“Bí kíp” giữ chồng của vợ…hổ

Google News

Tôi có “kiểm soát chồng như… con” thì cũng vì muốn giữ gìn nhà cửa yên ổn, không bị đe dọa đánh sập bởi bão tố bất ngờ do chồng thiếu “tự chủ”.

Chồng tôi là người đàn ông hiền lành, chơi với bạn bè, ai cũng thích, vì anh lúc nào cũng… nể bạn. Nghề tài xế khiến chồng tôi luôn đi đây đi đó, tất nhiên, tôi vẫn có thể bám sát anh qua chiếc điện thoại nhỏ bé. Nhờ nó mà vợ chồng tôi gần như luôn luôn… có nhau!
Hễ muốn biết anh đang ở đâu, làm gì là tôi nhấc điện thoại lên bấm bấm. Được cái, chồng không biết nói dối. Hỏi gì đáp nấy, anh không muốn làm mất lòng tin nơi vợ, mà có muốn dở trò nói dối với tôi cũng chẳng được. Vì, tôi như có máu… trinh thám trong người, hơi chút nghi ngờ là tôi truy vấn tận nơi, đến khi nào tôi cảm thấy ô-kê mới thôi.
Bạn bè của chồng, tôi biết hầu hết, kể cả tính nết của họ. Hồi quen anh, tôi đã coi bạn của anh như bạn của mình. Anh đi chơi đâu với bạn, tôi đều đòi đi cùng cho vui và làm quen với bạn của anh để dễ dàng… tìm hiểu thêm về anh. Sau này đã thành vợ chồng, tôi thẳng thắn nói với anh, người nào nên chơi, người nào không nên. Thậm chí, cuối tuần họ hay rủ nhau nhậu nhẹt, bù khú, tôi cũng lên tiếng “đề nghị” anh nên giảm bớt số lần “tụ tập” … vô ích ấy để dành thời gian cho con và… tôi.
Anh có vẻ bực mình nhưng tôi đã lôi nhiều dẫn chứng cụ thể ra cho chồng thấy: đã từng có sự cố nhậu nhẹt say sưa nói chuyện linh tinh và xảy ra xích mích, cãi lộn, đánh lộn tùm lum, rồi còn bày đặt khích tướng nhau… cặp bồ với “con” này, “con” kia, thử qua mặt vợ một lần cho biết. Tôi cũng đã có lần gọi điện trực tiếp đến bạn của anh để yêu cầu đừng rủ chồng tôi đi nhậu nữa. Anh nóng mặt, sĩ diện với bạn bè, về nhà cự nự với tôi ra trò. Nhưng, tôi không dễ dàng chịu thua. Tôi quát lên: hay anh muốn em lên tận công ty để nói cho Ban giám đốc biết! Chồng tôi cụp mắt xuống… Giọng anh lầu bầu: "Riết rồi chẳng thằng nào thèm chơi với anh, ai cũng nói vợ mày dữ như cọp!".
 Ảnh minh họa.
Cọp cũng được. Tôi chẳng quan tâm. Miễn sao chồng tôi không “hư” là được. Giới tài xế mà, giờ giấc làm việc của anh, tôi theo dõi sát sao, chẳng để làm gì, chỉ mong anh an toàn trở về nhà sau một ngày dài ôm vô-lăng kiếm tiền nuôi vợ con. Nhận được một cuộc gọi đặt chuyến đi xa, chồng tôi phải nhắn tin cho tôi biết để tôi không lo lắng khi anh không về ăn trưa. Nhưng để đảm bảo tính xác thực, thỉnh thoảng tôi lại gọi cho chồng hỏi thăm này nọ. Giả bộ thôi.
Có lần, anh về quá trễ, so với thời gian mà anh báo với tôi. Không nén được lo âu lẫn bực bội, tôi chạy xe lên bãi xe của công ty, chờ gặp anh tận mặt lúc xuống ca chỉ để nói đúng một câu: lần sau anh đừng làm cho em lo lắng như vầy nữa, có về trễ cũng phải nhớ nhắn tin về cho em chớ, có chuyện gì đừng trách vợ! Anh không thể để bạn tài xế xem thường nên vung tay vung chân như muốn bộp tai tôi, thấy vậy, bạn anh vội can ngăn, nhưng tôi đưa mặt tới: anh có dám đánh em không, làm thử đi… Thương anh, lo cho anh, đi kiếm anh, có vợ nào như em không? Chồng tôi lại cụp mắt xuống.
Quả thật là chồng tôi hiền. Bên nhà tôi ai cũng nói, gặp thằng chồng khác chắc mày mềm xương! Đố dám. Thực ra, tôi đâu có đối xử ác ôn với chồng mình. Tiền bạc cũng vậy. Kiếm được bao nhiêu, chồng đưa cho tôi giữ hết. Mỗi ngày tôi nhét vào bóp của chồng một ít đủ để ăn sáng, uống cà phê. Quần áo và những thứ cần dùng của anh, một tay tôi định liệu. Thu nhập của anh không ổn định, vì còn tùy vào lượng khách nhiều ít trong ngày.
