"Không đi làm ăn xa thì không có tiền. Ở nhà vợ chồng con cái sum họp vui vầy, nhưng lấy gì để mà ăn trong khi đồng ruộng ít, việc làm không ổn định. Để chồng đi làm xa bôn ba vất vả cũng xót lắm, nhưng "mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh", phải chịu thôi", chị Phạm Thị Huệ, Đồng Văn, Yên Lạc, Vĩnh Phúc chia sẻ.
Chết tiền điện thoại
Tốt nghiệp một trường trung cấp gần nhà, chị Huệ lập gia đình với anh Trường là người cùng xóm. Học ngành kế toán, ra trường đúng lúc kinh tế khó khăn, không xin được việc nên chị ở nhà xin mấy sào ruộng về làm. Lấy nhau xong, tài sản trong nhà gần như không có gì, anh chị bàn nhau làm ăn. Ban đầu chị thuê lại ruộng về làm, nhưng làm được một vài vụ, suy đi tính lại chẳng thấy lãi đâu. Tiền giống, phân bón, thuốc trừ sâu, rồi mùa vụ thì được chăng hay chớ, cuộc sống vẫn cứ cơ cực. Đang lúc suy tính không biết làm thế nào thì có người họ hàng ở Thừa Thiên - Huế rủ vào làm công trình xây dựng. Vậy là hai vợ chồng quyết định tạm xa nhau, lúc đó anh chị đã có con gái đầu lòng 5 tháng tuổi.
Chị Huệ kể: "Thời gian đầu, nhà cửa trống trải, khó chịu lắm. Ngày nào hai vợ chồng cũng gọi điện thoại nói chuyện với nhau hàng giờ đồng hồ. Lúc đó có tháng hết cả gần triệu tiền điện thoại. Tiếc lắm, nhưng không gọi thì không biết làm thế nào. Nhỡ đâu anh ấy ở trong đó, nhớ vợ nhớ con mà sinh ra thói hư tật xấu, nên có tốn tiền cũng vẫn phải giám sát thường xuyên. Gọi cho cả anh em trong đó hỏi han dò la tình hình. Được một thời gian không có điều tiếng gì thì tôi yên tâm. Nhiều người đùa, làm "vọng phu" thế mãi làm sao được, sao không vào hẳn trong đó cho có chồng có vợ. Nhưng con thì nhỏ, vào đó sống cảnh công trường bụi bặm cơ cực, làm sao cháu chịu nổi".
Mỗi lần về thăm nhà, vợ chồng chị phải bàn "nát nước nát cái" mới dám liều. Vì chỉ riêng tiền đi lại cũng tốn một khoản kha khá. Hơn nữa, về nhà thì đồng nghĩa không làm ra tiền. Vậy là mỗi năm chồng chị chỉ về thăm nhà dăm ba bận. Có lần được chục ngày, có lần cũng chỉ được đôi ba ngày là anh em trong đó lại gọi. Mấy năm nay rồi, số lần vợ chồng gặp nhau đếm trên đầu ngón tay. "Nhiều lúc cũng nghĩ cùn, tiền nhiều mà làm gì khi sống mà cứ phải vò võ thế này, thôi thì cứ về nhà rau cháo có khi lại hạnh phúc. Nhưng bây giờ, sống ở quê hay ở phố, không có tiền là khổ lắm", chị Huệ tâm sự.
|
Chị Huệ chỉ mong là mọi việc suôn sẻ, gia đình sẽ sớm được sum họp. |
Một chốn đôi nơi thật là khổ cực!
Đến khi có đứa con thứ 2 thì chị Huệ gần như đã rất quen với việc vắng bóng người đàn ông trong gia đình. Chị đảm đương mọi việc từ lớn đến bé, đối nội đối ngoại, chăm sóc con cái. Chị kể, có lần cô con gái chị bỗng dưng hỏi: "Mẹ ơi, bố tên là gì?". Chị mới ngã ngửa, dù có liên tục gọi điện hỏi han thì cái sợi dây kết nối giữa bố với các con xem ra mỏng manh quá. Con chị có cha, chị có chồng đàng hoàng, vậy mà con chị không biết tên bố của chúng. Hôm đó, chị thao thức mất ngủ cả đêm. Chị tự vấn: "Phải chăng mình đã sai lầm khi để gia đình ly tán thế này. Một chốn đôi nơi quả thật là khổ cực". Hôm sau, chị quyết định cho 2 con vào thăm chồng.
Hàng xóm đôi khi cũng thủ thỉ với chị, mỗi lần vợ chồng gặp nhau, phải kiểm tra xem anh có linh tinh bên ngoài không. Nhỡ không may thì khổ cả mấy đứa con. Chị cẩn thận, mỗi lần anh về nghỉ lâu lâu là chị lại viện cớ vì sức khoẻ, rủ anh đi khám. Cũng may mà không có vấn đề gì.
Cuộc sống cứ thế vẫn cứ trôi đi. Chồng chị Huệ vẫn gửi tiền đều đều hằng tháng để mấy mẹ con ăn uống sinh hoạt. Chị dự định khi nào tiết kiệm đủ tiền để xây một cái nhà mới khang trang, chị sẽ bảo anh không đi làm xa nữa. Hiện giờ cả nhà vẫn sống tạm vào ngôi nhà bỏ không của ông chú. Hoàn cảnh khó khăn, nếu chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng thì chắc không bao giờ dám mơ ước đến một căn nhà mới. "Thôi thì cố mà chịu, hoàn cảnh của mình nó thế. Có ai muốn ly tán mỗi người một ngả đâu. Chỉ mong là mọi việc suôn sẻ, gia đình sẽ sớm được sum họp", chị Huệ thở dài.
Bảo Khánh