Mẹ ơi, cho con đi thả cá chép!

Google News

(Kiến Thức) -Sáng nay, nhìn thấy ba con cá chép đỏ bơi lội tung tăng trong chậu, chờ mẹ cúng ông Công, ông Táo, con gái 8 tuổi nhảy nhót reo hò: "Mẹ ơi, cá này thích quá, con không thích cá giấy đâu!".

Con làm mẹ chợt giật mình nhớ lại, những hình ảnh xa xưa, khi mẹ còn thơ ấu về ngày 23 tháng Chạp. Đến ngày này, là mặc nhiên mọi người đều coi như mùa Tết đã về. Tiết trời thế nào cũng lạnh hơn, có khi lây phây mưa phùn. Lũ trẻ như mẹ ngày ấy, đi học thế nào cũng được cô cho nghỉ sớm, háo hức phấn khởi về nhà, theo bà theo mẹ ra chợ lựa những món quả thật tươi, những thức ăn thật ngon và những chú cá chép thật khoẻ mạnh.
 
Các cụ bảo “Phú quý sinh lễ nghĩa”. Riêng với ngày ông Công ông Táo thì mẹ thấy điều này không đúng, hoặc ít ra nó không đúng ở nơi phồn hoa náo nhiệt như Hà Nội này. Ngày xưa, bà ngoại làm lễ, bao giờ cũng đủ chay, mặn; bao giờ cũng đủ cả mã, cả vật sống phóng sinh. Còn bây giờ, như nhà mình đây, mẹ chu đáo lắm thì cũng chỉ sắm đủ mâm hương hoa, mấy bộ áo mũ và cá chép bằng giấy.

 Ba con cá chép đỏ chuẩn bị đưa ông Táo về trời.

Đôi khi mẹ cũng có chút áy náy, thì lại như nhiều người, mẹ tặc lưỡi cho qua: cuối năm bận quá mà, 23 đã ai được nghỉ đâu.
 
Lúc bé, mẹ thích nhất là được đi chọn cá. Ngày ấy, khu bán cả chẳng có điện, có  sục như bây giờ, những chú cá được thả trong mấy cái xô đen xì hoặc sang trọng là mấy cái chậu nhôm, bơi tung tăng. Cứ chú nào khoẻ nhất, sờ tay vào khuấy trong chậu bơi mạnh nhất là bà ngoại sẽ chỉ bác bán cá bắt cho. Năm nào cũng mua đủ ba chú, nho nhỏ thôi, nhưng khoẻ khoắn và đẹp đẽ, mà nhất định phải là cá chép đỏ.
 
Về đến nhà, bà ngoại sẽ tắm chú  cá trong một bát nước sạch, trịnh trọng bày lên ban thờ. Và khi hương tàn, bà sẽ bỏ vào một chiếc lọ, đèo mẹ ra con sông nào sạch nhất gần nhà. Mẹ sẽ men theo triền sông, xuống nơi mấp mé nước, vục tay thật nhẹ đặt chú cá chép xuống. Và khi nhìn chú quẫy đuôi bơi đi, mẹ thấy lòng thật sung sướng, thênh thang, như thể vừa làm được một việc vô cùng to tát.
 
Hà Nội bây giờ, sông hồ nào cũng đen kịt, người nào cũng bận rộn. Ngày ông Công ông Táo, mười nhà thì đến chín nhà thắp hương cá giấy rồi hoá vàng luôn cho tiện. Nhà mình cũng chẳng ngoại lệ, vì mẹ cũng bận quá. Còn một phần mười những nhà còn lại, vẫn nhớ tục xưa, mua vài con cá chép để phóng sinh cho các ông các bà cưỡi về báo cáo Ngọc Hoàng, nhưng dù có cố tìm mỏi mắt các con cũng chẳng thể thấy cái hình ảnh đẹp như mơ của mẹ ngày xưa nữa.
 
Ở Hà Nội bây giờ, cứ chiều 23 là đường lên cầu Long Biên, Thăng Long nghẹt cứng. Người người, nhà nhà phi xe lên đây, tay túi tro vàng mã, tay túi bóng đựng cả, cứ thế mà đứng từ trên cầu quăng xuống. Người nào xé được cái túi bóng ra làm đôi, túm lấy con cá mà ném xuống thì đã là lịch sự; đa phần những người khác cứ nguyên trạng túm từ nhà mà thả. Lắm lúc mẹ nghĩ, mấy chú cá chép mà biết sợ như mẹ, thì chắc các chú đứng tim luôn từ lúc trên cầu, mong gì kiếp hoá rồng mà về giời khi thân chạm mặt nước đỏ phù sa kia.

Và chiều 24, thì trên dòng sông Hồng, những dòng túi bóng cứ lập lờ trôi, thành từng dòng, từng dòng rác, chẳng biết sẽ đổ về đâu.
 
 Bé sung sướng được đi thả cá...

Nhớ quá hình ảnh xưa, buồn quá hình ảnh nay, thế nên, mẹ đã tự nhủ với lòng, khi nghe lời đề nghị tha thiết của con hôm qua, năm nay nhà mình sẽ cúng cá chép sống. Mẹ  sẽ học bà ngoại xưa, mẹ sẽ cho con đi chợ tự chọn những chú khoẻ nhất; mẹ sẽ trân trọng thả vào một chiếc bát nước sạch bày lên ban thờ. Và mẹ sẽ bỏ vào chiếc lọ, chở con ra tận bãi sông Hồng, dắt con xuống mép nước, nhẹ nhàng thả các chú về với sông hồ...
 
Mẹ tin, ông Công ông Táo nhà mình sẽ về trời an toàn, nhanh nhẹn nhất, bởi vì con gái đã gửi gắm nhiều niềm yêu thương vào đó, phải không con!
 
Hải Anh