Những chuyện liêu trai về làng thờ thần khuyển ở Hà Nội

Google News

Từ nhiều đời nay, người dân làng Địch Vĩ, Phương Đình, Đan Phượng, Hà Nội luôn có một phong tục kỳ lạ, đó là thờ bức tượng đá "thần khuyển".

Từ nhiều đời nay, người dân làng Địch Vĩ, Phương Đình, Đan Phượng, Hà Nội luôn có một phong tục kỳ lạ, đó là thờ bức tượng đá “thần khuyển”. Họ coi đây như một ông quan lớn của làng. Khi có bất kỳ khó khăn hay nỗi niềm oan trái, họ đều tới trước bức tượng chó đá để giãi bày. Ngày lễ, ngày Tết, người dân nơi đây đều kính cẩn dâng lễ và hương khói không lúc nào ngớt trên bệ thờ chó đá.

Tôn thờ tượng chó đá

Trong văn hóa của người Việt cổ khi xưa thì chó là con vật có thể đem đến những điều may mắn, mang đến thuận lợi và nhiều niềm vui. Chẳng những trước đây mà cả bây giờ vẫn có tín ngưỡng dân gian về chó.

Tục thờ chó của người Việt được thể hiện dưới hai hình thức. Một là chôn chó đá trước cổng nhà như một linh vật để canh cổng với ý nghĩa trừ tà, cầu phúc. Hai là đặt chó đá trên bệ thờ như một thần linh để cầu cúng, phụng thờ.

Một số nơi gọi chó đá một cách kính cẩn là quan lớn Hoàng Thạch. Các nhà nghiên cứu cũng đã nhận thấy hình thức chó đá giữ vai trò canh gác là khá phổ biến ở Việt Nam.

Thực tế, trong dân gian Việt Nam, từng có câu chuyện, có một chàng học trò, khi qua cánh cổng làng có chôn bức tượng chó đá tức thì con chó đá nhỏm dậy tỏ vẻ mừng rỡ. Lấy làm lạ, người học trò hỏi: "Anh em học trò qua đây cũng đông, sao mày chỉ mừng một mình tao".

Con chó đáp: "Khoa thi này chỉ có mình thầy đậu thôi. Số trời đã định, tôi phải kính trọng mừng thầy". Người học trò nghe nói vậy liền kể cho cha mẹ nghe. Từ đó, người cha lên mặt hống hách. Ông ta dắt trâu ra đồng, cho trâu dẫm cả vào lúa non của người khác.

Người dân góp ý, ông ta dọa dẫm: "Khoa này con ông đỗ, rồi chúng mày sẽ biết tay ông". Dân làng nghe ông nói vậy, cũng có lòng sợ, không dám lôi thôi.

Nhưng những ngày sau, người học trò đi qua, không thấy chó đá nhỏm dậy vẫy đuôi mừng. Người học trò hỏi: "Mọi buổi tao qua đây, mày vẫn đứng dậy mừng, hôm nay sao mày không đứng dậy nữa?".

Con chó đá nói: "Tại cha thầy lên mặt hách dịch với dân làng nên Thiên Tào đã gạch tên thầy đi, khoa này thầy không đỗ được nên tôi không phải mừng thầy nữa".

Bức tượng Thần khuyển tại Địch Vĩ, Phương Đình, Đan Phượng, Hà Nội.
Bức tượng Thần khuyển tại Địch Vĩ, Phương Đình, Đan Phượng, Hà Nội.

Người học trò đem chuyện kể lại với cha, người cha lấy làm hối hận, rồi từ đó không những không lên mặt hống hách mà còn xin lỗi những người mà mình đã xúc phạm. ‏‏Khoa ấy, người học trò dù đã lọt qua mấy kỳ nhưng không đỗ thật.

Tuy vậy, người học trò cũng không lấy làm nản, càng chăm chỉ học hành. Người cha cũng không lấy làm oán hận, càng tu thân tích đức để chuộc lỗi.

Ba năm sau, người học trò đi qua chỗ con chó đá, lại thấy nó đứng dậy mừng rỡ như trước. Con chó đá bảo: "Nhà thầy tu nhân tích đức đã 3 năm nay, đủ chuộc lại những lỗi lầm trước rồi nên sổ Thiên Tào lại định cho thầy khoa này thi đỗ". Người học trò mừng thầm nhưng không nói cho cha mẹ nghe nữa, chỉ biết ra sức cố học. Khoa ấy quả nhiên thi đỗ cao.

