Sau một thời gian nghiên cứu, chế tạo và thử nghiệm, năm 1996, những chiếc mục tiêu bay ra đời đã đánh dấu một bước tiến vượt bậc của ngành kỹ thuật hàng không Quân chủng Phòng không-Không quân. Đến nay, không chỉ dừng lại ở các loại mục tiêu bay, máy bay không người lái (MBKNL) phục vụ huấn luyện, Quân chủng Phòng không-Không quân còn là nơi nghiên cứu, chế tạo ra các MBKNL tham gia mục đích quân sự.
Thành công đó đã đưa Việt Nam trở thành 1 trong 5 nước Đông Nam Á thiết kế, chế tạo thành công MBKNL.
Khởi đầu từ những mục tiêu bay
Trước đây, sau những mùa bắn đạn thật của các lực lượng phòng không, không quân, các đơn vị rất phấn khởi là hiệu suất tiêu diệt mục tiêu tương đối cao và ổn định. Tuy nhiên, những người đứng đầu Quân chủng Phòng không-Không quân lúc bấy giờ lại hết sức trăn trở. Khoa học kỹ thuật quân sự ngày càng phát triển, hoạt động tác chiến của đối phương ngày càng tinh vi, nhất là các phương tiện tiến công hoả lực đường không. Nếu không kịp thời đổi mới nâng cao huấn luyện thì rất khó đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Do đó, việc nghiên cứu, sản xuất mục tiêu bay là một nhiệm vụ cấp bách và cần thiết. Để chuẩn bị cho nhiệm vụ này, năm 1996, Quân chủng Phòng không-Không quân đã mua tổ hợp thiết bị bay DF-16 của Isarel và giao cho Ban Giáo dục Quốc phòng (Bộ Tham mưu PK-KQ) nghiên cứu, học tập. Tiếp đó, Bộ Tư lệnh Quân chủng giao cho cơ quan này phối hợp với Nhà máy A40 nghiên cứu, chế tạo mục tiêu bay.
|
Các mục tiêu bay chuẩn bị để cất cánh |
Sau 3 năm nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và thử nghiệm, cuối năm 1999, hai chiếc mục tiêu bay ký hiệu M-96 (bay ngày) và M-96D (bay đêm) đã được Nhà máy A40 xuất xưởng và bay thử thành công trên bầu trời Miếu Môn (Hà Nội). Loại mục tiêu này có sự hỗ trợ của kính TZK, điều khiển bằng tay và thực hiện bay bằng trong tầm quan sát bằng mắt thường. Và kể từ đó, mục tiêu M-96 và M-96D được Quân chủng PK-KQ sản xuất hàng loạt phục vụ cho các lực lượng tên lửa, pháo cao xạ huấn luyện.
Tuy nhiên, so với các loại mục tiêu bay trên thế giới dùng cho lực lượng phòng không, không quân huấn luyện, M-96 có nhiều hạn chế như: tầm bay ngắn, trần bay thấp và tốc độ nhỏ. Do đó, M-96 tiếp tục được nghiên cứu cải tiến và nâng cấp với tầm hoạt động rộng, trần bay cao, tốc độ lớn hơn, đặc biệt là thiết bị này bay theo chương trình tự động định sẵn. Quân chủng tiếp tục giao cho các kỹ sư từng tham gia sản xuất M-96. Sau khi Ban nghiên cứu Mục tiêu bay của Viện Kỹ thuật Phòng không-Không quân (VKTPK-KQ) được thành lập, Đại tá Trịnh Xuân Đạt được bổ nhiệm làm trưởng ban, Trung tá Nguyễn Thanh Tịnh làm phó ban, Ban được cấp kinh phí cùng với cơ sở hạ tầng, trang thiết bị vật chất phục vụ công tác nghiên cứu, sản xuất.
