Alfred Hitchcock – người nhút nhát trở thành vua phim kinh dị

Google News

(Kiến Thức) - Nổi tiếng là vua phim kinh dị nhưng đạo diễn của hơn 50 bộ phim rùng rợn lại là người rất nhút nhát.

Tuổi thơ đơn độc
Sinh ngày 13/8/1899 trong một gia đình bình thường ở Leytonstone, Anh quốc. Mẹ ông là một người phụ nữ ngoan cường còn bố là người nổi tiếng lạnh lùng. Từ nhỏ Hitcock đã quen lủi thủi một mình dù có cả anh trai và chị gái. Những năm tuổi thơ, Hichcock là một đứa trẻ cô đơn và nhút nhát, không có nhiều bạn bè và thường chơi đùa một mình.
Năm lên 5, bị bố phạt và gửi vào đồn cảnh sát để dọa. Dù chỉ bị nhốt trong buồng giam có vài phút, nhưng ấn tượng về cảnh sát với ông từ đó luôn rất xấu. Những kỷ niệm buồn với cha trong trường dòng lúc còn nhỏ cũng ám ảnh ông mãi và những sự kiện tuổi thơ đó đã được ông tái hiện trong những bộ phim sau này.
Biến ước mơ thành hiện thực
Sau khi tốt nghiệp đại học, Alfred vào làm việc trong một công ty điện tín ở Henley năm 1915. Thời gian này ông bắt đầu hướng sự quan tâm tới phim ảnh, rất hay đi xem phim và đọc các bài báo bình luận về điện ảnh. Năm 1920 ông xin vào chân thiết kế tựa phim trong một xưởng phim ở Anh để gần gũi hơn với bộ môn nghệ thuật mà mình yêu thích.
Với bản tính điềm tĩnh, tự tin và khao khát làm phim, Hitchcock bắt đầu được thử sức với vai trò kịch bản, trợ lý đạo diễn, thiết kế trường quay.
 