Tại đền Địch Vĩ, Phương Đình, Đan Phượng, Hà Nội cũng vậy, ở đây, chính giữa bệ thờ là tượng “thần khuyển” bằng đá cao khoảng 1,4 m trong tư thế ngồi, tai cụp, mắt nhìn thẳng về phía trước, miệng há, lưỡi thè ra che hàm răng dưới.

Nhưng có người cho rằng “ngài” đang ngửa cổ lên trời cười vì khuôn mặt rất tươi. Xung quanh tượng “thần khuyển” là tượng 16 con chó con kích cỡ không đồng đều, con nhỏ cao khoảng 15 cm, con lớn nhỉnh hơn 30 cm, tư thế rất linh động.

Tiếp chúng tôi bên căn nhà nhỏ dựng cạnh chùa, Ông Băng, thủ nhang của đình Địch Vĩ, cho biết: “Từ bao đời nay, việc thờ cúng, nhang khói bức tượng chó đá đã trở thành tục lệ không thể thiếu của người dân khắp thôn xóm, thậm chí cả các làng xung quanh mỗi ngày rằm, mùng một, hay lễ Tết.

Tuy nhiên, không ai biết chính xác bức tượng này có từ khi nào, chỉ biết rằng, từ khi tôi lớn lên đã thấy “ngài” ngự ở đình làng”.

Rồi ông Băng kể cho chúng tôi nghe về truyền thuyết thờ “thần khuyển”, cách đây đã ngoài 400 năm có một gia đình có hai anh em ở Hát Môn. Người anh là một vị quan trong triều đình, ở nhà chỉ còn em trai với chị dâu. Ngăn buồng của chị dâu và em trai là một vách đất thủng một lỗ to bằng nắm tay.

Đêm đêm, khi ngủ, người em thường thò tay qua bức vách đặt lên bụng chị dâu vì sợ chị ngoại tình. Thế nhưng, vài tháng sau khi vị quan kia về thì thấy vợ mình có chửa, nghi em trai dan díu với chị dâu, trong lúc nóng giận, vị quan đã sai người giết chết em trai cho hả giận.

Người em sau khi chết oan, về báo mộng cho người làng nỗi khổ của mình và yêu cầu nhân dân dựng cho mình một bức tượng. Bức tượng ấy sau khi hoàn thành có hình giống chó đá, rồi được thả xuôi theo dòng sông.

Bức tượng trôi đến địa phận xã Thọ Xuân, nằm đối diện làng Địch Vĩ, ngăn bởi con sông Hồng. Lúc bấy giờ, dân làng mới đổ ra xem pho tượng lạ. Nghĩ hẳn là pho tượng quý, người dân Thọ Xuân cử hàng trăm thanh niên trai tráng ra khiêng tượng về, nhưng không thể khiêng nổi.

Bấy giờ, bốn người thôn Địch Thượng mới hò nhau ra khiêng thử, lạ thay, bức tượng bỗng nhẹ bẫng. Biết là tượng đã chọn làng mình, dân Địch Thượng mới mang tượng chó đá, mà sau tôn làm quan lớn Hoàng Thạch và thờ cúng cho đến nay.

Đôi mắt tượng được dựng hướng về Hát Môn cũng chính là hướng về quê hương cũng vì lẽ đó. Tục thờ cúng quan lớn Hoàng Thạch có từ ngày ấy cho đến nay, đó cũng trở thành nét văn hóa tín ngưỡng đặc trưng của làng”.

Coi chó đá như “quan lớn hoàng thạch”

Kể từ khi có bức tượng “thần khuyển”, người dân trong làng, có bất cứ chuyện gì cũng tìm đến trước tượng đá để cầu khấn. Họ coi bức tượng chó đá là quan lớn “Hoàng Thạch”. Nhiều người xảy ra tranh chấp hay mâu thuẫn cũng kéo nhau đến đền thờ tượng đá để thề bồi.

Trước mặt tượng chó đá, một người sẽ chặt đứt cây chuối hoặc đập vỡ bát và cất lời thề để “ngài” chứng giám. Nếu lời người thề bồi mà sai trái ắt sẽ bị thần quở mà gặp tai ương, tính mạng khó giữ. Chính vì thế, nhiều mâu thuẫn của dân làng cũng nhờ quan lớn “Hoàng Thạch” mà được hóa giải.

