Ảnh này được chụp trên khoang thuyền của một trong những con tàu cứu hộ làm nhiệm vụ trục vớt thi thể các nạn nhân xấu số cũng như con tàu Titanic. Sau 9 ngày xảy ra tai nạn, các nạn nhân mới được trục vớt lên tàu cứu hộ.
Khi đó, 1.512 người có mặt trên tàu Titanic đã chết. Trong số 306 thi thể được con tàu cứu hộ Mackay Bennett tìm thấy thì 166 thi hài được chôn cất sơ sài, ngay dưới lòng biển sâu.
|
166 thi hài tổng số 306 thi thể nạn nhân được những thành viên trên tàu cứu hộ Mackay thực hiện nghi thức cầu nguyện và chôn cất dưới đáy biển. |
Bức ảnh hiếm hoi này được chụp cách đây một thế kỷ, tức từ năm 1912. Trong ảnh, những thi hài được bọc kín, xếp ngay ngắn trên sàn tàu. Thời tiết lúc đó khá xấu, biển có gió mạnh. Tại góc phải của ảnh là một nhóm thủy thủ đang đứng bên thành tàu, họ đang đưa xác của các nạn nhân xuống biển.
Bức ảnh hiếm hoi này cho thấy 166 thi thể nạn nhân trong tổng số 306 thi thể được con tàu Mackay Bennett trục vớt từ dưới đáy biển lên lại một lần nữa được đưa trở lại nơi sâu thẳm, lạnh lẽo đó.
Một vị cha cố đã được mời tới để đọc kinh lần cuối cho những nạn nhân xấu số. Những người tham dự đám tang này chính là các hủy thủ đoàn làm việc trên tàu Mackay Bennett.
Từ khi xảy ra vụ chìm tàu thương tâm trên, nhiều người đã biết về việc có hàng trăm thi thể nạn nhân trên tàu Titanic được chôn cất dưới đáy biển sâu sau khi được trục vớt từ dưới đó lên. Tuy nhiên, không có bất cứ bức ảnh nào ghi dấu thời khắc này được công bố trước công chúng.
Đa số những nạn nhân được chôn cất dưới đáy biển Đại Tây Dương đều là những người không thể nhận dạng, không xác định được danh tính, không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào. Hơn thế nữa, phần lớn trong số đó là những hành khách ngồi ở khoang hạng ba. Đó là nơi có giá vé rẻ nhất.
Vì vậy, khi không có người nào đến nhận thi thể, giới chức trách đã quyết định chôn cất họ dưới đáy biển vì không đủ kinh phí để mua đất an táng cho hàng trăm người.
Trong bức hình đen trắng quý giá trên, chúng ta có thể nhìn thấy rất rõ trên một thi hài đặt gần vị cha cố có dán tờ giấy đánh số 177. Theo thông tin còn lưu trữ lại, người đàn ông xấu số đó có tên William Mayo, 29 tuổi. Người này sống ở London và là đội trưởng đội lính cứu hỏa làm việc trên tàu Titanic.
Lần đầu tiên, bức ảnh quý này được ra mắt công chúng nhân một cuộc bán đấu giá sắp được tiến hành trong tháng 10 này. Theo dự đoán, mức giá bán bức ảnh trên sẽ là 5.000 bảng Anh (tương đương gần 173 triệu VND).
Bức ảnh từng thuộc quyền sở hữu của một gia đình có thành viên làm việc trong đội thủy thủ tàu Mackay Bennett. Họ đã giữ gìn, bảo quản bức ảnh cẩn thận cho tới bây giờ và quyết định sẽ đem bán đấu giá nó.
|
Bức ảnh hiếm hoi chụp thi thể các nạn nhân Titanic là của thủy thủ Westy Legate (trái). Sau khi ông mất, các thành viên trong gia đình Legate đã bảo quản bức hình quý giá này. Trong ảnh, ông đứng cạnh một người phụ nữ không rõ danh tính.
|
Theo nhà đấu giá, dù thông tin về việc chôn cất một số thi thể nạn nhân ngoài biển đã được biết đến từ lâu nhưng thực tế những hình ảnh về sự việc này không tồn tại, ngay cả trong các bộ tư liệu mật của nhà chức trách.
