Lý Nột là con gái của Chủ tịch Mao Trạch Đông và Giang Thanh. Vì không có con trai làm "người kế nhiệm", Mao Trạch Đông đã dồn hết tâm sức đào tạo Lý Nột trở thành người đảm đương "nhiệm vụ lớn" của đất nước. Đường công danh của Lý Nột vì thế mà lên như diều gặp gió. Từ Bí thư Huyện ủy, cô lên thẳng Bí thư Trung ương Đảng, kiêm Bí thư Thành ủy Bắc Kinh. Đường công danh rộng mở như vậy, còn đường tình duyên của cô thì vô cùng éo le và bất hạnh. Bài viết của nhà nghiên cứu lịch sử Thạch Tường, người Trung Quốc đăng trên tờ Tham khảo Lịch sử Thế giới đã cho chúng ta hiểu thêm về cuộc hôn nhân bất hạnh của cô "công chúa đỏ".
|
Mao Trạch Đông và con gái Lý Nột thời thơ ấu. |
Lý Nột sinh năm 1940, tại Diên An, đúng vào những năm tháng gian khổ nhất của cuộc chiến tranh kháng Nhật. Bấy giờ Mao Trạch Đông cũng đã gần ngũ tuần (tuổi âm lịch là 48), còn Giang Thanh mới 26 tuổi, tuổi đời còn rất trẻ, phong nhã, hào hoa. Mao Trạch Đông rất vui mừng trước sự ra đời muộn mằn của đứa con gái. Để đặt tên cho con, Mao Trạch Đông đắn đo suy nghĩ. Do Giang Thanh họ Lý (vốn tên là Lý Vân Hạc), hơn nữa, trong những năm tháng chiến tranh, Mao Trạch Đông cũng đã từng lấy tên Lý Đức Thắng, vì vậy, con gái không mang họ Mao mà mang họ Lý. Về việc này, Giang Thanh rất hài lòng. Mao Trạch Đông dựa theo câu danh ngôn cổ mà ông rất tâm đắc "quân tử mẫn vu hành nhi nột vu ngôn" mà đặt tên con là Lý Nột.
Mao Trạch Đông có 4 người con trai, 2 người đã chết, một người mất tích, một người bị tâm thần, do đó, bao hy vọng đều gửi gắm hết vào Lý Nột, Người dồn hết tâm trí đào tạo để cô đảm đương được "nhiệm vụ lớn". Vào khoảng năm 1970, để "rèn luyện" giúp Lý Nột tiến bộ mau hơn, Mao Trạch Đông đã để cho cô xuống lao động tại Trường cán bộ “7-5" (ngày 7 tháng 5) của Văn phòng Trung ương Đảng đóng ở Cương Sơn, Giang Tây. Lý Nột kiên quyết làm theo lời cha dặn.
Mao Trạch Đông là người đại chí, đại dũng, Người rất chú ý tới "tiến bộ" của cô con gái yêu về mặt chính trị. Nhưng có điều Lý Nột ở tuổi 30, vậy mà vẫn ở một mình chưa hề có người yêu, sao có thể gọi là bình thường được?
Mao Trạch Đông là vĩ nhân của cả một thế hệ. Người rất sáng suốt trước chuyện hôn nhân của con cái, không hề có ý xếp đặt, cũng không coi trọng "môn đăng hậu đối". Con trưởng Mao Ngạn Anh vốn được bồi dưỡng làm "người kế thừa" cũng chỉ đến với con gái của một liệt sĩ Cộng sản bình thường; con trai thứ Ngạn Thanh lấy em gái của chị dâu; con gái lớn Lý Mẫn lấy con trai Trung tướng Khổng Tòng Châu. Khổng Tòng Châu vốn là một vị tướng ở Quân đoàn Tây Bắc, năm 1949, địa vị của ông kém xa Mao Chủ tịch. Nghe nói Khổng Tòng Châu khi biết tin con trai của mình yêu con gái Mao Trạch Đông đã vô cùng kinh ngạc, nghiêm khắc ra lệnh không cho con trai qua lại với Lý Mẫn. Sau khi Lý Mẫn thông báo cho Mao Trạch Đông chuyện này, Người mời Khổng Tòng Châu đến nhà ăn cơm và nói rõ chuyện của con cái do chúng tự quyết định, cha mẹ không nên can thiệp. Khổng Tòng Châu lúc này mới yên tâm.
