Những chú chó “huyền thoại” trong lịch sử thế giới

Google News

(Kiến Thức) - Lịch sử nhân loại không chỉ lưu danh các vĩ nhân, mà còn cả các "vĩ khuyển".

Chú chó “phản xạ có điều kiện” của Ivan Pavlov

Ivan Petrovich Pavlov (1849 – 1936) là một nhà sinh lý học, tâm lý học và thầy thuốc nổi tiếng người Nga. Ông đã được lịch sử thế giới ghi nhận với giải Nobel năm 1904 cho công trình nghiên cứu liên quan đến hệ thống tiêu hóa và sau này là việc xây dựng định luật cơ bản về hiện tượng phản xạ có điều kiện dựa trên các thí nghiệm được ông tiến hành trên loài chó.

Theo lời kể, Pavlov và trợ lý thường tiến hành thí nghiệm tiết dịch vị đối với chú chó già thuộc giống chăn cừu Đức. Chú chó đã sống trong phòng thí nghiệm nhiều năm và quen tất cả các nhân viên ở đây. Nó biết Pavlov là lãnh đạo ở đây nên tỏ ra rất quấn quýt với ông.

 Ivan Pavlov cùng cộng sự bên chú chó của phòng thí nghiệm.

Một ngày nọ, chú chó được đưa lên đứng trên bục thí nghiệm, từng giọt dịch vị chảy ra và được đưa vào trong một cái khay thông qua một ống dẫn. Dịch vị của chó tiết ra bình thường, mỗi phút khoảng 25 giọt. Bỗng ngoài cửa vọng vào tiếng bước chân của  nhân viên nuôi chó, bước chân xa dần rồi mất hẳn.

Lúc đó nhân viên thí nghiệm phát hiện dịch vị của chó tiết ra tăng lên đột biến, mỗi phút khoảng 100 giọt. Hiện tượng này trước đó chưa từng xảy ra nên họ đã báo cáo với Pavlov. Pavlov rất ngạc nhiên và đắm chìm vào suy nghĩ.

Khi sự việc chưa có lời giải thì tiếng bước chân của nhân viên nuôi chó từ xa lại vọng đến. Một lần nữa, dịch vị của chó tiết ra tăng lên rất nhiều. Dường như tiếng bước chân của nhân viên nuôi chó là nguyên nhân khiến dịch vị của chó tiết nhiều lên như vậy.

Để khẳng định điều này, Pavlov đã nói với người nuôi chó cứ 15 phút đi qua lại cửa phòng thí nghiệm một lần, làm 3 lần như thế. Và Pavlov đã vui mừng phát hiện ra rằng cứ mỗi lần nhân viên nuôi chó đi qua trước cửa phòng thí nghiệm là dịch vị của chó lại tăng lên.

Pavlov suy luận: "Tiếng bước chân của người nuôi chó gắn liền với sự xuất hiện thức ăn, lâu dần nó và thức ăn có một quan hệ đặc biệt thông qua cái đầu của con chó, tức là bước chân của người nuôi chó có thể thay thế cho thức ăn. Tiếng bước chân ấy vang lên, chó biết ngay là thức ăn sắp được đưa tới, thông qua thần kinh đại não ra mệnh lệnh làm cho dạ dày tiết nhiều dịch vị ra".

Đây chính là cơ sở để Pavlov tiến hành thêm nhiều thí nghiệm, từ đó xây dựng nên định luật cơ bản về hiện tượng phản xạ có điều kiện của động vật - một phát kiến vĩ đại của lịch sử khoa học thế giới.

Điều đáng tiếc nhất trong câu chuyện này là tên của chú chó giúp Pavlov khám phá ra định luật phản xạ có điều kiện đã không được ghi lại. Hậu thế chỉ đơn giản gọi nó là “chú chó của Pavlov”.

Laika – “phi hành khuyển” đầu tiên của nhân loại


Ngay sau khi phóng thành công vệ tinh Sputnik-1 vào ngày 4/10/1967, các nhà khoa học Liên Xô nhanh chóng xúc tiến việc phóng tàu vũ trụ Sputnik-2 mang theo sinh vật sống đầu tiên lên vũ trụ. Loài chó đã được xem là đối tượng thử nghiệm thích hợp nhất vì chúng có khả năng tồn tại trong không gian tương đương như con người.

Và ngay lập tức một đội “phi hành khuyển” đã được thành lập, gồm 3 thành viên là các chú chó có tên Laika, Albina và Mushka. Để trở thành phi hành gia thực thụ, chúng phải trải qua những cuộc thử nghiệm và tập luyện gắt gao để làm quen với cabin chật hẹp, tình trạng không trọng lực và những rung động mạnh và tiếng gầm rú của động cơ Sputnik-2, tập mang quần áo đặc biệt, dùng những loại thức ăn đóng hộp ở dạng lỏng…

 Chú chó Laika trước giờ bay vào vũ trụ.

