Ở nhà làm “osin”, tôi nhận ra mình quá vô tâm

Google News

(Kiến Thức) - Sinh trưởng trong một gia đình gốc Nho giáo nên đối với tôi, ngay từ bé, tư tưởng “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” ngấm rất sâu.

Sinh trưởng trong một gia đình gốc Nho giáo nên đối với tôi, ngay từ bé, tư tưởng “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” ngấm rất sâu. Lấy vợ, tôi áp luôn lối sống ấy vào gia đình riêng của mình. Vợ tôi vốn là một cô gái Thủ đô năng động, rất có khả năng. Trình độ cao, gia đình có quan hệ, cô ấy có thừa điều kiện để xin vào các công ty nước ngoài lương chót vót. Nhưng, chiều tôi và gia đình tôi, cô ấy đã đồng ý về làm giảng viên một trường đại học với mức lương trợ giảng, như cô ấy nói, chẳng đủ để cả nhà ăn phở sáng một tháng. Tôi mặc kệ.

Không phải tôi mặc kệ cô ấy xoay sở với đồng lương ít ỏi đâu, mà chỉ là tôi mặc kệ mấy cái điều cô ấy kêu ca tiền nong. Đàn bà, lo đẻ con, dọn nhà là đủ. Ra xã hội chỉ để có cái gọi là công việc. Với tôi, kiếm tiền nuôi vợ là trách nhiệm của thằng đàn ông - trụ cột trong nhà!

Vợ tôi sinh một đôi một lượt luôn hai thằng cu. Cô ấy bảo thế cũng tốt, cho xong một việc lớn và xin nghỉ công việc trợ giảng. Tôi ok! Tôi cũng chỉ cần vợ tôi đặt việc ấy lên đầu. Bố mẹ tôi cũng mừng ra mặt trong khi ông bà ngoại thì càm ràm: “Tốn tiền nuôi cho học lắm, giờ ở nhà làm osin”.
 Chia sẻ việc nhà giúp vợ chồng gắn kết yêu thương. (Ảnh minh họa)
Lương tôi, một chuyên viên ở Viện nghiên cứu thì đương nhiên không đủ nuôi cả nhà. Trước khi vợ tôi sinh, với các công trình làm thuê, dịch sách, đi giảng chúng tôi sống khá thoải mái. Vậy mà bây giờ, chưa đến cuối tháng vợ tôi đã kêu hết tiền.

Tôi phải nhận thêm nhiều việc về nhà. Đi dạy nhiều hơn, hầu như tối nào cũng phải đi. Vợ tôi thương chồng vất vả, nhưng vốn là người năng động, giờ bị trói chân trong nhà với hai thằng giặc con, cô ấy trở nên khó tính. Cô ấy không chỉ cáu con, cáu giúp việc, mà còn dám cáu cả với tôi.   

Một lần, đi dạy về tôi mệt, cô ấy gọi mấy lần tôi không xuống ăn cơm. Cô ấy lên đứng ở cửa phòng gắt “có mỗi việc vác đít xuống ăn cơm cũng để vợ gọi lên gọi xuống”. Tôi đã điên tiết gào lên: “Cô tưởng tôi cả ngày chỉ đi chơi à, mệt rũ ra đây. Cô chỉ có mỗi việc ở nhà, ngày nấu 3 bữa cơm với trông hai đứa trẻ con mà cũng kể suốt”. Vợ tôi im lặng không nói gì.

Cô ấy luôn nghĩ công việc của tôi rất nhàn hạ mà không hiểu tôi mệt mỏi thế nào, trong khi, so với tôi, việc ở nhà làm nội trợ của cô ấy dễ dàng hơn rất nhiều: không bị áp lực hiệu quả, không bị áp lực thời gian, không bị áp lực trách nhiệm nặng nề...

Chẳng cuộc sống gia đình tôi sẽ đi đến đâu nếu như không có chuyện tôi bị kỷ luật vì có người “chơi xấu” khi biết tôi bán một nghiên cứu của mình cho đơn vị bên ngoài mà không tham gia Dự án của Viện. Tôi bị “treo giò” khỏi được làm gì hết, ngày ngày đến cơ quan đủ 8 tiếng để được theo dõi xem có sự thay đổi, tiến bộ nào không. Bất mãn, tôi xin nghỉ. 

Lại một điều nữa tôi không ngờ đến, khi tôi còn là cán bộ Viện thì các công việc ầm ập chạy về; còn giờ, nghỉ việc, mất tiếng cán bộ Viện, thì các nơi tôi đang cộng tác cũng hạn chế mời mọc. Tôi lại một lần nữa cay cú, nghỉ tất mấy chỗ bạc bẽo. Chả làm cái này ta làm cái khác.

Nhưng nhà tôi có một đoàn tàu há mồm, nghỉ một tháng là mệt rồi. Vợ tôi e dè: “Con đã gần 2 tuổi, anh cho em đi làm trong thời gian anh tìm một công việc thật hợp ý. Việc nhà giờ cũng chẳng có gì, lại có giúp việc, anh thử thay em một thời gian?”

