Các phương tiện thông tin của Mỹ đưa tin, ngày 22/11/2011, Xvét-la-na A-li-nu-ép-na, con gái Xta-lin đã qua đời ở tuổi 86 do bị bệnh ung thư dạ dày tại thành phố Rích-len, bang Vi-xkon-xin nước Mỹ.
Sau sự kiện này, các phương tiện truyền thông của Nga mới đưa ra chi tiết những nguyên nhân đã làm cho Xvét-la-na phải rời bỏ đất nước mà cha bà là người đứng đầu để sang Mỹ cư trú.
Theo hãng ITAR-TASS, Xvét-la-na sinh ngày 28/2/1926 mà mẹ là Na-đe-giơ-đa A-li-nu-ép-na, vợ thứ hai của Xta-lin. Xvét-la-na tốt nghiệp Khoa Lịch sử Đại học Tổng hợp Quốc gia Mát-xcơ-va (MGU) và hoàn thành luận án nghiên cứu sinh tại Học viện Khoa học Xã hội trực thuộc BCHTƯ Đảng Cộng sản Liên Xô. Sau khi tốt nghiệp, bà làm công tác phiên dịch tiếng Anh và là biên tập viên văn học. Là người con của người đứng đầu đất nước, với học vấn như thế, không ai nghĩ rằng cuộc đời của Xvét-la-na lại có nhiều bất hạnh.
|
Xvét-la-na và cha. |
Theo lời kể của Xvét-la-na thì bà đã qua 4 đời chồng.
Năm 1944, bà kết hôn với giáo sư Gri-go-ri Ma-rô-dốp và năm 1945, họ có với nhau người con trai Y-ô-síp. Cuộc hôn nhân này chỉ tồn tại được 4 năm.
Người chồng thứ hai của Xvét-la-na là giáo sư triết học Y-u-ri Giơ-đa-nốp, con trai Bí thư TƯ Đảng Cộng sản Liên Xô An-đrây Giơ-đa-nốp. Họ cưới nhau năm 1949 và có với nhau người con gái Ê-ca-te-ri-na. Năm 1967, cuộc hôn nhân thứ hai của Xvét-la-na lại tan vỡ.
Năm 1967, Xvét-la-na xin KGB cấp hộ chiếu sang Ấn Độ để dự đám tang nhà hoạt động chính trị của Ấn Độ là Brát-giét Sin-gơ, người được bà khai là chồng khi xin cấp hộ chiếu. Đây là thời cơ bà quyết định cư trú chính trị tại sứ quán Mỹ ở Ấn Độ và tìm cách chạy sang Mỹ. Việc cấp hộ chiếu cho Xvét-la-na sang Ấn Độ trở thành một nguyên nhân để Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Brê-giơ-nhép cách chức đương kim Chủ tịch KGB Xmi-trát-nưi và đưa Iu-ri An-đrô-pốp - người kế nhiệm trong tương lai của Brê-giơ-nhép vào vị trí chủ tịch KGB.
Năm 1970, sau khi đã ở Thụy Sĩ và Anh, Xvét-la-na chạy sang Mỹ dưới sự bảo lãnh của Ôn-đgi-van-na, một góa phụ của kiến trúc sư nổi tiếng Phren-ca Lô-ít Rai-ta tại bang A-ri-don-na. Tại đây, người bảo lãnh đã khéo xe duyên Xvét-la-na với Uy-li-am Oét-sli Pi-tơ-xơ (William Wesli Piters), một học trò của chồng bà và đã từng là con rể của bà khi con gái bà còn sống. Xvét-la-na mang họ chồng nên được gọi là An-na Pi-tơ-xơ (Ana Piters) và họ có với nhau một con gái tên là On-ga Pi-tơ-xơ, được coi như người con gái út của Xvét-la-na. Cuộc hôn nhân thứ tư của Xvét-la-na chẳng bao lâu lại bị tan vỡ.