Những người lỡ làm chuyện không tốt cũng tìm đến đền thờ Hoàng Thạch để sám hối, nếu không tâm cũng không yên mà trong lòng áy náy, day dứt rồi sinh bệnh tật.


Theo lời ông Băng, cũng chính bởi những câu chuyện linh thiêng về Quan lớn Hoàng Thạch mà dân làng tuyệt nhiên không ai dám xâm phạm đến nơi “ngài” ngự.

“Đợt gần đây, trong khi tu sửa lại đình chùa, chúng tôi có xin chuyển ngài sang bệ thờ mới cách đấy vài mét. Cây đinh lăng già nằm sát nơi ngài ngự vì thế mà cũng phải chặt bỏ, đào rễ để tiện cho việc xây bệ mới.

Nghĩ bỏ đi thì phí nên vài người làng đã mang rễ đinh lăng về nhà để ngâm thuốc. Vậy mà chỉ trong vòng chưa đến một tuần, tất cả những người ấy đều lăn ra ốm. Người thì nằm liệt giường, người sốt hầm hập ăn nói lảm nhảm.

Người nhà bệnh nhân chạy chữa, khám xét mãi cũng không khỏi, chẳng ai hiểu thực chất là mắc bệnh gì. Sau có cụ già trong làng đến thăm có hỏi: “Có phạm gì chỗ đền “ông Hoàng Thạch” không? Nếu có thì phải đem trả mau”. Người nhà nghe vậy mới vội vàng làm lễ dâng ngài xin thứ tội, những người bệnh cũng tự nhiên mà khỏi, chốc lát lại khỏe mạnh bình thường.

Sau chuyện này, ai ai cũng lấy đó mà nể sợ. Chính vì thế, củi trong đình chất hàng đống nhưng không một ai dám mang về nhà. Cũng có người “liều” mang về nhà làm củi đun. Nhưng củi lửa thì cháy bùng bùng mà cơm nấu không tài nào chín. Đến bây giờ, có cho cũng không ai dám lấy”, ông Băng kể.

Theo lời ông Băng, nhiều người dân trong làng mắc bệnh nan y, “bệnh viện trả về” mà ra cầu khấn với “ông Hoàng Thạch” bỗng chốc lại đi lại bình thường, sức khỏe hồi phục.

“Chẳng hiểu vì ngài linh thiêng phù hộ cho khỏi bệnh, hay nhờ cầu khấn ngài mà tâm lý người bệnh được thanh thản, tinh thần phấn chấn rồi bệnh tình cũng vì thế thuyên giảm hay không. Tuy nhiên, dân làng tôi cũng lấy những chuyện ấy mà càng trọng vọng, tôn kính “ngài” hơn”, ông Băng gật gù.

Cũng theo lời ông Băng, tượng Quan lớn Hoàng Thạch được xây cao, mắt hướng thẳng sang làng Hát Môn (huyện Phúc Thọ, Hà Nội), nhìn về phía Tây, cách khoảng 4 km, nằm men theo con sông Hồng thủa trước.

Dân làng vẫn thường đồn rằng, tất cả những nhà nằm chắn hoặc che khuất tầm mắt của ngài đều sẽ gặp vận rủi. Vì vậy, ai có phần đất nằm ngang lối ấy khi xây nhà đều gắng xây tránh ra.

Chẳng biết những câu chuyện mang màu sắc “liêu trai” mà ông thủ nhang đền kể cho chúng tôi có thật sự hay không nhưng từ hàng trăm năm nay, bức tượng “thần khuyển” ở làng Địch Vĩ luôn là một tín ngưỡng linh thiêng, tạo nên niềm tin hướng thiện cho những người dân nơi này. 

Theo Phunutoday

Bài đang đọc nhiều
Điều đặc biệt về tượng ngọc quan âm lớn nhất VN Điều đặc biệt về tượng ngọc quan âm lớn nhất VN Giải mã bí ẩn di chúc của Võ Tắc Thiên Giải mã bí ẩn di chúc của Võ Tắc Thiên Ảnh hiếm về nụ cười Việt Nam thời chiến của RIA-Novosti Ảnh hiếm về nụ cười Việt Nam thời chiến của RIA-Novosti

[links()]