Kết thúc khóa huấn luyện, Albina được chuyển sang bộ phận thử nghiệm sức chịu đựng của cơ thể sống trong điều kiện gia tốc cực lớn khi tên lửa đẩy khởi hành; Mushka được chuyển sang làm ở bộ phận thử nghiệm các thiết bị cứu hộ và khoang đổ bộ của tàu vũ trụ; còn Laika phục vụ nghiên cứu sức chịu đựng của cơ thể sống trong điều kiện không trọng lực.

Và chính nhiệm vụ này đã giúp Laika, chú chó 3 tuổi, nặng 16 kg trở thành sinh vật sống đầu tiên bay vào vũ trụ. Ngày 3/11/1957, tại sân bay vũ trụ Baikonur, Sputnik-2 được phóng lên quỹ đạo trái đất, mang theo chú chó huyền thoại này.

Lượng thức ăn và ôxy chỉ đủ cho Laika dùng trong 10 ngày, trong khi sứ mệnh của Sputnik-2 sẽ kéo dài tới tháng 4/1958. Điều đó có nghĩa là số phận của Laika đã được định đoạt ngay từ đầu, nó sẽ chết và bị thiêu cháy cùng với con tàu khi quay trở lại bầu khí quyển trái đất.

Các thông tin do Cơ quan Nghiên cứu Vũ trụ Liên Xô cung cấp vào thời điểm đó cho thấy Laika đã sống tới ngày thứ 4 của chuyến du hành.

Sau 163 ngày bay liên tục 2.570 vòng quanh quỹ đạo trái đất, ngày 14/4/1958, Sputnik-2 mang theo xác Laika đã rực cháy trên đường trở về trái đất, kết thúc xuất sắc sứ mệnh tiên phong của mình. Sự hy sinh của Laika không hề uổng phí bởi nó đã giúp chứng tỏ một điều: sinh vật sống có thể tồn tại trong tình trạng không trọng lực ngoài không gian.

Để tưởng nhớ Laika, trong suốt nửa thế kỷ qua nhiều nước đã phát hành những bộ tem kỷ niệm và bưu thiếp có hình con vật đáng yêu này. Các mặt hàng tiêu dùng, các ban nhạc lấy cảm hứng từ Laika cũng lần lượt ra đời. Laika cũng trở thành đề tài của rất nhiều tiểu thuyết, phim truyện, bài hát...

Hachiko – bức tượng đài về lòng trung thành của loài chó

Hachiko là một chú chó nhỏ, giống bản địa Nhật Bản, chào đời vào tháng 11/1923 ở tỉnh Akita, Nhật Bản. Chú chó được giáo sư Ueno của trường đại học Tokyo nuôi dưỡng và coi như con ruột, vì gia đình ông không có con trai.

Cứ mỗi buổi sáng hàng ngày, Hachiko lại đi bộ với giáo sư Ueno Eizaburo đến nhà ga để tiễn ông lên tàu đi làm. Và cứ đến 3 giờ chiều, Hachiko lại ra nhà ga đợi giáo sư về.

Nhưng vào ngày 12/5/1925, giáo sư Ueno đã bị đột quỵ khi đang đứng trên giảng đường ở trường và mãi mãi không thể trở về. Còn Hachiko cứ như mọi ngày, vẫn đến nhà ga vào lúc 3 giờ chiều để đón chủ nhân về. Đã qua 3 giờ rất lâu, trời đã tối mà không thấy giáo sư về, Hachiko không hề nản lòng, vẫn kiên nhẫn chờ đợi.

 Chú chó Hachiko.

Có lẽ Hachiko hiểu rằng có chuyện chẳng lành đã xảy ra. Nhưng nó vẫn ra ga đợi chủ vào 3h chiều mỗi ngày. Những người xung quanh bắt đầu để ý tới sự chờ đợi vô vọng của  Hachiko đối với người chủ nhân đã qua đời của mình và thay phiên nhau chăm sóc nó. Câu chuyện cảm động về lòng trung thành của Hachiko bắt đầu lan truyền khắp nơi. Người ta tìm đến Shibuya để được nhìn thấy Hachiko, cho nó ăn, hoặc xoa đầu nó.

Nhiều năm trôi qua, Hachiko vẫn có mặt đều đặn ở nhà ga vào lúc 3h chiều, mặc dù nó đã bị bệnh viêm khớp và quá già yếu. Điều gì đến cũng phải đến, ngày 8/3/1935, Hachiko gục chết tại chính cái nơi mà nó đã đứng đợi chủ nhân của mình, kết thúc 10 năm đợi chờ trong vô vọng.

Nhiều tờ báo đã đăng trên trang nhất về cái chết của Hachiko. Người ta đã quyên góp tiền để thuê nhà điêu khắc Ando Teru làm một bức tượng Hachiko bằng đồng, đặt ngay trong sân ga, nơi chú chó đã đứng đợi chủ nhân trong gần 10 năm. Bức tượng bị lấy đi để làm vũ khí trong thời chiến tranh thế giới 2, nhưng được con trai nhà điêu khắc Ando Teru làm lại vào năm 1948 và tồn tại ở ga Shibuya cho đến tận ngày hôm nay.


BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU


Thanh Bình