Chùa Hương nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Đây là một danh thắng đã được mệnh danh là “Nam thiên đệ nhất động”. Hàng năm chùa có rất đông khách hành hương đến thăm viếng, trẩy hội chùa Hương. Đặc biệt vào đầu xuân, từ mùng 6 tháng Giêng, khi bắt đầu khai hội hàng ngàn người đổ về đây vừa lễ phật vừa du xuân thưởng ngoạn khung cảnh non nước hữu tình.
Kinh nghiệm cầu tự
Từ xa xưa, chùa Hương đã nổi danh là nơi cầu tự rất linh ứng. Các cặp vợ chồng hiếm muộn con cái thường đến đây để cầu xin trời phật ban cho một mụn con để khỏi cô quạnh khi tuổi già. Việc này đã có từ xa xưa và đã tạo thành nếp được học giả Phan Kế Bính chép vào sách "Việt Nam phong tục". Nay chúng tôi xin dẫn lại để độc giả nếu chưa biết có thể tham khảo.
Theo đó: “Nhà nào hiếm muộn thì cầu tự. Cầu tự có nhiều cách: Người thì uống thuốc cho bổ huyết, người thì cho tại đất tuyệt đinh, nhờ thầy địa lý dịch mả, người thì đi lễ bái chùa này miếu nọ để cầu Phật, Thánh độ cho có con. Về tháng giêng, tháng hai, vợ chồng thiên hạ thường dắt díu nhau vào lễ chùa Hương Tích (thuộc phủ Mỹ Đức tỉnh Hà Nội, nay là huyện Mỹ Đức, Hà Nội) để cầu tự. Trong chùa có một hang đá, thạch nhũ mọc lổm chổm hai bên, tục gọi là núi Cô, núi Cậu. Các người cầu tự đem vàng, hương, oản, lễ đến chùa, rồi thì đem quà bánh đến chỗ hang thạch nhũ ấy, coi hòn nào thích mắt thì xoa tay vào đầu mà khấn: Cậu về ở với vợ chồng nhà tôi nhá. Ai nhiều con trai rồi muốn cầu con gái thì sang dãy núi Cô cũng nói như vậy. Khấn xong lúc trở ra về, ăn thì thêm bát thêm đũa, đi đò thì trả thêm một suất tiền cho người lái đò, làm như đã có một người đi theo vậy. Nếu về nhà mà sau vợ có mang sinh con thì mỗi năm phải đem con về chùa lễ tạ ơn Phật”.
Theo tập tục đó, nếu xuân này có độc giả nào đến chùa Hương cầu tự thì nhớ rằng trên đường về nếu ăn uống thì phải xin thêm bát đũa, đi đò qua suối Yến thì trả thêm một suất tiền giống như có một người đi theo thì mới linh ứng.
Những điều cần thận trọng
Mấy năm nay, do lượng du khách đến chùa Hương đông nên nhiều khi các “cò” đi ra cách địa điểm lễ hội hàng chục cây số để chào mời khách. Chính chúng tôi đi xe máy từ Hà Nội về lễ hội chùa Hương cách đây vài năm từng gặp các “cò” chào mời đi đò từ tận ngã ba Ba La ở Hà Đông.
Kinh nghiệm của nhiều người cho biết đi theo cò đò sẽ bị chặt chém rất cao và có khi còn bị nhồi nhét. Để tránh tình trạng này, du khách hãy mua vé ở cổng hội hoặc vào trực tiếp Suối Yến mà liên hệ nhà đò. Bên cạnh đó nên thỏa thuận rõ ràng về số người và số tiền với nhà đò để tránh tình trạng bị tăng giá hoặc nhồi nhét khách.
Ở hội chùa Hương, dọc đường có năm có rất nhiều cửa hàng bán thịt thú rừng. Không rõ đây là thú rừng thật hay thú nuôi nhưng đến chùa Hương là đến đất phật, du khách nên giữ lòng thanh tịnh, chớ mua đồ sát sinh này về. Một là có thể tránh được sự bất kính về tâm linh và hai là có thể tránh bị chặt chém giá cả hoặc bị ăn phải thịt thú rừng dởm. Thêm nữa nếu là thú rừng thật thì săn bắn và tiêu thụ động vật hoang dã cũng là hành vi phạm pháp rồi.
Hội chùa Hương phần lớn các di tích nằm trên núi, phải leo trèo. Do vậy các du khách là nữ khi đi du lịch không nên mặc các váy quá ngắn hoặc quần áo quá bó sát. Những loại quần áo đó vừa phản cảm lại vừa không tiện cho việc di chuyển, leo trèo sẽ khiến du khách không thể thăm thú hết các di tích, cảnh đẹp. Ngoài ra cũng không nên đi giày cao gót để tránh bị đau chân, mỏi chân khi di chuyển.
Một đặc trưng khác của hội chùa Hương là có nhiều hàng bán thuốc nam với lời quảng cáo chữa bách bệnh. Tuy vậy các vị thuốc trong đó chủ yếu là rễ cây rừng, lá, quả mà người thường chẳng biết tên cũng như tác dụng là gì nên hãy thận trọng, đừng nghe lời quảng cáo hay mà mua về dùng để tránh bị ảnh hưởng sức khỏe.
Nam Khánh