Mặc dù tấm ảnh này không còn tính thời sự nhưng nó hé lộ cho chúng ta thấy sự thực buồn thảm sau vụ chìm tàu gây chấn động lịch sử.
Trước đó, một số người vẫn cho rằng, lễ mai táng dành cho các nạn nhân của con tàu đã được tổ chức rất quy củ và trang trọng. Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn trái ngược. Nếu bức ảnh này được công bố ngay thời điểm xảy ra tai nạn chìm tàu thương tâm thì có lẽ nó đã làm dấy lên một cuộc tranh luận lớn. Bởi lẽ, người ta dùng túi nilon đen bọc kín thi thể nạn nhân rồi xếp cạnh nhau và đặt trên sàn tàu. Thêm vào đó, do diện tích sàn tàu không đủ sức chứa hàng trăm thi thể nên một số thi thể bị xếp chồng lên nhau.
Trong thời gian 5 ngày, tàu Mackay Bennett đã tìm kiếm và trục vớt thi hài các nạn nhân trên biển nhưng do khối lượng công việc quá lớn so với khả năng của thủy thủ đoàn nên họ đã phải yêu cầu điều thêm một con tàu thứ hai tới giúp đỡ công tác cứu nạn.
|
Vào một thế kỷ trước, tàu Titanic rời Southampton ngày 10/4/1912. Trong chuyến hành trình đó, con tàu đã đâm vào một tảng băng trôi và bị đắm ở ngoài khơi đảo Newfoundland.
|
Tàu Titanic rời cảng Southampton (Anh) trong chuyến hải trình đầu tiên vào ngày 10/4/1912. Con tàu đã đâm phải một tảng băng trôi và chìm xuống Đại Tây Dương, gần đảo Newfoundland thuộc Canada khiến 1.512 người thiệt mạng.
Sau khi tai nạn chìm tàu Titanic ngày 15/4/1912 xảy ra, tàu Carpathia được cử tới trước tiên và đã cứu nạn thành công 700 người và đưa họ lên các xuồng cứu hộ trở về đất liền.
|
Thủy thủ người Đức Prinz Adalbert đã chụp được bức ảnh tảng băng mà tàu Titanic đã đâm phải, khiến hơn 1.500 người mất mạng.
|
Tàu Mackay Bennett được cử tới sau đó là một con tàu của Canada. Công ty sở hữu tàu Titanic - White Star Line khi đó đã phải ký một hợp đồng đắt đỏ với tàu Mackay Bennett. Theo đó, với nhiệm vụ trục vớt trên biển, đoàn thủy thủ tàu Mackay Bennett sẽ được trả 300 bảng Anh (tương đương hơn 10 triệu VND nếu tính theo vật giá thời điểm năm 1912) mỗi ngày.
Các thủy thủ trên tàu đã tiến hành chôn cất 166 nạn nhân xuống đáy biển Đại Tây Dương trong 3 ngày từ ngày 21/4-23/4/1912.
Vị cha cố xuất hiện trong bức ảnh này là Đức cha Hind về sau đã viết trong tài liệu lưu trữ về công tác chôn cất các nạn nhân tàu Titanic: “Bất kỳ ai có mặt tại lễ tang ngoài biển hẳn đều có cảm giác ghê rợn khi nghĩ đến độ sâu và sự lạnh lẽo của nơi mà những thi hài bất hạnh kia sẽ mãi mãi yên nghỉ”.
Cùng với bức ảnh đắt giá trên, một bức điện tín do công ty Canada gửi có viết rằng, họ tin rằng tàu Titanic vẫn còn nổi trên đại dương và đang trên đường đến Halifax. Bức điện tín cũng cho hay họ đã gửi tàu thêm, toa xe từ Montreal đến Nova Scotia để giúp đỡ các hành khách và thủy thủ đoàn - những người trên tàu muốn đến New York, Mỹ.
Bức điện tín cũng dự kiến sẽ bán với giá 5.000 bảng Anh. Cuộc đấu giá bức ảnh và bức điện tín trên sẽ diễn ra vào ngày 19/10 tới đây.
Tâm Anh (theo DM)