Có khoảng 50.000 người đã mua ôtô ở nước Anh mới đây đã khởi kiện Volkswagen (VW) lên Tòa án tối cao ở London liên quan đến vụ bê bối gian lận khí thải "dieselgate" mà đã khiến nhà sản xuất ôtô lớn hàng đầu nước Đức này lao đao từ năm 2015. Phiên tòa kéo dài 3 ngày này, bắt đầu từ ngày 27/3, được các luật sư cho rằng có thể sẽ là vụ kiện tập thể lớn nhất trong lịch sử pháp lý của Xứ sở Sương mù.
Công ty luật Slater and Gordon, đại diện cho hơn 40.000 nguyên đơn ở nước Anh, đã cáo cuộc VW lừa gạt khách hàng mua những chiếc ôtô vi phạm các quy định về khí thải bằng cách cài đặt các “dụng cụ triệt tiêu,” phần mềm quản lý động cơ được thiết kế để che giấu mức khí thải gây ô nhiễm môi trường.
|
Các luật sư đại diện cho hơn 50.000 người đã mua ôtô ở nước Anh mới đây đã khởi kiện Volkswagen. |
VW đã bác bỏ những báo buộc liên quan với lập luận rằng việc phần mềm nói trên có phải là một dụng cụ triệt tiêu bất hợp pháp hay không còn chưa được khẳng định, và nhấn mạnh rằng vụ việc ở Mỹ về cơ bản là khác biệt với những gì đang diễn ra ở nước Anh, cả về loại xe bị ảnh hưởng, về môi trường quy định về mặt pháp lý và cả các biện pháp kỹ thuật. VW quả quyết những phương tiện bị ảnh hưởng ở nước Anh không gây ô nhiễm môi trường nhiều như mọi người vẫn tưởng.
Trước đó, tập đoàn ôtô Volkswagen cho biết khoảng 11 triệu xe của họ trên toàn thế giới, trong đó có 1,2 triệu chiếc ở nước Anh, đã được cài đặt phần mềm gian lận khí thải. VW đã đồng ý chi 25 tỷ USD ở Mỹ để giải quyết những khiếu nại từ khách hàng, các nhà quản lý môi trường, chính quyền các bang và các nhà phân phối. “Ông lớn” này đã đề xuất mua lại 500.000 xe gây ô nhiễm môi trường ở Mỹ.
|
Trước đó, Volkswagen cho biết khoảng 11 triệu xe của họ trên toàn thế giới, trong đó có 1,2 triệu chiếc ở nước Anh, đã được cài đặt phần mềm gian lận khí thải. |
Tuy nhiên, VW lại chưa đạt được một thỏa thuận như vậy ở châu Âu, nơi nhà sản xuất ôtô;này đang đối mặt với những khiếu nại đòi bồi thường lên đến hàng tỷ euro từ các nhà đầu tư và khách hàng. Đây là vụ bê bối tồi tệ nhất trong lịch sử 78 năm của “gã khổng lồ người Đức.”
Trong khi đó, nhà sản xuất ôtô hạng sang của Đức BMW đã bị kiện ở Mỹ vì những “dụng cụ triệt tiêu” (defeat devices) được cài đặt trong hàng chục nghìn chiếc xe nhằm gian lận trong các bài kiểm tra mức khí thải của động cơ diesel.
Được nộp đơn khởi kiện lên toà án liên bang ở New Jersey, đây sẽ là vụ kiện mang tính tập thể (có nhiều người tham gia khởi kiện) một khi được thẩm phán tiếp nhận.
|
Trong khi đó, nhà sản xuất ôtô hạng sang của Đức BMW đã bị kiện ở Mỹ vì những “dụng cụ triệt tiêu” (defeat devices) được cài đặt trong hàng chục nghìn chiếc xe. |
Cụ thể, các mẫu xe chạy bằng động cơ diesel BMW X5 và 335D được bán ra từ năm 2009-2013 là những mục tiêu của vụ kiện này. Các luật sư của Công ty Hagens Berman cho rằng lượng khí thải từ những chiếc xe này cao hơn gấp 27 lần cho với mức tiêu chuẩn được phép, và sự thật này đã bị che giấu bằng những “dụng cụ triệt tiêu” và phần mềm kiểm soát khí thải bất hợp pháp có khả năng thao túng mức xả khí thải của BMW.
Đây là vụ kiện mới nhất liên quan đến việc các nhà sản xuất ôtô vi phạm các quy định về khí thải. Trước đó, đối thủ của BMW là Volkswagen bị phát hiện đã cài đặt các “dụng cụ triệt tiêu” trên hơn 11 triệu xe được bán ra trên toàn thế giới, và đã phải chịu những khoản phạt khổng lồ ở Mỹ liên quan đến vụ bê bối này.
Mới đây, giới chức Đức đã ra lệnh khám xét trụ sở của BMW ở Munich và một cơ sở khác ở Áo, liên quan đến cuộc điều tra sơ bộ đối với khả năng “ông lớn” này đã có hành vi lừa đảo thông qua các hệ thống gian lận khí thải được cài đặt trên hơn 11.000 chiếc xe.
Đáp lại, BMW đã xác nhận việc khám xét nói trên và nhắc lại lập trường rằng hãng này đã cài đặt “nhầm” một phần mềm được lập trình một cách đúng đắn vào những mẫu xe không tương thích.
BMW hồi tháng Hai đã thừa nhận rằng phần mềm nói trên có ở nhiều mẫu xe của hãng và cho biết sẽ thu hồi các mẫu xe này để cập nhật phần mềm ngay khi phần mềm này được cơ quan có thẩm quyền của Đức cấp phép.
Thảo Mai