Năm 1982, Xvét-la-na chuyển đến thành phố Kem-brít-giơ của Anh quốc. Tại đây người con gái út của bà được đưa vào trường quốc tế. Năm 1984, bỗng dưng Xvét-la-na cùng với người con gái út trở về Liên Xô. Bà được phục hồi quốc tịch Liên Xô. Bà sống ở Mát-xcơ-va một thời gian và chuyển về Gru-di-a, quê hương của Xta-lin. Bà tổ chức kỷ niệm ngày sinh lần thứ 60 tại bảo tàng Gru-di-a. Tháng 11/1986, Xvét-la-na quay trở lại Mỹ. Tháng 9/1992, Xvét-la-na đã sống trong nhà dưỡng lão ở Anh trong một thời gian nhất định, rồi về tu viện Loan-na ở Thụy Sĩ. Năm 2005, bà đã trả lời cuộc phỏng vấn kênh truyền hình “Nước Nga” cho bộ phim “Xvét-la-na A-li-nu-ép-na và những người đàn ông của bà”.
Nói về tình mẫu tử của 3 người con: Người con trai Y-ô-síp trở thành bác sĩ phẫu thuật tim và mất vào năm 2008. Người con gái cả Ê-ca-te-ri-na tốt nghiệp khoa Vật lý-địa cầu Trường Đại học MGU và làm việc tại Viện nghiên cứu Hỏa-sơn-học ở Cam-chát-ka, Liên bang Nga. Theo Báo Sự thật Thanh niên của Nga, khi nhà nghiên cứu Hỏa-sơn-học của Mỹ, ông Tom Miu-lơ báo tin cho Ê-ca-te-ri-na về cái chết của Xvét-la-na, cô ta đã trả lời “Đó không phải là mẹ của tôi”. Người con gái út On-ga Pi-tơ-xơ sống ở Poóc-len (bang Ô-rê-gơn) và có một cửa hàng tạp hóa ở đó. Khác với anh trai và chị gái, cô con gái út hàng ngày vẫn gọi điện vấn an mẹ. Trong cuộc trả lời phỏng vấn Báo The Oregonian, On-ga nói: “Mẹ tôi mất đi là một tổn thất lớn của đời tôi”.
Xvét-la-na là người con gái duy nhất của Xta-lin, bỏ Tổ quốc đã lâu, có cuộc sống khép kín. Nhà bình luận của hãng tin RIA của Nga, ông A-na-tô-li Ca-rô-li-ốp (Anatoly Korolev) cho biết, vào mùa hè năm 1963, ở làng Giu-cốp-ca ngoại ô Mát-xcơ-va, trong 35 ngày, Xvét-la-na đã viết một mạch không nghỉ cuốn hồi ký “20 bức thư gửi bạn” và cuốn sách đã được xuất bản vào năm 1967. Đây là một cuốn sách được viết ở dạng hồi ký hay nhất của thế kỷ XX. Trong cuốn sách, Xvét-la-na viết những điều đã gây ra sự bất đồng giữa bà với người cha của mình, nói về cái chết thảm thiết của người mẹ, bà oán hận người cha và lây sang cả chế độ nhà nước mà cha là người đứng đầu. Đó là nguyên nhân dẫn đến việc bà bỏ cha chạy sang Mỹ. Bà viết: “Cha không làm phiền tôi bằng những cuộc lục vấn. Ông chỉ yêu cầu tôi học tập tốt, năng ra ngoài trời tiếp xúc với không khí trong lành, không cần sang trọng, không được nuông chiều theo ý cá nhân. Đôi khi cha tôi tỏ thái độ kỳ quặc. Có lần, khi tôi đã 10 tuổi, ra dáng một thiếu nữ thực thụ, đi nghỉ với cha ở Sô-chi, ông nhìn tôi và nói “Con làm sao thế, không mặc quần à?”. Tôi không hiểu cha nói gì, và ông nói tiếp “Đây này!”, rồi ông chỉ vào chiếc áo khoác của tôi, nó chỉ dài đến trên đầu gối và tức giận nói “Đồ con quỷ! Cái này là cái gì?”. Những cái quần đùi của tôi khi còn nhỏ cũng chọc tức ông, ông nói: “Thật là tệ quá! Giáo viên dạy thể dục hay sao!”. Ông càng tức giận và quát ầm lên: “Tất cả đều không mặc quần”.
