Vừa qua, buổi họp báo kỷ niệm 15 năm thành lập VAMA đã được tổ chức long trọng tại khách sạn Hilton, Hà Nội. Là một tổ chức phi chính phủ, phi chính trị và lợi nhuận, VAMA được thành lập trên nguyên tắc tự nguyện của các nhà sản xuất ôtô tại Việt Nam, tạo ra một diễn đàn để các hãng xe trong nước có thể tìm được một tiếng nói chung, cùng sát cánh và phát triển.
|
Toàn cảnh buổi họp báo kỷ niệm 15 năm thành lập VAMA.
|
Từ chỗ chỉ có 11 thành viên với sản lượng 14.000 xe/năm khi mới thành lập, hiện VAMA đã có 17 thành viên, cùng sản lượng hơn 130.000 xe/năm. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm, doanh số bán hành của các thành viên VAMA đã tăng 67% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 91.711 xe (gồm cả xe lắp ráp trong nước và nhập khẩu bởi các thành viên VAMA).
Tính tới nay, tổng doanh số tích luỹ của VAMA sau 15 năm đã vượt mốc 1,155 triệu xe sản xuất, lắp ráp trong nước.
|
Ban điều hành VAMA nhiệm kỳ 2015-2017.
|
Một trong những thành tựu lớn nhất của VAMA là việc khuyến khích và hướng dẫn các thành viên phát triển theo định hướng và chính sách của Nhà nước.
Ngoài ban điều hành và văn phòng VAMA, hiệp hội này cũng đã lập ra các tiểu ban để nâng cao hiệu quả hoạt động và hỗ trợ hơn nữa cho sự phát triển của ngành công nghiệp ôtô, gồm các tiểu ban chính sách, kỹ thuật xe thương mại, kỹ thuật xe du lịch, quan hệ công chúng và đặc biệt là tiểu ban công nghiệp hỗ trợ mới được lập vào năm nay.
|
Ông Yoshihisa Maruta - TGĐ Toyota Việt Nam kiêm Chủ tịch VAMA nhiệm kỳ hiện tại.
|
Qua 15 năm hình thành và phát triển, VAMA cùng 17 thành viên đã tạo dựng một nền công nghiệp ôtô nội địa tương đối ổn định, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 100.000 lao động trực tiếp và gián tiếp.
Tới nay, VAMA đã đáp ứng được gần 80% nhu cầu xe du lịch và 60% xe thương mại tại Việt Nam. Chỉ tính riêng năm 2014, các thành viên của hiệp hội đã đóng góp vào ngân sách Nhà nhước trên 44.000 tỷ đồng (2 tỷ USD).
|
Ông Michael Behrens - TGĐ Mercedes-Benz Việt Nam tóm tắt về quá trình hoạt động của VAMA.
|
Trong tương lai gần, cụ thể hơn là khi hàng rào thuế quan giữa các nước ASEAN được xoá bỏ vào năm 2018 và rộng hơn nữa là tới năm 2030, VAMA cũng đã bắt đầu có những kế hoạch để tiếp tục phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam, đồng thời đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng.
|
Các dự đoán, chiến lược, chính sách phát triển của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đã được VAMA nêu ra tại buổi họp báo.
|
Trước hết, để chuẩn bị cho năm 2018, VAMA đang đề xuất với chính phủ các chính sách thúc đẩy quy mô thị trường và ngành công nghiệp phụ trợ; đồng thời điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và tạo ra sự công bằng giữa xe sản xuất trong nước với xe nhập.
Xa hơn nữa, các thành viên VAMA cũng bày tỏ mong muốn duy trì sản xuất, lắp ráp xe tại Việt Nam nếu như có những chính sách hợp lý từ Chính phủ. Tất cả đều đang mong chờ quá trình "ôtô hoá" dự đoán sẽ bắt đầu vào khoảng năm 2021, 2022, giúp cho nền công nghiệp ôtô Việt Nam có thể phát triển mạnh sau đó.
Nguyễn Huy