Lý Nột là con của Giang Thanh, tính tình quá ngạo mạn, cho nên chẳng ai dám dòm ngó. Thêm vào đó, thời kỳ "Đại Cách mạng văn hóa", mọi người đều tập trung vào "Cách mạng", chuyện đại sự cả đời của cô vì thế bị kéo dài. Ở Trường cán bộ "7-5" tại Giang Tây, Lý Nột trở thành một "công chúa" mà mọi người kính nể nhưng lại luôn xa lánh, cô cứ phải sống một mình đơn chiếc.
Nhưng ở Trường cán bộ "7-5", có một thanh niên họ Từ khoảng ngoài hai mươi tuổi, anh vốn là người phục vụ ở Ban quản lý Bắc Đới Hà, thuộc Văn phòng Trung ương. Từ Mâu là người vùng Đông Bắc, xuất thân gia đình công nông, văn hóa không cao, nhưng tuấn tú, nhanh nhẹn tháo vát (đây là tiêu chuẩn đầu tiên chọn người phục vụ cho Cục Cảnh vệ Trung ương). Từ Mâu năng động nhiệt tình, thấy Lý Nột cô đơn lẻ loi, không ai qua lại, bèn thỉnh thoảng mời cô đi đánh bóng, nói chuyện phiếm hay cùng đi làm việc đồng áng... Ngày qua tháng lại, hai người dần dần quen thân. Lãnh đạo trường và mọi người xung quanh tuy biết địa vị quá chênh lệch, tính tình của hai người cũng khác nhau nên không ai để ý. Hằng ngày họ thấy Lý Nột rất cô đơn, cho nên cũng rất vui mừng khi có người chăm lo, để tránh "công chúa" trong lòng không thoải mái mà gây ra chuyện phiền phức.
Mọi người thật sai lầm. Phải biết rằng, giữa họ tuy có khoảng cách lớn, nhưng dù sao họ vẫn là một đôi trai gái. Trong môi trường đặc biệt của Trường cán bộ "7-5" ở tỉnh Cương Sơn, tình yêu giữa hai người đã nảy nở và cả hai cùng đắm chìm trong dòng sông tình yêu ấy. Đợi đến khi mọi người xung quanh và lãnh đạo phát hiện "tình hình khác thường" thì giữa họ đã như keo với sơn, khó lòng chia cắt được.
Điều này bỗng chốc làm lãnh đạo nhà trường và lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng phải kinh ngạc. Con gái của Mao Trạch Đông và Giang Thanh sao lại có thể yêu một anh "lính quèn" xuất thân từ tầng lớp nông dân. Chuyện này được báo cáo khẩn cấp lên Mao Trạch Đông. Người phụ trách nhà trường và lãnh đạo Văn phòng Trung ương thậm chí còn xin chịu hình phạt. Đối với Lý Nột, mọi người chẳng dám động đến, còn Từ lại phải chờ ngày "xử lý". Thế là Lý Nột bướng bỉnh đã gửi thư cho cha, xin được kết hôn với Từ.
Trước tình hình như vậy, Mao Trạch Đông đương nhiên phải phê hai chữ đồng ý. Lý Nột báo cho Giang Thanh biết. Giang Thanh vốn không được chuẩn bị trước về mặt tinh thần, tuy lòng không muốn, nhưng "chuyện đã đến nước này", hơn nữa lại có Mao Chủ tịch đứng ra tác thành, nên Giang Thanh cũng đành phải đồng ý. Có lẽ Mao Trạch Đông lúc này cũng nghĩ mình trước đây là một học sinh nghèo, xuất thân trong gia đình nông dân mà lại kết hôn với "tiểu thư" con Dương Hoài Trung tiên sinh, một đại học giả hàng đầu huyện Hồ Nam từng lưu học ở nước ngoài. Chỉ có điều, anh chàng họ Từ hôm nay lại không có được tài cán như Mao Trạch Đông ngày ấy.
