Trả giá để được hạnh phúc

Google News

(Kiến Thức) - Tâm sự của một người phụ nữ trải qua những thăng trầm của cuộc sống, đến chuyện bị cấm đoán và đổ vỡ trong hôn nhân bởi những quan niệm khắt khe về "môn đăng hộ đối"...

Càng cấm càng yêu

Bước sang tuổi 52 và lên chức bà ngoại, bà Nguyễn Thị Út (50 tuổi ở quê Kiên Giang) mới thổ lộ lại chuyện tình của chính mình. Ngày xưa ở tuổi đôi mươi bà rất xinh đẹp, trai trong xóm nhiều người dòm ngó nhưng bà chỉ để ý và yêu một anh bạn thời trung học. Hai người rất thương nhau nhưng mẹ bà đã hứa gả bà cho một gia đình bạn của mẹ, người ấy lớn hơn bà cả chục tuổi và gia cảnh rất giàu, chuyện người lớn đã hứa với nhau thì không thay đổi được nên cha mẹ đặt đâu con phải ngồi đó. Không những vậy mẹ còn có nhiều lý do chê bai gia đình bạn trai nào là cha có hai vợ, con cái hai dòng, cộng thêm với nhà làm nông thì bà không thể gả con để về chịu khổ. Lời chê không cánh mà bay đến tận nhà trai nên họ cũng phản pháo bằng cách dè bỉu bà là con gái mà không đứng đắn. Từ đó hai bên căm ghét nhau ra mặt nên tình yêu của bà không được hai chấp nhận.

Không thể cãi lời mẹ nên bà chấp nhận lấy chồng, không những vậy bà còn bỏ xứ ra đi làm ăn xa nhằm né tránh kỷ niệm một thời với người yêu cũ. Cuộc hôn nhân không tình yêu giam cầm bà suốt 25 năm đợi, chờ cho đến khi con lớn và có gia đình, bà đề nghị ly hôn với chồng. 

Tình cờ bà về quê ăn cưới đứa cháu và gặp lại người yêu cũ, bao nhiêu uất ức ngày xưa chất chứa trong lòng vì bị cấm đoán nay được giải tỏa, cứ vậy bà ôm người yêu khóc sướt mướt như một đứa trẻ, bà đã phải trả giá nửa đời người! 

Bà Út nói: Lễ giáo được đặt ra để cho con người tốt hơn chứ không thể vì nó
mà đánh mất hạnh phúc của mình.  

Miễn sao được hạnh phúc

Bà Út chia sẻ, sau lần gặp lại người yêu bà quyết định tìm lại hạnh phúc ở tuổi về chiều, hai người tự tổ chức đám cưới, con cái tuy không thích nhưng cũng không dám bàn ra hay chống đối. Ngày đám cưới gia đình hai bên không có nhiều người tham dự, bà đặt 5 bàn đơn giản, ấm cúng.

Theo bà Út, ai cũng muốn hạnh phúc và cuộc đời sung sướng, chẳng ai muốn mình khổ nghèo để người khác khinh chê nhưng cuộc đời không phải muốn là được. Lễ giáo được đặt ra để cho con người tốt hơn chứ không thể vì nó mà đánh mất hạnh phúc của mình. Trước khi gả con gái theo chồng, tìm hiểu gia cảnh chàng rể, bà biết được nhà con rể  tương lai nghèo và chẳng khác câu chuyện ngày xưa của bà. Thương con gái bà càng ra sức động viên để hai vợ chồng con xây dựng cuộc sống hạnh phúc, ngày xưa bà bị cấm cản bao nhiêu thì bây giờ bà càng hiểu cho con bấy nhiêu.

Bà tâm sự, tôi không muốn vì các quan niệm khắt khe mà ép uổng con cái theo ý mình, mỗi thời mỗi khác nên cần phải sống cởi mở hơn. Thay vì ép uổng chê bai thì bà động viên con cái sống tốt với nhau, nghèo cũng được, miễn sao hạnh phúc. Nếu cấm quá chúng cạn nghĩ rủ nhau tự vẫn thì cha mẹ mất con sẽ hối hận rất nhiều. Tôi đã thất bại trong hôn nhân và may mắn ở tuổi về già nhưng chắc rằng nhiều người sẽ không được cuộc tình mãn nguyện như mình.

BÀI ĐỌC NHIỀU

Nguyên Quỳnh