Đồng hồ chỉ 13h30.
Khi anh thức dậy và chưa kịp trút cơn giận dữ vào đâu đó thì tôi phủ đầu: “Nè, người cần ngủ là em chớ không phải anh, đừng có cằn nhằn”. Anh gầm gừ trong cổ họng nhưng không nói gì mà lẳng lặng đi tắm rồi xách xe rời khỏi nhà. Tôi cũng đến cơ quan buổi chiều, chưa kịp ngã lưng, chưa kịp chợp mắt.
Tôi là một người vợ đảm đang, hiền lành. Nhưng đó là những ngày đầu mới cưới. Còn bây giờ, sau 19 năm sống với anh, tôi thành sư tử. Và nguyên nhân tôi thành sư tử, không thể trách ai ngoài anh.
Ngày lên xe hoa về nhà chồng, mẹ tôi dặn: “Vợ chồng ăn đời ở kiếp với nhau chớ không phải ngày một, ngày hai. Cho nên tụi con phải nhường nhịn nhau mà sống. Nhất là con. Làm vợ thì phải nhịn chồng mới trong ấm ngoài êm”.
Năm đó tôi 24 tuổi. Tôi có một công việc ổn định, mức lương tạm đủ sống. Anh cũng vậy. Chuyện tiền bạc tôi ít đề cập vì rất ngại. Đôi khi có cảm giác nếu vợ chồng mà nói chuyện tiền bạc với nhau thì thật là nhỏ mọn. Vì vậy, anh lãnh lương, đưa tôi bao nhiêu thì đưa, không đưa thì thôi. Mọi việc trong nhà tôi tự xoay sở bằng tiền lương của mình. Có nhiều tôi xài nhiều, có ít xài ít. Riêng tiền lương của anh tôi không đụng tới mà để dành gởi tiết kiệm. Nhờ vậy, khi sinh con, tôi không phải xin viện trợ của ba mẹ.
Nhưng anh thấy vậy thì bắt đầu lơ là. Chắc anh nghĩ tiền lương của tôi nhiều lắm, đủ để trang trải cuộc sống cả nhà nên không thèm hỏi han, quan tâm. Tháng nào anh có đám tiệc nhiều ở công ty hoặc tiệc tùng, đi chơi đâu đó với mọi người thì coi như phần của vợ con còn có chút xíu. Tôi nuốt cục ấm ức vào lòng cho đến khi anh đòi tôi sinh đứa thứ hai. Tôi nhất quyết từ chối: “Em không nuôi nổi”. Anh bực bội: “Em không nuôi nổi thì anh nuôi. Ít nhất cũng phải 2 đứa chớ một đứa lỡ nó có bề gì…”. Tôi bụm miệng anh: “Nè, đừng có nói bậy”.
|
Ảnh minh họa.
|
Anh thấy làm căng không được thì xuống giọng năn nỉ. Tôi xiêu lòng. Mà thật ra tôi cũng muốn có nhiều con như ba mẹ tôi cho vui cửa vui nhà. Mỗi khi đau yếu bệnh hoạn, không có đứa này thì có đưa kia lui tới cũng đỡ quạnh hiu. Vậy là tôi sinh đứa thứ hai.
Anh giữ lời hứa, tháng nào lãnh lương cũng đưa đủ cho vợ. Nhưng đó là phần cứng, có liệt kê, đóng dấu của công ty trong mảnh giấy nho nhỏ. Mỗi tháng anh đưa tôi đúng 4 triệu đồng. Để được quyền tiêu xài số tiền ấy, tôi phải đưa đón con, chợ búa, cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo và làm tất tần tật những công việc có tên và không tên khác ở nhà. Dĩ nhiên là tôi còn phải làm việc 8 tiếng, có hôm nhiều hơn thế nếu có việc đột xuất ở cơ quan.
Còn anh, buổi sáng anh ra khỏi nhà, đúng 11h30 về tới nhà. Tôi làm gì thì làm, 12h30 phải có cơm canh dọn lên cho anh. Ăn xong, anh đánh một giấc tới gần 14h mới dậy đi làm buổi chiều. Trong khi anh ngủ thì tôi phải dọn dẹp, rửa chén, làm thịt cá, rau củ cho vô tủ lạnh để chuẩn bị cho bữa chiều vì anh không ăn được thức ăn cũ.
