Tiếng ly hôn nơi… cửa miệng

Google News

Hành động “dọa” ly hôn ấy, càng đào sâu thêm hố ngăn cách vợ chồng, và khiến đối phương trở nên “lờn” với sự chia ly.

Rất nhiều người, trong cuộc cãi vã, mâu thuẫn, giận dỗi, vẫn lấy tờ đơn ly hôn ra để… dọa đối phương, hả giận mình. Thế nhưng, ít ai biết, hành động “dọa” ly hôn ấy, càng đào sâu thêm hố ngăn cách vợ chồng, và khiến đối phương trở nên “lờn” với sự chia ly.
Tiếng ly hôn nơi… cửa miệng
Tính đến nay, sau 10 năm chung sống, chị Thu Phượng (quận 7, TP.HCM) đã viết, xé ngót nghét đến… hàng chục tờ đơn ly hôn, tức là trung bình, mỗi năm một tờ. Lần đầu tiên, hơn một năm sau ngày cưới, anh Phong, chồng chị phát hoảng khi sau một trận nhậu bù khú đánh mất cả xe gắn máy, sáng dậy thấy lù lù trên bàn ăn là tờ đơn xin ly hôn của vợ. Đận ấy, anh sợ xanh xám mặt mũi. Vợ chồng mới cưới còn nồng nàn thắm thiết, đang có kế hoạch có em bé, thế mà đùng cái, chị đòi ly hôn, anh không sợ sao được. Anh đã phải năn nỉ, van xin, bỏ ăn bỏ ngủ mấy ngày, rồi cuối cùng vợ anh cũng hồi tâm.
Thế rồi, càng những năm về sau, anh càng quen với những tờ đơn ly hôn, theo mật độ ngày một dày lên . Vợ chồng giận nhau: Đơn xin ly hôn; Quên ngày sinh nhật, ngày cưới…: Đơn xin ly hôn; Mâu thuẫn dạy con: Đơn xin ly hôn; Phong thanh chồng có “rung động” bên ngoài: Đơn xin ly hôn; Thời điểm công việc nhiều, phải ngoại giao nhậu nhẹt thường xuyên, ít quan tâm đến vợ con: Đơn xin ly hôn…
 Ảnh minh họa.
Những lần đầu anh còn năn nỉ, sau đó là không quan tâm, và cuối cùng, anh… dọa ngược bằng cách kí thẳng vào đơn, kèm thêm câu: Anh kí rồi đấy, em muốn làm gì thì làm đi, khiến chị tái mặt, lặng lẽ… thủ tiêu tờ giấy. Dù anh đã khuyên nhiều, nhưng chị vẫn không bỏ được tật viết đơn. Chị không biết rằng, cách làm đó của chị chẳng những không dọa được chồng, mà còn khiến chồng thấy chị tức cười, trẻ con, và "lờn" đi với những lời dọa dẫm.
Anh Phong, vốn là người đàn ông độ lượng, chỉ coi hành động của vợ như “trò trẻ con”, nên cũng chẳng có hậu quả đáng ngại gì xảy ra. Chứ với nhiều ông chồng, đơn xin ly hôn là hành động nghiêm trọng, làm tổn thương đến bản thân họ và chứng tỏ người vợ không trân trọng hạnh phúc gia đình. Lần thứ ba, chị Nguyễn Cát Lan (Phú Nhuận), chìa lá đơn xin ly hôn ra, chồng chị đã sầm mặt, cầm lấy tờ đơn và kí ngay, sau đó nói: Cô đã kiên quyết thế, tôi cũng chẳng có gì để nói với cô. Cô muốn làm sao thì làm, ra tòa tôi cũng đi.
