Câu trả lời của các chuyên gia tâm lý luôn luôn là “Có”. Bởi nếu quan sát cách cư xử và hành vi của trẻ, bạn sẽ nhận thấy ngôn ngữ yêu thương của trẻ bộc lộ khá sớm.
Những thông điệp từ tiềm thức
Kiên sáu tuổi, khi ba đi làm về bé thường nhảy vào lòng rồi với tay lên làm rối tung tóc ba. Theo “ngôn ngữ” của Kiên, đó là cách bé truyền cảm bằng xúc giác với ba: Kiên làm rối tóc ba vì muốn được ba vuốt ve mình.
Cách bé Vy, năm tuổi, đón ba đi làm về thì khác hẳn Kiên. Khi thấy ba về, không để ba nghỉ ngơi Vy đã hét toáng lên: “Ba ơi vào phòng con nhanh lên, con muốn ba xem cái này nè!” Nếu ba Vy chưa vào thì chừng vài phút sau Vy lại la to “Con muốn ba vào phòng con ngay bây giờ ba ơi!”, cứ thế cho đến khi ba chịu vào phòng xem việc Vy làm.
Bé Vy muốn gì ở đây? Bé muốn ba hoàn toàn chú ý đến mình, và bé không dừng yêu cầu cho đến khi được thoả mãn, cho dù có phải gây ầm ĩ.
Nếu con bạn thường tặng quà cho bạn, gói kỹ rồi trao cho bạn với niềm hân hoan đặc biệt trong ánh mắt, thì ngôn ngữ yêu thương của con bạn chính là món quà. Bé tặng quà cho bạn vì bé muốn được nhận quà. Nếu bạn thấy con mình lúc nào cũng tìm cách chơi và giúp đỡ đứa em hoặc trẻ hàng xóm thì ngôn ngữ yêu thương của bé chính là hành động được phục vụ. Khi bé hay khen bạn mặc áo đẹp, thức ăn mẹ nấu ngon, ba giỏi vì có thể sửa giúp bé đồ chơi bị hỏng, ngôn ngữ yêu thương của bé là muốn khẳng định.
Tất cả những điều đó thuộc phạm vi tiềm thức của trẻ, nghĩa là trẻ không suy nghĩ với ý thức nếu mình tặng quà thì ba mẹ sẽ cho mình quà, nếu mình vuốt ve thì sẽ được vuốt ve lại. Nhiều hành động của trẻ được thúc đẩy bởi ước muốn riêng của trẻ. Trẻ do kinh nghiệm mà biết được điều gì mình làm hoặc nói sẽ nhận được sự đáp lại của cha mẹ. Từ đó, trẻ sẽ làm hoặc nói những điều có kết quả đáp ứng được nhu cầu tình cảm của chúng. Nếu mọi chuyện đều thuận lợi và nhu cầu của trẻ được đáp ứng, trẻ sẽ phát triển thành những người lớn có tinh thần và trách nhiệm sau này. Ngược lại, nếu ấu thơ trẻ không được đáp ứng nhu cầu tình cảm, lớn lên chúng có thể vi phạm những tiêu chuẩn được chấp nhận, giận dữ và chống đối những người không đáp lại tình cảm của mình, và sẽ tìm kiếm tình yêu thương ở những nơi không thích hợp.
Không bao giờ quá trễ để nói yêu thương
Một thiếu niên bỏ nhà đi bụi đời được đưa đến khám tại phòng khám tâm lý. Cha mẹ bé vò đầu bứt tai: “Sao nó có thể làm như vậy khi chúng tôi thương yêu con hết mực?” Đứa bé trả lời chuyên viên tâm lý: “Ba mẹ tôi không yêu thương gì tôi, tôi không muốn gặp họ”. Trong đa số trường hợp, các bậc phụ huynh này rất mực chiều chuộng con, nhưng chưa biết cách truyền đạt yêu thương sao cho con cái hiểu được.
Nhiều cha mẹ mua rất nhiều đồ chơi cho con, cho con đi chơi nhiều nơi như công viên, siêu thị, xem phim... nhưng trẻ luôn cảm thấy không có ai cùng chơi với mình. Cha mẹ thật lòng yêu thương con vẫn chưa đủ, mà còn phải học ngôn ngữ yêu thương từ chính con cái mình nếu muốn đáp ứng nhu cầu tình cảm của trẻ.
Khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ thường nói những lời tán thưởng như “cái mũi con đáng yêu”, “tóc con quăn ngộ nghĩnh”... Khi trẻ bắt đầu biết đi, chúng ta động viên từng cử chỉ hành động của trẻ: “Con yêu, bước tới đây, giỏi quá”, “Đứng lên con, ngoan lắm”...
Nhưng khi trẻ lớn lên, chúng ta lại có khuynh hướng khẳng định những thất bại hơn là thành công ở trẻ, những từ ngữ yêu thương, động viên nay biến thành lời lẽ lên án như “mày mập quá ai mà thèm cưới”, “không khéo lại bỏ học nửa chừng con à”… Những đứa trẻ này sẽ phải vật lộn với giá trị của bản thân trong suốt quá trình trưởng thành và cảm thấy không được yêu thương.
Bạn hãy dành cho trẻ sự chú ý không bị chi phối. Khi con bạn còn bé, đó là ngồi xuống sàn và lăn bóng qua lại với bé, nói chuyện chơi xe hơi, xây lâu đài cát và búp bê với chúng. Hãy xâm nhập, hoà vào thế giới của trẻ trước khi đưa con vào thế giới người lớn một cách an toàn.
Khi trẻ lớn lên với những sở thích mới riêng biệt, bạn lại phải tập làm quen và thích nghi với những sở thích đó để đáp ứng kịp thời nhu cầu của con. Một khi bạn làm tốt vai trò vừa là cha mẹ vừa là bạn của con, trẻ sẽ nhận thấy sự quan trọng của bạn khi ở bên chúng và biết rằng cha mẹ thật sự yêu thương mình.
Làm cha mẹ, chúng ta luôn cố gắng giáo dục con cái vào khuôn khổ. Nhưng mỗi đứa con là một cá tính, cách giáo dục có thể phù hợp với đứa này nhưng không phù hợp với đứa kia.
Tóm lại, cần phải học nói ngôn ngữ yêu thương của con cái. Không bao giờ là quá trễ để bạn bày tỏ yêu thương với con mình một cách phù hợp nhất.
Theo Thạc sỹ tâm lý Kiều Thanh Hà/ Sài Gòn Tiếp Thị
BÀI ĐỌC NHIỀU