Buổi chiều cũng vậy, tôi về nhà lúc 18h30, đến 19h phải có cơm cho anh. Ăn xong, anh xem tivi, đọc báo, xem đá banh, lên mạng chát chít… Còn tôi dọn dẹp, lau nhà, giặt quần áo, ủi quần áo cho con… Hôm nào xong việc ngước lên đồng hồ cũng chỉ 23h. Nhiều lần tôi nhờ anh phụ giúp chuyện này, chuyện kia trong nhà; anh cũng làm nhưng vừa làm, vừa nói nghe nhức xương không chịu nổi nên tôi lại thôi.
Bây giờ thì sức khỏe tôi sa sút lắm rồi. Tôi làm việc gì cũng rất mau mệt, tinh thần lại chẳng thấy vui. Mấy chị bạn tôi bảo tôi không biết dạy chồng, chứ vào tay mấy chị thì phải biết. Tôi bảo, vợ chồng thì chẳng ai dạy ai, biết điều với nhau thì sống hạnh phúc, không biết điều thì cảm giác khó chịu như nhai cơm sống; người này thấy mặt người kia như trông thấy của nợ.
Đúng là giờ đây, tôi trông thấy mặt chồng tôi như trông thấy của nợ. Anh đi công tác hoặc đi đâu đó vài ngày, ở nhà mẹ con tôi thật sung sướng, thoải mái; không phải đi nhẹ, nói khẽ; không phải cơm bưng, nước rót... Một bữa thằng út bảo: “Mẹ phải vùng lên thôi. Mẹ đừng có nhường nhịn ba nữa. Từ nay, mẹ phải làm như vầy nè…”.
Nó bày cho tôi, quần áo nào anh đem bỏ ra ngoài thì tôi mới giặt; nấu cơm xong cứ để đó, nếu anh không phụ dọn cơm thì tôi cứ lấy tô xới ăn một mình; ăn cơm xong phải phụ dọn dẹp rồi mới được ngủ…
Nó bày rất nhiều chuyện nhưng chẳng có chuyện nào thành công. Tôi không vào phòng lấy quần áo đi giặt thì anh mặc đồ dơ đi làm; tôi không dọn cơm thì anh quát tháo ầm ầm đến nỗi hàng xóm không biết chuyện gì phải chạy qua xem. Dĩ nhiên là ăn cơm xong, anh súc miệng rồi tót lên giường ngủ liền. Lúc đó, 3 mẹ con phải “đi nhẹ, nói khẽ”, nếu không là chết với anh…
Bây giờ thì tôi có chiêu của riêng mình. Tôi canh anh cứ vừa thiu thiu là tôi vô phòng lấy quần áo đi giặt và làm như vô ý đá trúng chỗ này, chỗ kia hay vấp té khiến anh giật mình. Hôm nào không vô phòng thì tôi mở tivi thật to. Tôi cũng không thèm thay đổi món ăn sáng chiều; thậm chí cho ăn một món hai ngày liên tiếp. Anh cằn nhằn thì tôi rót cho chén nước mắm và trái ớt…
Cuộc phản công của tôi kéo dài đã hơn 2 tuần lễ và xem ra ít nhiều có tác động. Tuy nhiên, tôi không biết kết quả sẽ ra sao bởi đã quá kỳ lương mấy ngày mà tôi chưa thấy anh đưa tiền. Từ tuần trước, anh bảo anh ăn trưa ở công ty, chỉ về nhà ngủ. Buổi chiều anh về muộn hơn. Buổi tối anh lên mạng khuya hơn, nghe điện thoại nhiều hơn, nhắn tin nhiều hơn. Và lâu lắm rồi, không thấy anh vô phòng thằng út kéo tay, kéo chân tôi về phòng mình…
Tôi không có tiếc 4 triệu đồng tiền lương của anh nhưng tôi thấy cuộc sống vợ chồng như thế này thì nhạt nhẽo quá. Chẳng lẽ từ nay đến cuối đời, tôi phải chung sống với cuộc hôn nhân vô vị thế này sao?
TIN BÀI LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Theo Người Lao Động