Ai là Từ Hi Thái hậu “phiên bản Việt Nam”?

Google News

Giữa hai nhân vật lịch sử Từ Hi Thái hậu của Trung Quốc và Tuyên phi Đặng Thị Huệ của Việt Nam có rất nhiều điểm tương đồng…

(Kienthuc.net.vn)- Giữa hai nhân vật lịch sử, một của Trung Quốc và một của Việt Nam là Từ Hi Thái hậu và Tuyên phi Đặng Thị Huệ có rất nhiều điểm tương đồng…

Từ gái quê,  trở thành người kiểm soát vua chúa nhờ nhan sắc

Từ Hi Thái hậu (1835–1908) có tên tục là Ngọc Lan, xuất thân từ một gia đình nông dân. Bà được đưa vào cung khi mới 16 tuổi, trong bối cảnh triều Mãn Thanh đang đi xuống, vua Hàm Phong ăn chơi sa đọa, bỏ bê việc triều chính.

Vua Hàm Phong khi ấy đã lập hoàng hậu và có tới 3000 cung nữ. Nhưng ngay từ lần đầu gặp mặt, vua đã say đắm Ngọc Lan vì sắc đẹp đặc biệt của cô thôn nữ này. Và Ngọc Lan đã tận dụng ưu thế của mình để chi phối hoàng đế cho đến tận ngày ông băng hà. Bà đã nhanh chóng được phong đến chức Ý Quý nhân, từ đó bắt đầu cuộc sống xa hoa gây huynh đảo cả triều đình Mãn Thanh.

Để duy trì nhan sắc, Từ Hi Thái hậu đã sử dụng rất nhiều món ăn quái đản. Tương truyền, bà nuôi 2 con chuột bạch bằng nhân sâm và cao lương mỹ vị, khiến chúng chuyển thành màu đỏ, rồi sai người đem đi hầm để ăn.

Bà cũng cho trồng trà trên núi, để đến mùa đông, khi hoa trà bị tuyết phủ, bà cho thả một đàn ngựa ra ăn hoa trà. Sau những con ngựa bị mổ ruột ra để lấy hoa trà trong bao tử chế thành trà uống, gọi là Trãm Mã Trà.

Cũng giống như Từ Hi Thái hậu, Tuyên Phi Đặng Thị Huệ vào cung năm 16 tuổi. Bà cũng là con nhà thường dân, có cuộc sống nghèo khổ, phải sống bằng nghề hái chè. Từ khi còn niên thiếu, Huệ đã nổi tiếng có sắc đẹp nhất vùng.

Khi Thị Huệ vào cung, chúa Trịnh Sâm đang có một cuộc sống hoang đàng xa xỉ với hàng trăm mỹ nữ. Tuy vậy, ông đã thích Huệ ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Với nhan sắc trời phú và tài đối đáp thông minh, Thị Huệ nhanh chóng chiếm được vị trí số một trong trái tim Trịnh Sâm. Ông phong cho Huệ làm Tuyên phi và cưng chiều hết mực.
 

Được chúa sủng ái, Huệ trở nên lộng hành, thường đóng kịch trước mặt chúa. Có khi Huệ không mặc gì, chỉ khoác lên người một chiếc khăn rất mỏng, lượn lờ qua lại để khiêu khích chúa. Chúa lao vào ôm thì Huệ lẩn rất nhanh, khiến chúa sôi cả máu lên mới thôi.

Khi có chuyện không vừa ý, Huệ thường giả vờ xây xẩm mặt mày, rồi kêu khóc thảm thiết. Có lần chúa thấy Huệ đang đùa nghịch viên ngọc ngọc dạ quang - báu vật truyền đời của gia tộc trên tay, liền bảo: Nhè nhẹ thôi, đừng làm ngọc xây xát!

Huệ liền thẳng tay ném viên ngọc xuống đất, trách chúa trọng của khinh người, rồi khóc lóc và bỏ sang cung khác. Chúa phải dỗ dành mãi Huệ mới chịu làm lành...

Sinh thế tử và giành quyền lực triều đình

Khi đã đạt những nấc thang danh vọng đầu tiên, Ngọc Lan chịu sức ép phải sinh được quý tử nối ngôi nếu muốn giành được nhiều quyền lực hơn nữa. Và bà đã sinh ra một đứa con trai vào năm 1856, người sau này sẽ trở thành Hoàng đế Đồng Trị. Từ lúc này, bà càng được sủng ái.