Có khi chạy nguyên ngày ròng rã mà vẫn chẳng có tí gì, còn lỗ tiền xăng. Nếu tôi không giữ hầu bao, tiền bạc chắc đội nón ra đi theo những cuộc vui của anh với bạn bè. Tôi cương quyết không đưa cho chồng nhiều tiền hơn “định mức”, dù chồng phàn nàn “em khiến cho anh trở nên… nghèo đói nhứt trong công ty”. Tôi vạch ra cho anh thấy: Nhưng anh không mắc nợ như chúa chổm, anh dòm bạn anh thì biết! Đua đòi bài bạc, gái gú, ăn nhậu… sướng một phút, khổ một đời! Nợ đòi rát mặt. Chồng tôi lại cụp mắt xuống.
Ngay chuyện nhà cửa, tôi cũng đưa chồng vào “quy trình”. Chồng có việc của chồng. Vợ có việc của vợ. Gia đình tôi không có cảnh chồng vắt chân lên bàn xem tivi khi vợ lui cui rửa chén, giặt quần áo! Hôm nào chồng bê trễ phận sự, tôi phải ghé vào gánh vác thì hôm đó cả nhà cùng ăn… mì gói, vì tôi không còn sức cũng không còn thì giờ để làm… mát-xtơ xép cho mấy miệng ăn. Tôi cũng đi làm, dù chẳng ông to bà lớn gì, nhưng cũng mất 8 giờ vàng ngọc. Có lúc công việc chưa xong cũng phải ráng làm thêm giờ, rồi ỉ ôi nhắn tin cho chồng (làm gương người tốt việc tốt mà), sau đó lại lăn lóc bụi bặm về nhà, mệt trần ai khoai củ mà vẫn vui vẻ vào bếp. Tôi có “kiểm soát chồng như… con” thì cũng vì muốn giữ gìn nhà cửa yên ổn, không bị đe dọa đánh sập bởi bão tố bất ngờ do chồng thiếu “tự chủ”.
Thực ra, tôi nói cái gì chồng cũng nghe theo răm rắp, không phải vì tôi… dữ dằn, ăn hiếp chồng hoặc vì chồng tôi trót sinh ra trong kiếp… sợ vợ (bạn bè của chồng luôn dèm pha ảnh như vậy), mà bởi vì tôi hiểu chồng, thương chồng và nói cái gì đúng cái đó. Tôi không nói oan, nói sai cho anh bao giờ. Mà, tôi lại nhớ dai, nên những khi tôi dẫn chứng “chuỗi” lỗi lầm gây hậu quả từ ít nghiêm trọng đến nghiêm trọng từ quá khứ đến hiện tại và cảnh báo cho tương lai thì anh thà nghe tôi còn hơn cãi cọ lôi thôi chỉ chuốc thêm sự “nổi cơn tam bành” của tôi!
Bây giờ anh không còn chạy taxi nữa mà làm tài xế cho một gia đình tư nhân. Anh được nghỉ ngày lễ, thứ bảy, chủ nhật. Sợ anh “nhàn cư vi bất thiện”, tôi nãy ra một thú vui tao nhã: nuôi cá kiểng. Cũng là một cách khiến chồng… bận rộn. Tôi giao việc chăm sóc hồ cá cho anh, mỗi ngày anh cho cá ăn, mỗi tuần một lần, anh thay nước, làm vệ sinh hồ cá trước khi muốn làm gì đó hoặc… ra khỏi nhà đi chơi với bạn! Cô em bạn dâu của tôi cứ khen tôi: "Phải chi em được bằng móng tay út của chị, chồng em chắc đỡ quậy hơn nhiều". Còn hàng xóm thì luôn đem chồng tôi ra làm gương: "Đó, chồng người ta, đi làm thì thôi, về nhà là bu theo vợ làm đủ thứ chuyện, gia đình yên ấm, hạnh phúc, chồng mình thì chẳng thấy mặt mũi đâu, hỏi tới là mắc họp, mắc họp!".
Còn chuyện này nữa mới… động trời. Một hôm tôi đọc báo thấy ở mục Tâm sự, có thư hỏi chuyện vợ hổ giống… giọng của anh và giống “tâm sự” của anh, mỗi khi anh càu nhàu vợ. Tôi đọc hết các "còm-men", phần lớn đều khen bà vợ, đều nói anh chồng có phước, được vợ chăm lo, giữ của, giữ nhà, giữ chồng như vậy mà không biết hưởng, còn kêu là “nhục mặt”, đòi “vùng lên”, không muốn thành “thằng sợ vợ”. Riêng cái "còm" này làm tôi cười muốn chết: Vợ tay hòm chìa khóa tốt vậy không muốn, muốn một cô vợ “sành điệu” để có thể diện với bạn bè, để chồng tự do phè phỡn thì… mừng lắm, đến chừng mọc vài cái sừng còn… mừng hơn! Kệ, tôi cứ là… vợ hổ cho nó lành nhà, lành cửa. Ai chê, tôi chịu!
Theo Phụ Nữ Online