Thế là sau đó không lâu, cậu Từ và Lý Nột tổ chức cưới. Hôn lễ không ầm ĩ. Nếu như mọi chuyện cứ thế trôi đi thì việc này cũng chỉ tựa như một giai thoại. Vậy mà chỉ mấy tháng sau, tình hình lại thay đổi.
Sau ngày cưới không lâu, cuộc hôn nhân của Lý Nột không thể tiếp tục duy trì được nữa. Sự khác biệt giữa hai người quá lớn (có lẽ là cuộc hôn nhân khác biệt lớn nhất ở Trung Quốc). Cảm giác mới lạ của tân hôn qua đi, những khó khăn không dễ gì khắc phục nổi lại nảy sinh, hai người ly thân. Từ được "cử" vào trường X của tỉnh Hà Bắc làm "sinh viên công nông binh". Lý Nột lúc này đã có thai, sau này sinh con trai. Một năm sau, hai người chính thức ly hôn. Trong việc này, Giang Thanh cũng có tác động nhất định, nhưng quyết định vẫn ở Lý Nột, bởi cô tự cảm thấy cuộc hôn nhân này không thể tiếp tục duy trì được nữa. Sau khi Từ tốt nghiệp đại học, anh quay về quê nhà ở Đông Bắc làm việc. Sau này, tuy có người nhiệt tình mai mối cho Lý Nột nhưng đều không thành.
Giữa những năm 70, Mao Trạch Đông biết cuối đời không có con trai nối nghiệp, cho nên quan tâm bồi dưỡng Lý Nột. Năm 1974-1975, địa vị của Lý Nột không ngừng được nâng cao, lần lượt đảm nhiệm Bí thư Huyện ủy Bình Cốc, rồi Bí thư Thành ủy Bắc Kinh (một trong những Bí thư của Ban Bí thư Trung ương). Lý Nột do chuyện hôn nhân gặp trắc trở, tinh thần không ổn định, rõ ràng khó có thể đảm đương được nhiệm vụ nặng nề. Trước sự thực này, Mao Trạch Đông cũng đành phải chấp nhận, tuy trong lòng rất buồn. Cuối năm 1975, đầu năm 1976, Mao Trạch Đông điều cậu cháu Mao Viễn Tân đang là Chính ủy Quân khu Thẩm Dương lên Bắc Kinh đảm nhận liên lạc viên giữa Mao Trạch Đông và Bộ Chính trị Trung ương, sau đó làm Bí thư Trung ương Đảng, kiêm Bí thư Thành ủy Bắc Kinh thay thế vị trí của Lý Nột. Nếu không như vậy thì Lý Nột có thể trở thành "Indira Gandi" không biết chừng.
Khi Mao Chủ tịch qua đời, "bè lũ 4 tên" Giang Thanh bị bắt. Lý Nột có bệnh thần kinh, nên không bị dính líu vào âm mưu của bè lũ 4 tên như Mao Viễn Tân. Đây cũng coi như là "vì họa được phúc". Khoảng năm 1976, đã có những lời đồn đại ầm lên rằng Giang Thanh định giới thiệu cho Lý Nột một cán bộ cấp cao trung niên trong quân đội để khống chế một phần binh quyền, nhưng đó cũng chỉ là lời đồn đại vô căn cứ mà thôi.
Sau tháng 10-1976, Lý Nột không thể đảm nhận vai trò Bí thư Thành ủy, vì sức khỏe giảm sút, tinh thần càng không ổn đinh, Lý Nột được Văn phòng Trung ương thu xếp cho một ngôi nhà riêng nhỏ ở khu Tây thành phố Bắc Kinh, cùng sống với cậu con trai đã lớn và chị bảo mẫu. Tiền lương của cô không cao, hơn nữa còn phải thuê bảo mẫu, phần thiếu hụt trong chi tiêu được "Văn phòng Trung ương" trợ cấp.
Trong thời kỳ này, "tổ chức" và những người nhiệt tình luôn quan tâm tới chuyện hôn nhân của Lý Nột, thỉnh thoảng lại có người giới thiệu cho cô đám này, chỗ khác, thậm chí còn có người tự đến? Cho đến năm 1985, Lý Nột mới chính thức tái giá với một người họ Vương, nguyên là Phó Tư lệnh Phân khu X ở miền Nam, vợ đã chết, có con và đã có cháu. Khi hai người lấy nhau, Lý Nột đã 40 tuổi, Vương đã qua tuổi 50, nhưng họ lại rất đẹp đôi. Vương được tổ chức điều lên Bắc Kinh, rút khỏi nhiệm vụ cũ. Sau khi lấy nhau, Lý Nột không đi làm nữa.
