Theo thống kê vừa công bố của Tổng cục Hải quan, 15 ngày đầu tháng 1/2018, cả nước chỉ nhập khẩu 60 ôtô nguyên chiếc các loại. Trong đó, xe 9 chỗ ngồi trở xuống chỉ có 6 chiếc, còn lại 10 chiếc trên 9 chỗ ngồi và 27 chiếc xe tải. Tổng trị giá xe nhập đạt 5,6 triệu USD. Trong đó, riêng 6 chiếc ôtô con có tổng trị giá hơn 282.000 USD, tương đương 6,4 tỷ đồng.
Theo ông Lưu Mạnh Tưởng, Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan khẳng định chắc chắn 6 chiếc ôtô con này không phải xe thương mại, có thể nhập theo diện quà biếu tặng hoặc phi mậu dịch theo diện xe ngoại giao hay tài sản di chuyển.
|
Ôtô nhập khẩu về Việt Nam "khan hàng" vì nghị định 116. |
“Hầu hết xe nhập khẩu đang "vướng" Nghị định 116, các hãng đang kiến nghị tới Chính phủ. Do đó, chắc chắn số xe con này không phải là xe nhập theo diện thương mại, bởi nếu đúng thì họ sẽ nhập cả lô, ít ra cũng vài chục đến hàng trăm chiếc”, ông Tưởng cho hay.
Điều này hoàn toàn trái ngược với thời điểm cùng kỳ năm 2017. Theo thống kê, 15 ngày đầu tháng 1/2017, cả nước nhập tới 5.000 ôtô nguyên chiếc các loại (nhiều gấp 83 lần so với cùng kỳ 2018), trị giá gần 116 triệu USD. Trong đó, xe 9 chỗ ngồi trở xuống chiếm hơn 75% (3.701 chiếc), xe trên 9 chỗ ngồi 11 chiếc, xe tải 1.120 chiếc.
Nguyên nhân, theo ông Tưởng, từ 1/1/2017, thuế nhập khẩu ôtô từ các nước ASEAN - thị trường xe nhập khẩu chính về Việt Nam như Thái Lan, Indonesia giảm từ 40% xuống còn 30% theo cam kết tại Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) giai đoạn 2016 – 2018.
|
Mới đây, các hãng xe của Nhật Bản như Toyota, Honda đã bất ngờ thông báo tạm dừng nhập khẩu xe về Việt Nam. |
Tính chung cả năm 2017, Việt Nam nhập khẩu 97.213 ôtô nguyên chiếc các loại, tổng giá trị kim ngạch đạt gần 2,2 tỷ USD, giảm 13,6% về lượng và giảm 6,1% về trị giá so với năm 2017.
Đáng chú ý, do tác động của các chính sách thuế nhập khẩu, nghị định 116 và cuộc đua giảm giá của các nhà sản xuất, lắp ráp trong nước, lượng ôtô con (xe dưới 9 chỗ ngồi) giảm mạnh.
Theo thống kê, cả năm, chỉ có 38.832 xe được nhập khẩu về Việt Nam, trị giá kim ngạch đạt gần 718 triệu USD. So với năm 2016, số lượng ôtô dưới 9 chỗ ngồi giảm tới 9.916 xe, tuy nhiên trị giá kim ngạch lại tăng thêm khoảng 30 triệu USD.
Mới đây, các hãng xe của Nhật Bản như Toyota, Honda đã bất ngờ thông báo tạm dừng nhập khẩu xe về Việt Nam bởi những vướng mắc trong Nghị định 116/2017/NĐ-CP. Trước đó, các hãng Ford, Mitsubishi cũng thông báo dừng nhận đặt hàng nhiều mẫu xe, đẩy mạnh bán xe lắp ráp trong nước. Theo dự đoán của nhiều chuyên gia, lượng xe nhập khẩu trong vài tháng tới rất có thể sẽ tăng giá cao hơn so với kỳ vọng vào mức thuế 0% từ ASEAN.
Trong thời gian qua, Nghị định 116 trở thành đề tài gây tranh cãi trong ngành công nghiệp. Nghị định được công bố vào tháng 10/2017 đặt ra những tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn đối với các doanh nghiệp kinh doanh xe nhập khẩu. Một trong hai vướng mắc lớn nhất là các hãng cần có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe cơ giới do nước ngoài cấp. Bên cạnh đó, mỗi lô hàng nhập về cũng phải lấy ra một xe để kiểm định, thay vì kiểm định theo chủng loại như trước.
Điều kiện giấy chứng nhận bị cho là không khả thi bởi nhiều quốc gia trên thế giới không cấp loại giấy tờ này cho xe xuất khẩu. Trong khi đó, quy định kiểm định theo lô có thể sẽ làm tăng những chi phí mà các hãng cho rằng không cần thiết, thời gian xe bị “giam” trước khi đến tay khách hàng cũng lâu hơn.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, một đợt kiểm tra như vậy có thể kéo dài tới hai tháng với mức chi phí 10.000 USD: “Điều đó sẽ gây lãng phí về thời gian cũng như tiền bạc.”
Kể từ khi Nghị định 116 được ban hành, chính phủ những nước xuất khẩu xe chính vào thị trường Việt Nam như Nhật Bản, Thái Lan và Mỹ... đều bày tỏ lo ngại về việc sẽ khó bán xe tại đây. Họ còn cho rằng Nghị định có thể vi phạm các luật lệ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Nguyễn Anh