Dù rất khó chịu, nhưng tối cũng muốn chứng minh cho vợ biết, mấy việc của vợ tôi làm dễ như trở bàn tay, cô ấy cứ ra ngoài mà kiếm tiền đi.

Vợ tôi, hình như đã có sự chuẩn bị này từ lâu, nộp liền một lúc hàng chục bộ hồ sơ rồi đi phỏng vấn các nơi. Một tuần sau, điện thoại nhà tôi rung liên tục, hầu hết những chỗ cô ấy xin việc đều mời. Vợ tôi chọn vị trí Giám đốc tài chính một công ty 100% vốn nước ngoài, lương thử việc 1500USD.

Thực ra, hai đứa trẻ giờ đã đi học, việc cơm nước giặt giũ đã có osin, tôi cũng chẳng có việc gì nhiều. Nhưng tôi là đàn ông, tôi đã bảo việc vợ làm được thì tôi cũng làm được. Thế là, từ một thằng chưa bao giờ động tay động chân, tôi bảo osin dẹp ra cho tôi làm. Những ngày đầu, rửa bát thì tôi làm vỡ; nấu ăn thì cháy, bỏng, đứt tay; lau nhà thì trơn ngã u cả đầu nhưng vài ngày sau thì với tôi mọi việc ấy đều ok.

Chỉ riêng có việc đánh vật với bọn trẻ có vẻ không đơn giản như tôi tưởng. Đi học về chúng bắt đầu náo loạn nhà, bảo một đằng làm một nẻo. Bố bảo đi tắm thì chúng nó đòi xem hoạt hình. Bố bảo ăn sữa thì đòi ăn bim bim. Bố nấu cơm cá thì đòi ăn cơm trứng... Ngày nào bố con tôi cũng vật nhau, đến lúc vợ về thì cả ba bố con đã tơi tả, mệt lừ. Ôi việc nhà, sao mà lắm thế, cứ như trăm dâu đổ tất đầu tằm ấy!

Vợ tôi ngày nào về nhà cũng cảm ơn chồng đã lo tươm tất mọi việc. Cô ấy không bao giờ hỏi tôi hôm nay ở nhà như thế nào, tôi cũng chưa một lần kêu ca. Nhưng trong thâm tâm, tự tôi nhận thấy, trước kia, tôi đã vô tâm, thiếu thông cảm, suy nghĩ tiêu cực về vợ, về việc nhà như thế nào, nhất là ngày ấy, bọn trẻ còn ở nhà, chỉ mỗi việc lo cho chúng ăn 6 bữa nếu là tôi cũng hết ngày.

Vợ tôi phục chồng ra mặt, hóa ra thực sự việc gì chồng mình cũng có thể làm tốt. Tôi cũng yêu vợ nhiều hơn, cô ấy đúng là tuýp phụ nữ hiện đại, làm gì cũng giỏi.

Mới hôm rồi thôi, cho bọn trẻ ngủ xong, hai vợ chồng ngồi uống cà phê, cô ấy bảo tôi đi làm lại đi. Tôi cười hỏi: “Thế em lại ở nhà à”?. Cô ấy dựa vào vai tôi: “Không, em cũng đi làm. Về nhà hai vợ chồng cùng làm việc nhà, con đi học rồi mà”.

Chúng tôi cùng nhìn về phía trước, đổi vai một lần, vợ chồng tôi đã thực sự hiểu và biết chia sẻ với nhau; nếu không có lần đổi vai ấy, có lẽ, mãi mãi tôi sẽ trở thành “ông chồng phong kiến”, và biết đâu, đến một lúc nào đó, gia đình tôi sẽ rơi vào bi kịch nặng nề của sự thiếu chia sẻ, thông cảm!
  

Thật là điều đáng buồn, tuy nhiên, người dễ bị coi thường nhất lại có lẽ là người mà bạn yêu thương nhất trên thế gian này – người bạn đời của bạn. Thật rất dễ dàng bị cuốn mất đi trong thế giới riêng của mình và những trách nhiệm nặng nề của đời sống, đến nỗi bạn sẽ bắt đầu tin rằng công việc của vợ (hoặc chồng) mình dễ dàng hơn mình nhiều, hoặc bạn có thể quên mất – hay thậm chí chẳng nhận ra được nữa – là vợ (hoặc chồng) mình đã làm việc khó nhọc như thế nào vì mình.
Khuynh hướng này có thể tạo ra rất nhiều sự oán hận, tuy nhiên nhìn chung là có thể ngăn ngừa được. Bí quyết để ngăn ngừa là tự đặt mình vào vai trò của vợ (hoặc chồng) mình.

(Lời giới thiệu sách "Đừng mất thời gian vì những điều vụn vặt", dịch giả Nguyễn Minh Tiến)


 Nguyễn Thành Long (Tân Mai, Hà Nội)
TIN LIÊN QUAN