Sau gần nửa năm nghiên cứu Viện đã hoàn thành nhiệm vụ nâng M-96 thành M-100CT, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật. Trong chương trình bay báo cáo được tiến hành vào tháng 7 năm 2004, Viện đã biểu diễn thành công các chuyến bay của mục tiêu M-100CT. Chương trình cải tiến mục tiêu M-96 lên M-100CT thành công là cả một bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực chế tạo mục tiêu bay, đây là tiền đề vững chắc để các nhà khoa học Quân chủng tiến tới hiện thực hoá giấc mơ chế tạo thành công MBKNL.
Đến những chiếc máy bay không người lái “Made in Việt Nam”
Thực ra, trước thành công của M-100CT, đầu năm 2001, VKTPK-KQ đã khởi động dự án “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo MBKNL điều khiển chương trình”, ký hiệu M-400CT. Thiết bị này có nhiều điểm tương đồng với Tổ hợp thiết bị bay DF-16 do Isarel sản xuất. Cho đến khi thử nghiệm thành công M-100CT, Viện giao cho Ban nghiên cứu mục tiêu bay tiếp tục hoàn thiện sản phẩm.
Đại tá Trịnh Xuân Đạt cho biết, đây là một nhiệm vụ khó, đòi hỏi phải đầu tư công sức và trí tuệ nhiều, khó nhất là thiết kế, chế tạo chương trình điều khiển tự động. Trong khi đó, các linh kiện này không có ngoại nhập, trong nước thì càng khan hiếm, bởi vậy các kỹ sư đã nghiên cứu thử nghiệm trên nhiều linh kiện khác nhau. Còn phần chế tạo vỏ, thân máy bay, khác với mục tiêu bay, lần này Viện phối hợp với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội sử dụng chất liệu composit (thay cho chất liệu gỗ như trước), chất liệu này vừa rẻ vừa giảm được trọng lượng của máy bay xuống, nâng khả năng mang nhiên liệu của máy bay lên.
|
Đại tá Trịnh Xuân Đạt-Trưởng ban Nghiên cứu mục tiêu bay là một trong những người có công trong việc chế tạo máy bay không người lái Việt Nam |
Sau 4 năm nghiên cứu, thử nghiệm, ngày 15/9/2005, 2 chiếc MBKNL M400-CT mang phiên hiệu 405, 406 đã bay báo cáo thành công các bài bay tại sân bay Kép (Bắc Giang), với độ cao 2.000m, bán kính hoạt động 15km. Sau đó, VKTPK-KQ tiếp tục cải tiến và nâng cấp M-400CT lên độ cao 3.000m, tốc độ 250 - 280km/h, bán kính hoạt động 30km, có thể cất hạ cánh trên đường băng (đất hoặc bê tông). Cùng với việc chế tạo MBKNL, Viện cũng đã thiết kế và chế tạo thành công các hệ thống bệ phóng (dùng cho các trường hợp không có đường băng cất cánh) bằng những nguyên vật liệu có trong nước, nhẹ và dễ cơ động. Với thành công này, ngày 15/9/2006 được lấy làm ngày khai sinh của MBKNL và những thành công này đã đưa Việt Nam trở thành 1 trong số ít nước Đông Nam Á chế tạo được MBKNL. Hiện nay, VKTPK-KQ là đơn vị sản xuất mục tiêu bay, MBKNL phục vụ cho công tác huấn luyện của các lực lượng phòng không, không quân và lực lượng phòng không lục quân. So với thế hệ mục tiêu và MBKNL trước đây, hiện nay chúng đã được cải tiến và nâng cấp nhiều hơn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của các loại khí tài mới và hiện đại. Cùng với việc sản xuất mục tiêu bay, MBKNL phục vụ mục đích quân sự, VKTPK-KQ cũng đã thiết kế, chế tạo ra các loại MBKNL phục vụ các mục đích dân sự như: bay phun thuốc trừ sâu, bay quay phim, chụp ảnh địa hình...
Nguyễn Thành Trung/Thể thao & Văn hóa