Những nhà sáng chế nổi tiếng trong lịch sử VN

Google News

(Kiến Thức) - Trí tuệ người Việt đã nhiều lần tỏa sáng dưới hình hài các sáng chế qua nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau.


Cao Lỗ - cha đẻ của nỏ liên châu

Cao Lỗ (? - 179 TCN) là một tướng tài của Thục Phán An Dương Vương, quê quán tại xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh ngày nay.

Tương truyền, ông là người chế ra nỏ liên châu, bắn một lần được nhiều phát. Sử sách cũ đã thần thánh hóa gọi loại nỏ này là: "Linh Quang Thần Cơ". Do là người phát minh ra nỏ thần, lại có tài bắn nỏ nên dân gian thường gọi Cao Lỗ là Ông Nỏ.

Cao Lỗ huấn luyện cho hàng vạn binh sỹ ngày đêm tập bắn nỏ. Vua An Dương Vương thường xem tập bắn trên "Ngự xa đài", dấu vết này nay vẫn còn ở Cổ Loa.

Khi Triệu Đà cho quân xâm lược Âu Lạc, chúng đã bị các tay nỏ liên châu bắn tên ra như mưa, chết như rạ và phải lui binh. Sách Lĩnh Nam chích quái chép rằng: Cứ đem nỏ ra chĩa vào quân giặc là chúng không dám đến gần. Đương thời, nỏ liên châu trở thành thứ vũ khí thần dũng vô địch của nước Âu Lạc.

 Mô hình nỏ liên châu được phục chế.

Với sáng tạo của mình, Cao Lỗ đã trở thành một là biểu tượng của trí tuệ, sức mạnh Việt Nam ngay từ buổi đầu dựng nước.

Lương Thế Vinh và chiếc bàn tính “Made in Vietnam”

Lương Thế Vinh (1441 – 1496), dân gian gọi là Trạng Lường, sinh ra trong một gia đình nông dân có học ở làng Cao Hương, huyện Thiên Bản, tỉnh Nam Định.

Từ thời niên thiếu ông đã nổi tiếng là thần đồng, thông minh, nhanh trí. Lớn lên, Lương Thế Vinh càng học giỏi, chưa đầy 20 tuổi đã nổi tiếng khắp vùng Sơn Nam. Năm 23 tuổi, ômg đỗ trạng nguyên khoa Quý Mùi (1463).

Lương Thế Vinh được lịch sử Việt Nam ghi nhận như một nhà toán học lỗi lạc, với tác phẩm để lại cho hậu thế là cuốn Đại thành toán pháp để tiện dùng - cuốn sách giáo khoa toán đầu tiên ở nước ta. Trong cuốn sách, ông đã tổng kết những kiến thức toán thời đó và cả những sáng chế của mình.

Ở Việt Nam lúc đó công cụ tính toán chủ yếu vẫn là hai bàn tay bằng cách “bấm đốt ngón tay”. Khi phải tính toán phức tạp hơn thì người dùng một sợi dây với những nút thắt làm công cụ đếm...

Lương Thế Vinh đã sáng chế ra một công cụ tính toán lợi hơn, đó là chiếc bàn tính gẩy – loại bàn tính đầu tiên của Việt Nam. Lúc đầu ông nặn những hòn bi bằng đất có khoan lỗ ở giữa, xâu vào một cái đũi, các xâu buộc cạnh nhau thành một bàn tính.

Sau này ông cải tiến những “viên tính” bằng đất thành những đốt trúc ngắn, rồi những viên tính bằng gỗ sơn màu khác nhau để dễ tính, dễ nhớ…

Hồ Nguyên Trừng - ông tổ của nghề đúc súng thần công

Hồ Nguyên Trừng (1374 - 1446) là người huyện Vĩnh Phúc, lộ Thanh Hoa (nay thuộc tỉnh Thanh Hóa), con trai cả của vua Hồ Quý Ly. Ông nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam với tư cách một nhà kỹ thuật quân sự, công trình sư lỗi lạc, ông tổ của nghề đúc súng thần công của người Việt.

Thời ấy, do yêu cầu chống giặc ngoại xâm, muốn có nhiều súng trang bị cho các thành trì và các hạm đội, Hồ Nguyên Trừng đã phải gấp rút tổ chức những xưởng đúc súng lớn. Ông đã đúc kết những kinh nghiệm cổ truyền, trên cơ sở đo, phát minh, chế tạo ra nhiều loại súng có sức công phá sấm sét.

Từ việc cải tiến súng, chế thuốc súng, hiểu rõ sức nổ của thuốc đạn Hồ Nguyên Trừng phát minh ra phương pháp đúc súng mới gọi là súng "thần cơ". Đây là loại súng có đầy đủ các bộ phận cơ bản của loại súng thần công ở những thế kỷ sau này.

Nòng súng là một ống đúc bằng sắt hoặc bằng đồng. Phía đuôi súng được đúc kín có bộ phận ngòi cháy ở chỗ nhồi thuốc nổ. Đạn pháo là mũi tên bằng sắt lớn. Khi bắn, người ta nhồi thuốc súng vào phía đáy rồi đặt mũi tên vào giữa và nhồi loại đạn ghém bằng sắt và chì.

Súng thần cơ có nhiều loại, to nhỏ khác nhau. Hồ Nguyên Trừng chú trọng chế tạo loại thần cơ lớn gọi là “thần cơ pháo”, chất là súng thần công cỡ lớn được đặt cố định trên thành hoặc trên xe kéo cơ động.

Khi đối mặt với nhà Hồ, quân Minh bao phen kinh hoàng về loại súng này. Nhưng cuộc kháng chiến của nhà Hồ thất bại vì không được dân ủng hộ. Giặc Minh đã bắt được nhiều súng thần cơ và cả Hồ Nguyên Trừng - nhà sáng chế ra nó.

