò ý của Bác Nhĩ Hốt và các tướng lĩnh khác, bọn họ đều có chung câu trả lời như Bác Nhĩ Truật. Nhà chinh phục đại tài bèn nói: “Không phải vậy. Niềm vui lớn nhất của đời người là chiến thắng kẻ địch, đánh đuổi kẻ địch, đoạt mọi thứ của chúng, nhìn thấy người thân chúng phải rửa mặt bằng nước mắt, cưỡi ngựa của chúng và giành lấy vợ con chúng.”
Đây là thứ ngôn từ vô cùng đặc biệt, toát lên rất nhiều cá tính của Thành Cát Tư Hãn. Ông không hề bị mê hoặc bởi những niềm vui hay ánh hào quang, thậm chí quyền lực của kẻ vũ dũng. Ông coi trọng thắng lợi, coi đó là thành quả mà mình gặt hái được, coi chuyện chiếm đoạt được tài sản của kẻ thù sau khi đã thỏa khát khao phục thù là niềm vui lớn nhất trong cõi nhân sinh.
Mưu lược, công bằng và sự tham lam
Trong chiến tranh, Thành Cát Tư Hãn nổi tiếng là nhà lãnh đạo giỏi dùng mưu lược. Thậm chí, để giành thắng lợi, ông sẵn sàng làm điều bội tín. Nhưng trong cuộc sống cá nhân, ông không hề biểu hiện tính cách này. Khi bàn tới chuyện khác, Thành Cát Tư Hãn tỏ rõ là người rất coi trọng nguyên tắc “vô tư công bằng”. Nhưng mặt khác, ông cũng lại có tính tham lam, luôn giữ dịt tài sản mà mình sở hữu.
|
Tượng Thành Cát Tư Hãn. |
Với vai trò là một nhà chinh phục vĩ đại, tham gia vô vàn chiến dịch, chỉ huy bao cuộc tấn công, vây hãm, Thành Cát Tư Hãn chưa hề thể hiện vẻ dũng mãnh của kẻ thất phu. Tài cán của những tướng soái được lòng ông phải vượt trội so với đám binh sĩ. Tâm lý mạo hiểm cầu may cũng chưa từng hiện hữu trong ông. Tuy thống lĩnh toàn quân tác chiến và đóng vai trò chỉ huy trong những cuộc giao tranh, nhưng Thành Cát Tư Hãn chưa từng tham gia đội kỵ binh để hỗn chiến với quân thù. Bởi ông hiểu rõ, đó không phải là nhiệm vụ của một vị thống soái toàn quân.
Một ngày nọ, kẻ thân tín của Thành Cát Tư Hãn là Ba Lạt Na Nhan hỏi ông rằng: “Chúa thượng như bậc thần vũ, thành trì dù kiên cố tới mấy cũng công phá được. Xin hỏi ngài có điềm báo nào chăng?”. Thành Cát Tư Hãn trả lời rằng: “Khi chưa tức vị, ta thường ra ngoài một mình. Có lần gặp phải 6 kẻ nọ thủ tại một quan ải. Bọn họ không cho ta qua. Ta liền vác đao xông lên. Tên bắn như mưa, nhưng ta không bị thương chỗ nào. Ta giết sạch cả 6 tên để qua ải. Trên đường trở về, thấy bên cạnh 6 xác chết ấy là 6 con ngựa, ta bèn dẫn chúng về cùng. Điềm báo mà ngươi hỏi, có chăng chỉ là vậy.” Theo cách nghĩ ấy của Thành Cát Tư Hãn, đó chính là “điềm báo về khả năng chinh phục” của ông. Đấng “thượng thiên” đã định đoạt ông sẽ không chết kiểu “bất đắc kỳ tử”, mà giết sạch kẻ thù và đoạt được toàn bộ ngựa của chúng.
Hải Dịu (lược dịch theo Ifeng)