Sau khi Hoàng đế Hàm Phong qua đời, Hoàng hậu Từ An và Ý Quý nhân được triều đình tôn xưng là Từ An Thái hậu và Từ Hi Thái hậu và đảm nhận vai trò phụ chính cho Hoàng đế Đồng Trị còn nhỏ tuổi.

Với tham vọng quyền lực cùng tính cách quyết đoán và trí thông minh hơn người, Từ Hi Thái hậu từng bước gạt bỏ vai trò của Từ An Thái hậu và Hoàng đế Đồng Trị để trở thành người kiểm soát hoàn toàn việc triều chính. Sự hách dịch và độc đoán của bà lúc này đã lên đến đỉnh điểm…

Quay lại với phủ chúa Trịnh, vào năm 1777 Đặng Thị Huệ đã sinh con trai, được chúa yêu quý lấy tên mình thuở nhỏ đặt cho con là Cán. Trịnh Cán sớm tỏ ra là đứa trẻ khôi ngô và có thiên tư.

Trước đó, một quý phi tên là Ngọc Hoan đã sinh con trai cho chúa, đặt tên là Tông. Chúa Trịnh Sâm không yêu Ngọc Hoan nên không muốn lập Trịnh Tông làm Thế tử, mặc dù Trịnh Tông đã 15 tuổi và nhiều tài năng. Hiểu được suy nghĩ của chúa, Thị Huệ âm mưu cướp ngôi Thế tử cho Trịnh Cán.

Lúc này, triều đình chia làm 2 phe: phe Trịnh Tông, phe Trịnh Cán. Tuy vậy, phe Trịnh Tông đã thất thế sau một âm mưu giành ngôi bất thành. Từ đó, phe cánh của Thị Huệ ngày càng mạnh, người phụ nữ này ngày càng lộng hành.

Năm 1781, chúa Trịnh Sâm qua đời. Thị Huệ thông đồng với Huy quận công Hoàng Đình Bảo - một người đấy quyền lực trong phủ chúa - lập Trịnh Cán lên ngôi chúa. Tuyên phi Đặng Thị Huệ nghiễm nhiên trở thành người điều khiển triều chính giúp con, trên thực tế là nắm quyền kiểm soát toàn bộ triều đình.

Kết cục đau đớn cho hai mỹ nhân đam mê quyền lực

Cả Từ Hi Thái hậu và Tuyên phi Đặng Thị Huệ đều phải hứng chịu kết cục đáng buồn trong sự nghiệp của mình.

Dưới sự cầm quyền bảo thủ Từ Hi Thái hậu, triều đại Mãn Thanh đã suy yếu đến cùng cực. Trong hoàn cảnh đất nước bị thực dân phương Tây đe dọa, bà hoàng này đã lấy số tiền dự tính đóng chiến hạm theo kiểu châu Âu để sửa sang Di Hòa viên làm nơi tĩnh dưỡng lúc về già.

Bà phải gánh chịu trách nhiệm về việc quân đội triều đình thảm bại khi liên quân tám nước tấn công Bắc Kinh, dẫn đến việc nhà Thanh phải ký hòa ước Tân Sửu nhục nhã năm 1901, mở đường cho Trung Quốc biến thành một chiếc bánh bị các cường quốc nhảy vào xâu xé…

Trái với Từ Hi Thái hậu giữ được ngôi vị cho đến lúc chết, quyền lực của Tuyên phi Đặng Thị Huệ sụp đổ rất nhanh chóng. Sau khi Trịnh Cán lên ngôi chúa, tình hình xã hội trở nên rất rối ren, dân chúng vô cùng hoang mang trước nguy cơ họa loạn.

Năm 1781, binh lính thân Trịnh Tông nổi loạn, truất ngôi Trịnh Cán và đưa Trịnh Tông lên ngôi vương. Phe cánh Đặng Thị Huệ bị truy lùng và trả thù ráo riết. Bản thân Thị Huệ bị giáng xuống hàng thứ dân, sau này đã uống thuốc độc tự vẫn trong sự uất ức và tiếc nuối thời kỳ hoàng kim.

Những biến cố này khiến quyền lực họ Trịnh suy yếu và sụp đổ hoàn toàn trước sức mạnh của nhà Tây Sơn vài năm sau đó.
 
Hoàng Phương
[links()]