Tại buổi tọa đàm “An toàn giao thông và xe mô tô phân khối lớn” được tổ chức chiều 6/5 tại TPHCM, đề xuất xe PKL có thể lưu thông trên đường cao tốc ôtô đã được thông qua.
Vào ngày 13/5 vừa qua, tại cuộc họp của bộ GTVT, bộ trưởng Đinh La Thăng cũng đã có ý kiến về việc thí điểm cho xe phân khối lớn (PKL) chạy vào đường cao tốc ôtô, dù chưa có quyết định chính thức. Đây là tin vui với
cộng đồng chơi xe PKL, nhưng lại vấp phải sự phản đối của nhiều người trong xã hội.
|
Buổi tọa đàm “An toàn giao thông và xe mô tô phân khối lớn”.
|
Theo họ, việc xe PKL cùng lưu thông với tốc độ cao trên đường cao tốc dành cho xe hơi rất nguy hiểm. Tuy nhiên, họ lại không thể chỉ rõ được cụ thể những nguy hiểm do xe PKL gây ra.
Một số người khác lại lấy ví dụ về những vụ tai nạn thảm khốc có liên quan tới xe PKL trong thời gian gần đây, như tại giải đua xe đạp Bình Dương ngày 1/3/2015 hay CBR1000RR đâm phải xe máy chở đá ngày 7/5 vừa qua để "đổ lỗi" cho xe PKL.
|
Vụ tai nạn giữa Honda CBR1000RR và xe Dream chở đá. Người đi xe Dream đã băng qua đường mà không có tín hiệu báo trước.
|
Mặc dù vậy, nhìn lại những tai nạn này, chúng ta có thể thấy rằng đa số chúng đều xảy ra trong điều kiện đường phố bình thường, vốn đã chật hẹp,"đầy rẫy" các loại xe phân khối nhỏ hơn và có tình trạng giao thông khá hỗn loạn.
Như vậy, đề xuất cho phép xe PKL lưu thông trên đường cao tốc là một giải pháp hợp lý, khi những chiếc xe PKL mạnh mẽ không phải chia sẻ chung đường với những xe máy phân khối nhỏ (PKN) khác, giúp giảm tỉ lệ va chạm xảy ra!
|
Hiện trường vụ tai nạn tại giải đua xe đạp Bình Dương.
|
Thêm vào đó, nhiều người tham gia giao thông ở Việt Nam thường có định kiến rằng trong mọi vụ tai nạn, lỗi sẽ thuộc về xe to hoặc xe đắt tiền hơn. Chính vì vậy, trong các vụ tai nạn liên quan tới xe PKL, lỗi thường bị đổ cho những người điều khiển loại xe này.
Đây là một quan niệm cực kỳ phiến diện, vì trong mọi va chạm thì lỗi thuộc về người không tuân thủ luật giao thông và thiếu văn hóa khi tham gia giao thông. Bản thân xe PKL không có lỗi, lỗi thuộc về người điều khiển. Và điều này đúng với mọi loại xe, không cứ gì xe phân khối lớn.
|
Tại Việt Nam, có nhiều hội nhóm chơi xe PKL được tổ chức bài bản, tuân thủ đúng luật GTĐB.
|
Không thể phủ nhận rằng trong một số vụ tai nạn xảy ra, lỗi thuộc về những người lái xe PKL. Tuy nhiên, một số người điều khiển những chiếc PKL trong các vụ tai nạn đó thường có tuổi đời còn rất trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm lái xe và vẫn còn khá "liều" khi điều khiển xe trên đường.
Vụ tai nạn tại giải đua xe đạp Bình Dương ngày 1/3/2015 là minh chứng rõ nhất cho việc này, khi người trực tiếp gây ra tai nạn chỉ mới 22 tuổi nhưng đã "cầm cương" chiếc xe với động cơ 1000 cc!
|
Một đoàn xe PKL di chuyển có hàng lối trên đường công cộng.
|
Đây là những "con sâu làm rầu nồi canh", khiến cho cộng đồng những người chơi xe PKL ở Việt Nam mang tiếng xấu. Trong khi đó, nhiều người chơi xe ở Việt Nam tham gia các câu lạc bộ xe PKL đều phải có một khoảng thời gian làm quen với các loại xe có dung tích nhỏ hơn, mà người trong giới thường gọi là "lên cc" để luyện tập dần kỹ năng điều khiển xe.
Ngoài ra, họ còn tuân thủ rất nghiêm ngặt luật giao thông, đồng thời di chuyển có hàng lối, tổ chức chặt chẽ và đúng tốc độ trong các sự kiện họp mặt.
|
Các loại "pô độ" đủ tiêu chuẩn tiếng ồn vẫn được cho phép ở nhiều nước phát triển.
|
Một lý do nữa khiến nhiều người "ghét" xe PKL đó là vì chủ nhân của chúng thường xuyên "nẹt pô", gây ồn ào trên đường. Trên thực tế, điều này xuất phát từ việc mỗi lần chuyển số, việc "nẹt pô" sẽ khiến các lá côn tách rời hoàn toàn với nhau, khiến xe chuyển số nhẹ nhàng hơn. Tiếng nổ lớn gây ra là do xe đã được chế các loại "pô" độ không đúng chuẩn theo ý thích của một số chủ xe.
Một lần nữa, chủ nhân của những chiếc xe này lại thường là các thanh niên thích gây sự chú ý, vì bản thân pô "zin" trên các dòng xe PKL có âm thanh hoàn toàn nằm trong tiêu chuẩn cho phép khắt khe của các nước tiên tiến. Những loại pô "độ" từ các hãng nổi tiếng như Akrapovic, dù có âm thanh lớn hơn nhưng vẫn hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chuẩn tiếng ồn.
|
Công tác đào tạo và thi cấp bằng A2 cần chặt chẽ hơn.
|
Chính vì vậy, có lẽ xã hội vẫn không có cái nhìn công bằng với xe PKL. Một lần nữa, bản thân chiếc xe không có vấn đề, vấn đề nằm ở người điều khiển. Thiết nghĩ, thay vì "đổ lỗi" cho xe PKL, từng người tham gia giao thông cần phải tự nâng cao nhận thức về ATGT, ý thức chấp hành luật GTĐB.
Trong khi đó, nhà nước cũng nên thắt chặt công tác đào tạo và sát hạch khi thi cấp bằng A2, nhằm giúp những người mới chơi xe PKL có đủ kỹ năng điều khiển xe và hạn chế những "trẻ trâu" thích thể hiện lái xe PKL.
Kiều Anh