Đến mấy ngày sau, anh vẫn hỏi: Cô nộp đơn chưa, nếu chưa thì đưa đây tôi đi nộp. Với người vợ hễ chút đòi bỏ chồng bỏ con, không tôn trọng chồng con và hạnh phúc gia đình như vậy, tôi cũng không thể níu giữ mãi. Vì có giữ được lần này, lần sau cô lại cũng đòi chia tay. Đến lượt chị Lan lại đâm ra sợ trước vẻ kiên quyết của chồng. Thay vì tiếp tục giận dỗi, chị lại phải xuống nước, vuốt ve chồng. Từ đó, chị bỏ hẳn cái thói “xin ly hôn”.
Và những hậu quả không ngờ
Bệnh “dọa ly hôn” không chỉ phụ nữ mới mắc phải. Cũng có những người đàn ông, đem chuyện bỏ nhau, chia tay như là cách để “trừng phạt” vợ mình. Ngoài cái tật gia trưởng, anh Trần Văn Phú (Định Quán, Đồng Nai) còn mắc tật hay dọa bỏ vợ. Vợ cãi lại chồng, chồng đòi: “Cô cãi tôi kiểu này là tôi cho cô về nhà mẹ đẻ mà cãi”. Vợ đểnh đoảng khóa cửa không cẩn thận để trộm vô lấy đồ, chồng nói: “Chắc tui bỏ cô sớm, cứ sống kiểu này, có ngày cô cho tui không còn cái quần đùi mà mặc”. Vợ nấu ăn không vừa miệng, cũng đòi bỏ, vì “cô muốn cho tôi ốm yếu rồi đi lấy chồng khác phải không (!)”.
Ban đầu, chị vợ còn bỏ qua, vì cho rằng chồng mình thích nói ngớ ngẩn cửa miệng. Nhưng nghe lâu rồi chị chịu hết xiết. Sau một lần cãi nhau, chị ôm con về nhà mẹ đẻ ở tỉnh khác, bỏ lại lá thư vẻn vẹn mấy chữ: Anh đòi bỏ tôi hoài, thì bây giờ tôi về nhà mẹ đẻ cho anh vừa lòng, khỏi phải khổ vì tôi. Anh chồng vốn chỉ to mồm chứ rất yêu vợ, nay thấy vợ làm mạnh, sợ mất vía, vội đôn đáo chạy về nhà mẹ vợ đón vợ về. Nhưng chị vợ đâu có chịu về ngay. Chị đủng định ở nhà mẹ ruột nửa tháng trời, yêu cầu chồng khi nào bỏ hẳn cái tật “dọa bỏ vợ” thì chị mới về sống, không thì bỏ luôn.
Cái sự dọa ly hôn, không chỉ ảnh hướng đến đời sống vợ chồng, mà vô hình, nó còn làm tổn thương đến những đứa trẻ trong nhà. Với anh Hoàng, chị Tuyết Lan ở Bình Phước, thì khi giận nhau, đòi ly hôn, đòi chia tay là thường. Nhưng một hôm, khi nghe con gái 6 tuổi nói chuyện với cô bé hàng xóm, chị mới hoảng hốt: “Na biết không, mai mốt Na cho Thy (con chị Lan) qua nhà Na ở với nha. Ba mẹ Thy sắp ly dị rồi. Ly dị là ai ở nhà nấy đó. Ba mẹ Thy nói vậy hoài à. Chắc ngày mai hay ngày mốt ly dị thôi. Thy không có nhà, Na cho Thy ở ké nha. Nhà Na sướng, ba mẹ Na không có ly dị”.
Lời con trẻ cộng với cái vẻ mặt rầu rầu già trước tuổi làm chị điếng người, chị không ngờ chỉ chuyện cãi vã dọa dẫm qua lại của vợ chồng lại ảnh hưởng đến suy nghĩ của con như thế. Đem chuyện kể với chồng, chồng chị cũng đâm hoảng.
Lúc nóng giận, chuyện gì người ta cũng có thể nói được, nhất là những lời nói càng làm đau đối phương, thì người ta càng thỏa mãn sự tức tối của mình. Thế nhưng, những lời nói lúc nóng giận ấy, chỉ là những ly dầu đổ thêm vào lửa, khiến những người bạn đời càng làm tổn thương nhau hơn, khiến gia đình chông chênh hơn, và ảnh hưởng cả đến tâm hồn con cái của mình…
Theo Pháp Luật Online