Tâm sự “hối lỗi” của một mẹ bầu suýt mất con

Google News

Hai vợ chồng tôi ôm nhau khóc rưng rức. Đúng như mọi người nói, chỉ khi nào sắp mất một cái gì người ta mới thấy tiếc nuối. Tôi sẽ sống thế nào nếu mất con?

Từ ngày mang bầu, mẹ như trở thành một người hoàn toàn khác. Chưa bao giờ mẹ phải tự ti về bản thân như những ngày bầu bì đó. Nhiều chị em đến thời gian gần đẻ mới xấu còn mẹ xấu ngay từ những ngày đầu.

Mẹ là một người phụ nữ khá ăn diện, điệu đà, thích chơi bời ngay cả khi đã lấy bố con. Ai quen cũng phải nằm lòng phương châm sống của mẹ: "Sống là phải hưởng thụ". Sinh ra trong một gia đình khá giả nên ngay từ nhỏ mẹ được chiều chuộng và được làm những gì mình thích.

Mẹ xinh đẹp và thành công, ai nhìn vào cũng nhận xét mẹ là phụ nữ điểm 10 trừ, trừ bởi mẹ chưa sinh được đứa trẻ nào. Nhưng thực sự mẹ chưa định có con trong thời điểm này dù đã hơn 30 tuổi. Trước sự giục giã của ông bà và của bố con nhưng mẹ vẫn chưa can đảm để đón nhận thành viên mới.

Đơn giản thôi, bởi có con đồng nghĩa với việc mẹ sẽ bị mất nhiều không gian riêng, thói quen, sở thích bị thay đổi, cuộc sống bị đảo lộn.

Rồi một "tai nạn” nhỏ xảy ra và mẹ bị dính bầu. Ai cũng mừng chỉ có mình mẹ là chưa thực sự thoải mái. Bố động viên rồi hứa hẹn: “Chỉ cần em sinh con xong, em làm gì anh cũng chẳng cản, đi chơi thoải mái, anh và bố mẹ sẽ chăm con”.

Tặc lưỡi, mẹ nhăn nhó, phụng phịu ra điều giận dỗi. Mẹ mong từng ngày trôi qua thật nhanh, 9 tháng chắc cũng sẽ giống như một chuyến công tác dài ngày thôi mà.

Thế nhưng, giai đoạn này lâu hơn nhiều so với những gì mẹ tưởng, có quá nhiều vấn đề phát sinh khiến tâm trạng của mẹ bất ổn. Có lẽ do bị rối loạn nội tiết mà dù cố chát hàng tạ tấn son, phấn lên mặt, ăn vận hết sức hợp mốt nhưng mẹ vẫn chẳng khác gì một con gà chọi đỏ lừ.

Thai càng lớn thì da mặt mẹ càng dày cộm lên từng mét, sưng sỉa lên nhìn rất kinh khủng. Chân phù lên chẳng khác gì chân voi, những mạch máu gân xanh gân đỏ chằng chịt nhìn rất mất mỹ quan. Cả người đen nhẻm, đen giòn đã đỡ đằng này mẹ lại đen đen bẩn bẩn như kiểu cả tháng không tắm gội.

Dù chẳng ai nói gì nhưng mẹ thừa biết họ đều có chung một suy nghĩ: “Sao mày sinh con gái mà sao xấu điên đảo thế hử?”

Nhiều lúc mẹ còn chán chả buồn soi gương nữa. Có lần đang đi ngoài đường, mẹ tức điên khi có mấy bà chỉ chỏ: “Úi nhìn kia, bà kia nhìn như con voi ấy”.

Lúc đó mẹ thầm ao ước “Thà chưa có con còn hơn”, thậm chí có lần mẹ hậm hực với bố: “Sao nhà anh lắm chuyện thế nhỉ, xin con nuôi cũng được chứ sao. Giờ thì hại tôi, xấu điên đảo chẳng muốn đến công ty hay ra ngoài đường nữa”.

 Ảnh minh họa.

Rồi khi con được 13 tuần, bác sĩ nhận định bé hơi còi và mẹ cần phải bổ sung thêm vitamin và đồ ăn. Nhưng mẹ chẳng để tâm, những viên thuốc được bác sĩ kê mẹ vứt lăn lóc trong góc tủ. Ăn uống mẹ cũng tiết chế hết sức, chẳng dám ăn nhiều vì sợ “sau này sinh xong muốn giảm cũng không được”.