Cuộc sống cũng tạm ổn, chỉ còn thiếu những đồ dùng cao cấp như điều hòa nhiệt độ, máy ghi âm, còn ti vi màu, tủ lạnh… đều có cả. Trung ương từng rút tiền nhuận bút "Mao Tuyển" còn lại cho các con cháu trực hệ họ Mao, trong đó có Lý Nột, theo luật thừa kế tài sản, mỗi người 8 ngàn nhân dân tệ.
Con trai của Lý Nột cũng đã khôn lớn trưởng thành và làm việc độc lập. Sau khi tốt nghiệp sơ trung, cậu thi đậu vào trường trung học dạy nghề thuộc ngành du lịch. Trong Á vận hội năm 1990, cậu từng thực tập và phục vụ tại làng Á vận hội. Sau khi tốt nghiệp trường cao đẳng chuyên nghiệp, được điều đến một khách sạn của nước ngoài ở Bắc Kinh làm nhân viên phục vụ. Đây có thể lại là mẩu tin giật gân, cháu ngoại đích thực của Mao Trạch Đông, nhà cách mạng của giai cấp vô sản vĩ đại nhất của Trung Quốc lại phải làm thuê và làm thuê cho giai cấp tư sản.
Sau khi Giang Thanh bị xử, Lý Nột theo luật pháp được vào thăm mẹ ở nhà lao. Bên ngoài lại xuất hiện những tin đồn đại, các báo lá cải và ngay cả tờ "Tin tức tham khảo" của Nhà nước cũng công khai nói Giang Thanh đã từng được ra khỏi trại giam sống cùng Lý Nột, chuyện này hoàn toàn bịa đặt. Giang Thanh chưa từng sống cùng hay đến nhà Lý Nột. Trong thời gian chịu án, Giang Thanh chủ yếu ở trong một căn phòng nhỏ có một mảnh vườn xinh, có thể hoạt động "tự do" trong sân, ngày đêm có một nữ canh tù kiêm phục vụ "làm bạn". Trong phòng bà ở không những có ti vi màu, mà còn có các loại sách báo, tạp chí, vì vậy, tuy không ra khỏi cửa, bà vẫn biết chuyện thiên hạ. Theo một tài liệu nội bộ tiết lộ, có một lần bà nhận được một quyển "Mộng Nữ hoàng - Giang Thanh ngoại truyện" do Chu Trọng Lệ, phu nhân của nhà cách mạng Vương Giá Tường, đồng thời cũng là "người bạn" quen biết ở Diên An viết. (Quyển sách này rất có thể Lý Nột đưa). Sau khi xem xong, bà chửi rủa Chu Trọng Lệ: "Kẻ này ăn nói lung tung. Trước đây, mụ ta ra sức nịnh bợ, ta không thèm để ý, bây giờ lại phỉ báng thế này, ta phải làm cho ra nhẽ?".
Thậm chí đến lúc chết, Giang Thanh cũng không ở nhà của Lý Nột. Nghe nói bà chết ở khu vực cách ly trong một trại an dưỡng thuộc ngoại ô Bắc Kinh. Bà đã tự sát, do không chịu nổi sự đau đớn của bệnh tật và tinh thần trống trải. Theo pháp luật, bà được tha để chữa bệnh, ban đêm không có ai ở cùng, bà buộc dây vải vào thành giường, thít chặt vào cổ, sau đó lăn xuống đất và chết.
Giờ đây, Lý Nột cao to béo tốt. Nhìn từ đằng sau rất giống Mao Chủ tịch, mặt mũi lại giống Giang Thanh. Cô thường đeo kính, đối xử với mọi người hòa nhã, cử chỉ thận trọng, không nhiều lời nhưng rất hợp với cái tên "Nột" mà Mao Trạch Đông đặt cho.
Theo Báo biên phòng