Sự nghiệp điện ảnh của ông bắt đầu vào năm 1921, Hitchcock có cơ hội thử nghề đạo diễn khi đạo diễn của bộ phim Always Tell Your Wife ngã bệnh bất thần. Bị ấn tượng trước khả năng của Hitchcock, ban giám đốc xưởng phim cho phép ông đạo diễn bộ phim Number Thirteen (1922). Nhưng không may, trước khi bộ phim này hoàn tất, xưởng phim phải đóng cửa chi nhánh của nó ở Anh.
Xưởng phim này sau đó đã qua hai tay chủ mới là Balcon-Saville-Freedman và Gainsborough Pictures và lần nào người có mặt trong danh sách vài người được mời lại làm việc đều có tên Hitchcock.
The Pleasure Garden, bộ phim đầu tay của Alfred Hitchcock. 
Sau một thời gian miệt mài với vị trí trợ lý đạo diễn, năm 1925, ông được chính thức làm đạo diễn The Pleasure Garden. Bộ phim này cũng là nơi gieo mầm tình cảm giữa ông và người vợ sau này, Alma Reville khi mời bà vào vị trí trợ lý. Hai người có một con gái chung là Patricia Hitchcock.
 Đám cưới của Htichcock và Alma Reville năm 1926.
Sau đám cưới vào tháng 2 năm 1926, sự nghiệp của Hitchcock càng ngày càng thăng hoa và định hướng về phim ảnh của ông bắt đầu hình thành với bộ phim hồi hộp rùng rợn, The Lodger.
 Gia đình hạnh phúc của đạo diễn Hitchcock.
Vào những năm 30, ông bận rộn với đủ các dự án phim. Với nhiều cải tiến trong cách làm phim với suy nghĩ không nên làm khán giả nhàm chán với một bộ phim quá nhiều chi tiết, ông đã sử dụng nhiều hình ảnh rùng rợn để thay lời thoại, hay giải thích trong phim.
Phim The Lady Vanishes (1938)
Với những thành công của một loạt phim rùng rợn như The Man Who Knew Too Much (1934), The 39 Steps (1935), Secret Agent (1936), Sabotage (1936), Young and Innocent (1937), và The Lady Vanishes (1938), đạo diễn đại tài xứ sương mù đã lọt vào mắt xanh của nhà làm phim Mỹ, ông chủ xưởng phim David O. Selznick.
Đó là lý do khiến gia đình ông chuyển tới sống ở Hollywood vào năm 1939.
Phim ảnh trái ngược với đời thường
Là người rất hay sợ sệt trong cuộc sống thực, đó có lẽ là lý do khiến ông tưởng tượng được vô số những tình tiết rùng rợn trong phim của mình. 
 Một cảnh rùng rợn trong Blackmail.
Ông dẫn người xem tới mái vòm của Bảo tàng Anh quốc để ngạt thở với một cuộc rượt đuổi trong Blackmail (1929), khiến khán giả thót tim với cú ngã tự do từ Tượng Nữ thần Tự do trong Saboteur (1942) hay những cuộc đi xe ngoạn mục trên đường phố Monte Carlo của phim To Catch a Thief (1955)…
 Chi tiết ly sữa pha thuốc độc khiến khán giả thót tim trong phim Suspicion.
Không ai có thể vượt qua nổi trí tưởng tượng của Hitchcock trong những tình huống rùng rợn bất ngờ với những chi tiết rất nhỏ nhặt như một ly sữa có thuốc độc lóe sáng trong phim Suspicion (1941), cảnh đâm dao trong buồng tắm trong Psycho (1960), hay những con chim giết người tập trung trong một sân trường ở The Birds (1963).
Bắt bài phong cách quen thuộc của Hitchcock
Nếu thường xuyên theo dõi phim của ông vua kinh dị, khán giả sẽ phát hiện ra hình ảnh những tên tội phạm luôn rất lịch lãm, và nhân vật nữ chính luôn là các cô gái tóc vàng cổ điển. Nhân vật chính trong phim (nam hay nữ) đều là những người rất quyến rũ, mê hoặc, thông minh, tự tin.
Ingrid Bergman trong phim 
Notorious (1946).


Hitchcock nói ông muốn nhân vật nữ trong phim của mình thoát khỏi hình ảnh một bà nội trợ nhàm chán. Ông không cho rằng phụ nữ chỉ có mỗi việc rửa bát và khi tới rạp xem phim lại cũng xem một người đàn bà rửa bát. Chính vì thế hình ảnh nhân vật chính trong phim của Hitchcock luôn rất đẹp, nhưng lạnh lùng như Ingrid Bergman, Grace Kelly, Kim Novak, Eva Marie Saint, và Tippi Hedron.
Chưa từng chạm tay tới tượng vàng Oscar
Tiếng tăm nổi như cồn, phim ra rạp là khán giả ùn ùn kéo tới và 5 lần được lọt vào danh sách ứng cử viên tranh giải Đạo diễn xuất sắc Oscar, nhưng trong suốt 50 năm làm nghề, vị đạo diễn Anh quốc chưa một lần được vinh danh tại giải thưởng điện ảnh danh giá nhất thế giới.
 
Năm 1979, Viện Điện ảnh Mỹ trao tặng Hitchcock giải Thành tựu cuộc đời, khi lên nhận giải ông đùa giải thưởng sẽ khiến ông tổn thọ. Năm 1980, Nữ hoàng Anh Elizabeth II đã phong tước hầu cho ông. Và đúng như lời điềm, ba tháng sau, Sir Alfred Hitchcock chết vì bệnh suy thận, tại nhà riêng ở Bel Air, thọ 80 tuổi. Ông được hỏa thiêu và tro rải ra biển Thái Bình Dương.
Bảo Tâm (Tổng hợp)