Chị yêu anh, nên muốn làm một nàng dâu trưởng, một người mẹ, người chị hoàn hảo. Ấy vậy nhưng, chị đâu biết cái sự hoàn hảo của người vợ lại khiến anh... ăn không nổi.
Chị là dâu trưởng trong nhà. Những lúc ban đầu bỡ ngỡ khi mới về làm dâu không nói làm gì, bao nhiêu năm nay chị đảm trách vai trò dâu trưởng một cách xuất sắc. Một phần do sự tinh ý của chị, một phần là công bà mẹ chồng con nhà gia giáo tận tình chỉ bảo, nhưng sự quyết định làm nên cô dâu trưởng xuất sắc chính là bởi chị yêu anh, lúc nào cũng tâm niệm làm cho chồng vui, chồng có thể tự hào về vợ.
Lúc các em chồng còn ở nhà, chị là người chăm sóc các em chu đáo, lần lượt các em có gia đình riêng thì chị chung tay, chung lòng dựng vợ, gả chồng cho họ. Ngày giỗ, ngày tết, chị mặc nhiên trở thành một mình lo hết công việc chuẩn bị, bếp núc. Miệng không nói, chẳng sai khiến ai nhưng tay làm, chân đi, nấu nướng, bày biện, dọn dẹp chị đảm đương tất.
|
Ảnh minh họa. |
Các cô em gái, em dâu chỉ là nhân vật phụ, chị làm hầu hết mọi việc, các em chỉ ngồi tán gẫu, hết to tiếng khen bà chị dâu đảm đến thầm thì với nhau: “Bà này tham việc quá, chẳng tin ai, tự mình làm lấy hết, biến chúng ta thành người thừa”. “Ối dào, lấy lòng bố mẹ chồng ấy mà. Bà ấy coi chúng mình toàn là lũ vụng về thôi!”.
Rồi đến lúc chị thành mẹ chồng, chị cũng không nhờ vả con dâu bất cứ thứ gì trong việc nội trợ. Ngày tết, giò, nem, ninh, mọc là các món truyền thống do chị “độc quyền”. Chị làm mứt, nấu chè, chị gói bánh chưng thì con dâu, con gái đứng xem, ngay cả việc đun bánh chị cũng tự mình thức đêm để cho chúng nó ngủ.
Các việc dọn dẹp, rửa bát, lau nhà,… chị cũng nhận về phần mình tất! Con cái lâu dần thành quen, chỉ lăng xăng chung quanh, đến bữa thì ngồi ăn, ăn xong thì chuyện gẫu, đứa nào muốn giúp mẹ một tay thì: “Ối dào, mẹ làm xong ngay đây!”.
Tết nào cũng vậy, đón giao thừa xong là chị lăn ra ốm. Chị bị bệnh xoang mãn tính, suốt ngày dầm tay vào nước lạnh, thức đêm thức hôm, không ốm mới là lạ. Mồng một Tết, chị quấn khăn, ho sù sụ, nước mắt, nước mũi chảy ra, giọng nghèn nghẹt, khàn khàn nói lời chúc tết với khách. Ấy thế mà đến bữa vẫn lăn vào bếp, con cái thỏa sức rong chơi.
Anh nhiều lần bảo chị nhưng chị đâu có nghe, chị cho mình làm thế là đúng, là tốt, là vì chồng con. Cho đến một bữa tất niên, cả nhà đã ngồi vào bàn mà chị còn chuẩn bị cái nọ, cái kia, mãi không ngồi xuống. Anh mấy lần giục chị thì chị thản nhiên: “Cả nhà cứ ăn đi!”.
Bọn trẻ vô tư ăn ngay, nói cười vui vẻ, chúc tụng ầm ĩ. Anh uống cạn chén rượu, không đụng đũa đến bất kỳ thứ gì, ngồi một lúc rồi bỏ đi. Cô con dâu vô tâm cười lớn: “Kìa, bố giận mẹ rồi, chê cơm luôn!”. Chị bĩu môi, tỏ vẻ bất cần. Anh chứng kiến cảnh đó, máu sôi lên từng chập, cố gắng nén giận và giữ thái độ ấy suốt trong mấy ngày tết.
Khi có hai vợ chồng, chị trách anh hờ hững, có cái hôn mừng vợ lúc giao thừa cũng không có. Anh lạnh tanh: “Mũi dãi suỵt soạt thế kia, hôn cái gì!”. Thế là chị giận, tất nhiên, Tết mất vui.
Suốt bao năm anh chẳng chê vợ được điều gì, chỉ trách vợ sao không học mẹ chồng và gia phong nhà chồng để sẻ chia công việc với con gái, con dâu như trước kia mẹ anh đã từng làm!
Theo Pháp Luật Online