Hồ Nguyên Trừng đã bị đưa về Trung Hoa để phục vụ việc phát triển hỏa lực của nhà Minh. Trong Vân đài loại ngữ, Lê Quý Đôn cho biết: "Quân Minh khi làm lễ tế súng đều phải tế Trừng".

Ngoài súng thần cơ, Hồ Nguyên Trưng còn là nhà sáng chế của thuyền cổ lâu (thuyền chiến lớn có hai tầng) và là tổng công trình sư của nhiều công trình kiến trúc, thủy lợi hoành tráng thời Hồ.

Cao Thắng “copy” hoàn hảo súng trường tối tân của Pháp

Cao Thắng (1864-1893) quê ở thôn Yên Đức, xã Tuần Lễ, tổng Yên Ấp, huyện Hương Sơn (nay là xã Sơn Lễ huyện Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh), là một lãnh tụ trong cuộc khởi nghĩa Hương Khê do Phan Đình Phùng khởi xướng cuối thế kỷ 19.

Không chỉ là một nhà chỉ huy quân sự đầy mưu lược, ông còn là một kỹ sư quân giới tài năng, một nhà sáng tạo xuất chúng.

Nhận thức được vai trò của vũ khí trong đấu tranh, Cao Thắng chủ trương bằng mọi cách phải chế tạo được súng như của Tây. Cơ hội đã đến với ông sau khi nghĩa quân thu được 17 khẩu súng theo kiểu 1874 của Pháp và 600 viên đạn sau một trận phục kích quân địch.

 Mẫu súng trường kiểu 1874 do nghĩa quân sản xuất.

Ông đã cho tháo rời các bộ phận của một khẩu súng chiến lợi phẩm ra nghiên cứu và mau chế tạo một loại súng tương tự. So với súng kíp, đây thực sự là “siêu phẩm” của nền quân sự châu Âu.

Cao Thắng đã cho tập trung các thợ rèn giỏi về lò rèn đúc sung. Chẳng bao lâu những kho vũ khí lớn của nghĩa quân đã được trang bị hàng trăm khẩu súng cùng rất nhiều đạn dược. Súng bắn rất hiệu quả, dù tầm bắn có kém hơn súng Pháp do ruột gà ngắn và không có rãnh bên trong.

Đại uý Pháp Goselin từng tham dự vào cuộc chinh phạt ở Nghệ Tĩnh đã viết về các khẩu súng của Cao Thắng trong cuốn Nước Nam như sau: “Tôi có đem nhiều khẩu súng đó về Pháp, nó giống đủ mọi vẻ như súng của các xưởng binh khí nước ta chế tạo, đến nỗi tôi đưa cho các quan pháo thủ xem các ông cũng phải sửng sốt lạ lùng”.

Trần Đại Nghĩa – người đặt nền móng nền công nghiệp quốc phòng VN

Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa (1913–1997) tên thật là Phạm Quang Lễ, sinh ra trong một gia đình nhà giáo nghèo tại xã Chánh Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Bằng nỗ lực vượt khó, ông đã đỗ đạt trên con đường học vấn và đi du học Pháp năm 1935.

Suốt 11 năm du học ở nước ngoài, ông đã âm thầm nghiên cứu kỹ thuật, công nghệ và hệ thống tổ chức chế tạo vũ khí. Được giác ngộ cách mạng, năm 1946 ông trở về nước phục vụ cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.

Bắt đầu từ số không, chỉ sau gần 3 tháng, các chiến sĩ quân giới dưới sự chỉ đạo của Trần Đại Nghĩa đã sản xuất thành công súng bazôka với sức mạnh xuyên thủng 75cm tường thành gạch xây, tương đương bazôka do Mỹ chế tạo.

Ngày 5/3/1947, đạn bazôka vừa xuất xưởng đã bắn cháy 2 xe tăng của quân Pháp tại Quốc Oai, Hà Đông. Trong chiến dịch Thu Đông năm 1947, súng bazôka còn bắn chìm cả tàu chiến Pháp trên sông Lô.

Sau súng bazooka, Trần Đại Nghĩa tiến hành chế tạo một loại súng nhẹ, nhưng lại có sức công phá ngang như một cỗ đại bác hạng nặng – đó là súng không giật SKZ, loại vũ khí hiện đại, mới xuất hiện cuối chiến tranh thế giới thứ hai. Ông cùng với các cộng sự đã phải lặp lại quá trình sáng chế SKZ, và nỗ lực này đã thành công. 

SKZ Việt Nam xuất trận lần đầu trong trận Phố Lu, đánh phá tan tành các lô cốt địch có tường bê tông cốt thép dày hơn 1m. Năm 1950, tại chiến trường Nam Trung Bộ, trong một đêm, với loại súng không giật này ta đã nhổ 5 đồn giặc. Địch hoảng sợ tháo chạy khỏi hàng loạt đồn bốt khác.

Có SKZ rồi, Trần Đại Nghĩa tiếp tục nghiên cứu và chế tạo đạn bay. Ông cũng sáng chế thành công loại tên lửa nặng 30 kilôgam có thể đánh phá các mục tiêu ở cách xa 4km.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Trần Đại Nghĩa đã góp phần to lớn trong cuộc chiến chống máy bay B-52 , phá hệ thống thủy lôi của địch và chế tạo những trang thiết bị đặc biệt cho Bộ đội Đặc công.

Tiếp nối truyền thống sáng tạo của cha ông, những thành quả mà GS Trần Đại Nghĩa để lại thực sự là những tài sản vô cùng to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

TIN BÀI LIÊN QUAN

BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU



Hoàng Phương