Xvét-la-na viết tiếp: “Tại sao cha tôi lại vào phòng nghỉ của tôi và lấy tất cả các áo sơ mi ngắn của tôi từ tủ đựng quần áo và dẫn tôi đến bà nhũ mẫu, yêu cầu bà khâu lại các áo choàng để khi mặc vào phải chùm đầu gối. Bà nhũ mẫu vâng vâng, dạ dạ. Tôi thưa lại với cha rằng, hiện nay không còn ai mặc như thế đâu. Không thuyết phục được cha tôi và người ta đã may cho tôi những quần ống rộng, áo choàng dài chùm đầu gối. Tôi đã mặc những thứ đó để làm vừa lòng cha. Sau đó tôi dần dần cắt ngắn áo khoác. Cha không phát hiện được điều đó vì ông không sống được đến thời kỳ đó. Và chẳng bao lâu, tôi đã trở lại được với mốt mặc bình thường”.
Lãnh tụ Xta-lin không bị hàng nghìn giáo viên thể thao trong các cuộc diễu hành làm xao xuyến. Nhưng trong sinh hoạt, Xta-lin lại có cách nhìn bảo thủ, Xta-lin còn ra chỉ thị mang tính chỉ đạo: Yêu cầu áo khoác phải dài và ống quần phải rộng.
Xvét-la-na viết: “Cha là người rất nghiêm khắc đối với tôi trong việc sử dụng trang phục: Không được đi tất cao cổ, mà đi tất ngắn cổ, đòi hỏi mặc áo rộng, chứ không được mặc kiểu áo bó sát người”.
Xvét-la-na khi lớn lên đã trả thù cha mình về việc khi ở tuổi thanh thiếu niên, bà đã bị cha đối xử quá khe khắt: 17 tuổi, bà đã yêu A-lếch-xây Ca-plơ, một người làm công tác điện ảnh gấp 2 lần tuổi, đặc biệt đó là người thuộc dân tộc không được Xta-lin kính trọng. Sau khi người yêu này bị ngồi tù (10 năm tù), bà lại lấy một người cũng dân tộc đó - giáo sư Gri-go-ri Ma-rô-dốp. Sinh con, ly hôn. Rồi lấy người chồng thứ hai là con trai người bạn chiến đấu của Xta-lin - Giơ-đa-nốp và lại ly hôn.
Xvét-la-na bị bưng bít những thông tin có thật. Một bí mật lớn nhất mà bà biết được là cha của họ là người Gru-di-a. Tin này do anh trai Va-xi-li cùng cha khác mẹ cung cấp. Mới có 6 tuổi nên Xvét-la-na không hiểu thế nào là Gru-di-a, và anh trai giải thích: “Những người Gru-di-a mặc áo che-kít (cherkisk là mật vụ) và dùng dao găm giết tất cả”.
Cái chết của người mẹ đối với Xvét-la-na như một nỗi đau vô tận. Chỉ sau này, khi Xvét-la-na đọc một tạp chí nước ngoài in bằng tiếng Anh viết về người cha, và từ bài viết đó bà mới biết mẹ mình là vợ thứ hai của cha và đã tự kết liễu đời mình bằng súng “Oan-tơ” vào đêm 9/11/1932 ở tuổi 32. Còn người vợ cả của cha là Ca-chi-a Xva-nít-giơ. Bà ấy lấy cha lúc 16 tuổi, sau khi cưới được một năm thì mất vì bệnh thương hàn hoặc bệnh lao phổi tẩu mã.
Sau khi vợ mất, Xta-lin không biết nuôi dạy con như thế nào và điều đó đã làm cho Xta-lin luôn bị đau đầu. Người có cảm tưởng con gái mình lớn lên trong bối cảnh không được giáo dục đến nơi đến chốn, không khéo sẽ trở thành gái điếm vì hay mặc cũn cỡn, những dấu hiệu biến cô thiếu nữ trở thành một phụ nữ làm cho Xta-lin tức giận, sợ hãi và hoang mang.
Chiều dài váy của Xvét-la-na trở thành sự tra tấn. Ông đem đến chị thợ may những chiếc áo sơ mi của mình và ra lệnh phải dùng những chiếc áo này may thành những chiếc áo để đi ngủ cho con gái. Khi cô bé thiếu niên từ trại hè gửi về cho Xta-lin những tấm ảnh mà cháu gái mặc váy ngắn, ông đã dùng bút chì đỏ viết vào phía sau tấm ảnh ba từ: Đồ gái điếm! Và gửi trả lại trại hè qua đường hàng không. Động thái này làm cho cả trại hè thiếu niên một phen hú vía.
Theo Quân đội nhân dân