- Con đến tuổi vào lớp 1, nhiều phụ huynh lo lắng cho con đi học đọc, học viết, nhưng lại quên một việc quan trọng hơn - đó là chuẩn bị cho trẻ tâm lý bước vào giai đoạn chuyển tiếp từ môi trường hoạt động vui chơi là chủ đạo sang môi trường học tập nghiêm chỉnh.
|
Cha mẹ có thể giúp con làm quen với ngôi trường mới bằng cách dẫn trẻ tới trường mới vài lần trước khi con đi học thực sự. |
Vai trò của cha mẹ trong giai đoạn chuyển tiếp này là giúp trẻ làm quen và thích nghi dần với môi trường học tập mới mà trẻ sắp bước vào, giúp tạo cho trẻ cảm giác thích thú, háo hức khi đến trường tiểu học. Đặc biệt là cha mẹ phải giúp trẻ hiểu được rằng đi học là niềm vui, hạnh phúc, là những khám phá mới mẻ đang chờ đợi phía trước, từ đó tạo cho trẻ hứng thú, sự vui thích, chờ đón những ngày đầu tiên được vào học lớp 1.
Cha mẹ có thể giúp con làm quen với ngôi trường mới bằng cách dẫn trẻ tới trường mới vài lần trước khi con đi học thực sự. Chỉ cho con thấy những đồ vật đáng yêu ở nơi mới, chẳng hạn như một cái cây, cái bảng dán hoa thi đua của các anh chị lớp trước, cái trống tùng tùng gọi trẻ vào lớp... Hãy giúp trẻ cảm thấy môi trường mới có nhiều điều thú vị, gần gũi.
Ở nhà, cha mẹ cũng nên cho trẻ làm quen với cặp sách, đồ dùng học tập, sách bút của mình. Hướng dẫn con tư thế ngồi học, cách cầm bút, giở sách, cách xếp sách vở vào ngăn cặp, đeo cặp trên vai. Ngoài ra cũng cần luyện cho trẻ khả năng tập trung, ít nhất trong khoảng 30 phút với mỗi việc như kể chuyện, vẽ, tập tô... Nên cho trẻ thực hiện các hoạt động này bên bàn học để tập cho trẻ thói quen tập trung khi ngồi học. Cha mẹ cũng cần chú ý hướng dẫn trẻ các kỹ năng tự phục vụ như cách tự đi vệ sinh, rửa tay, cách muốn nêu ý kiến, muốn xin cô ra ngoài đi vệ sinh, hỏi đường khi cần tìm lớp hay các phòng chức năng ở trường...
Chú ý tránh những câu nói như "Lớp 1 khó lắm, con phải..." dễ làm trẻ bị áp lực, dẫn đến sợ học. Tốt nhất, cha mẹ hãy giúp trẻ chuẩn bị vào môi trường mới một cách tự nhiên nhất, để trẻ có thể tự tìm cách thích nghi chứ không nên quá gò ép, gây áp lực cho trẻ.
Trần Mạnh Hoàng