Thêm vào đó mẹ nghĩ "bác sĩ chỉ có dọa là giỏi bởi cụ, bà của con, ai cũng đẻ bình thường, cớ gì mẹ lại bất thường, thêm vào đó, bé còi tí xíu cũng chẳng sao".

Rồi khi thai được 18 tuần, mẹ cảm nhận được những cơn gò đầu tiên, những cử động trồi lên đạp xuống của con khiến mẹ không còn nhiều thời gian để nghĩ đến sắc đẹp nữa.

Đến khi con được 27 tuần, bỗng dưng mẹ thấy những cơn gò ít hơn, có lúc vài tiếng không thấy con cử động, thấy lạ mẹ đi khám.

Một điều tồi tệ xảy ra khi bác sĩ khẳng định “thai đang có biểu hiện giãn não”. Sốc thật sự, mẹ cảm thấy khó thở, toàn thân run lẩy bẩy, mẹ cố hỏi thêm nhưng cũng chỉ nhận được vài câu nói an ủi: “Cứ bình tĩnh, phải theo dõi một thời gian, chưa kết luận được bỏ hay không đâu em ạ”.

Mù mịt, lo lắng, đau khổ, sợ hãi, kế hoạch sau khi đi khám thai là lên quán café với lũ bạn được hoãn lại. Người đầu tiên mẹ gọi đến đó là bố con.

Khi biết khả năng mất con cao, bố mẹ ôm nhau khóc rưng rức. Ồ hóa ra đúng như mọi người nói, chỉ khi nào sắp mất một cái gì người ta mới thấy tiếc nuối.

Tìm hiểu trên mạng, mẹ được biết hiện tượng này có nguyên nhân một phần là do mẹ bổ sung thiếu chất axit folic khiến bé bị khuyết tật ống thần kinh. Có 20% trường hợp trẻ tự điều chỉnh điều này trong bụng mẹ, ra đời khỏe mạnh, còn những trường hợp khác là bé có khả năng bị não úng thủy. Không ít phụ huynh gặp tình huống này phải bỏ thai dù thai đã lớn. Nghĩ đến việc mất con, tim mẹ đau nhói.

Đây chính là tội lỗi của mẹ, mẹ đã phớt lờ mọi lời khuyên của bác sĩ, đầu óc suốt ngày lo lắng đến chuyện đẹp xấu. 2 tuần đó mẹ sống trong day dứt và không ngừng hi vọng, van xin ông trời có phép màu, mong con sẽ cố gắng vựợt qua.

Nghĩ lại, sắc đẹp, những cuộc đi chơi, niềm đam mê của mình chẳng còn nghĩa lý gì.

Bố con là người rõ nhất biết sự thay đổi của mẹ, mẹ không còn suốt ngày ngồi than vãn về sắc đẹp, rủ rê bạn bè đi chơi, mẹ đã đổi khác, mẹ vứt hết những đôi giày cao gót, thường xuyên lên diễn đàn tìm hiểu thông tin về sức khỏe bà bầu, thai nhi, cách chăm sóc con, và mẹ không bao giờ quên uống thuốc nữa, cũng không ngừng chăm sóc dinh dưỡng cho bản thân.

Mẹ thích soi gương hơn vì khi nhìn vào gương mẹ thấy bản thân mình và con. Điều kỳ diệu xảy ra khi sang tuần thứ 30, bác sĩ thông báo em bé đã hoàn toàn bình thường. Mẹ như vỡ òa trong hạnh phúc.

Thời gian lúc này trôi qua rất mau, loáng một hai mẹ con đã bước sang tuần 39. Sau khi sinh con xong, mẹ không cầm được nước mắt khi bé đẹp như một thiên thần. Càng ngày, mẹ càng cảm thấy sợi dây gắn kết giữa hai mẹ con lớn lên, mẹ tự nhủ lòng mình sẽ làm mọi điều tốt nhất cho con.

Sau này, khi nghe được, đọc được những tâm sự của người khác về chuyện lo lắng mình xấu xí khi mang thai, mẹ lại thấy họ giống mình trước đây.

Mẹ muốn nói một điều rằng: xấu một chút cũng được, sinh hoạt đảo lộn cũng được nhưng quan trọng nhất với mẹ đó là sinh con được khỏe mạnh. 
Theo Trí Thức Trẻ