Video: Các mốc bảo dưỡng ôtô định kỳ tài mới cần biết.
Thông thường với các mẫu ôtô lăn bánh khoảng 20.000 km thường sẽ được tư vấn gói bảo dưỡng cấp trung. Tùy theo hãng mà sẽ có cách gọi khác nhau nhưng hầu hết đều có chung các hạng mục cần thiết ngoài việc thay nhớt cơ bản, dựa vào cách vận hành và thời gian mà một số bộ phần cần kiểm tra hoặc thay thế.
Thay nhớt và lọc nhớt, lọc nhiên liệu
Đây là việc cơ bản khi bảo dưỡng xe ôtô, tuy nhiên mốc này cũng sẽ được đề nghị thay lọc nhớt, bởi sau thời gian vận hành lọc nhớt gần như không còn tác dụng lọc các cặn khi vận hành. Nếu không thay có thể dẫn đến việc giảm hiệu quả của dầu nhớt thậm chí là tắt đường dẫn nhớt. Nếu chủ xe kỹ hơn có thể thay nhớt kết hợp với thay lọc nhớt sau mỗi lần bảo dưỡng.
|
Với odo khoản 20.000 km chưa phải là mốc vận hành quá lớn, tuy nhiên đây thường là mốc bảo dưỡng lớn trên các mẫu xe phổ thông. |
Ngoài việc thay lọc nhớt, thì lọc nhiên liệu cũng là chi tiết cần phải thay thế. Theo đó sau một thời gian vận hành, lọc nhiên liệu sẽ giữ lại các tạp chất và cặn bẩn, va cũng sẽ bị tắc nghẽn và không còn hiệu quả. Việc thay mới lọc nhiên liệu đảm bảo nhiên liệu sạch được lưu thông trong động cơ, giúp các bộ phận bên trong hoạt động trơn tru, giảm ma sát và mài mòn.
Kiểm tra lốp
Đây là một quy trình thường có sau mỗi 20.000 km, việc này giúp kiểm tra độ mòn của lốp, tình trạng lốp. Ngoài ra còn phải thực việc đảo lốp giúp có độ mòn đồng đều giữa các bánh xe. Bên cạnh đó còn một số hạng mục nên làm như cân bằng động, chỉnh độ chụm thước lái.
|
Sau mỗi 20.000 km, cần kiểm tra độ mòn của lốp, tình trạng lốp. |
Các việc này không chỉ giúp lốp luôn có tình trạng ổn định, kéo dài tuổi thọ và hạn chế tối đa các ảnh hưởng đến thước lái, hệ thống treo. Quá trình trên có thể tốn chi phí nhưng đảm bảo được độ an toàn khi lái xe, đồng thời tối ưu hóa hiệu suất và tiết kiệm nhiên liệu.
Thay các loại lọc gió
Trên ôtô sẽ có hai loại lọc gió gồm lọc lạnh và lọc động cơ. Về nguyên lý đều có chung mục đích lọc bụi bẩn đem lại nguồn khí tươi cho động cơ và điều hòa. Nếu không thay sẽ khiến xe hao xăng hơn bởi lượng gió bị nghẹt hay khoang nội thất sẽ có những mùi hôi do các loại lọc không còn tác dụng.
Hệ thống treo
Đây là một bộ phận có phần phức tạp nhưng lại đảm nhiệm khá nhiều các nhiệm vụ như đảm bảo an toàn và thoải mái khi lái xe. Hệ thống này bao gồm các bộ phận như lò xo, giảm xóc, thanh giằng và các khớp nối, có nhiệm vụ hấp thụ và giảm chấn động từ mặt đường, giữ cho xe vận hành ổn định và êm ái. Sau một thời gian sử dụng, các bộ phận trong hệ thống treo có thể bị mòn, rơ hoặc hư hỏng, gây ra các hiện tượng như tiếng kêu lạ, rung lắc và giảm độ an toàn khi lái xe.
|
Hầu hết ở mốc 20.000km thì hệ thống treo vẫn còn rất tốt, tuy nhiên vẫn nên kiểm tra để đảm bảo các chi tiết luôn ở tình trạng hoàn hảo. |
Hầu hết ở mốc 20.000km thì hệ thống treo vẫn còn rất tốt, tuy nhiên vẫn nên kiểm tra để đảm bảo các chi tiết luôn ở tình trạng hoàn hảo bởi điều kiện vận hành tại Việt Nam có phần khắc nghiệt khi vẫn còn nhiều ổ gà, ổ voi hay nắp cống. Đặc biệt là hệ thống treo khí nén cần phải kiểm tra cẩn thận hơn.
Hệ thống phanh và các bộ phận khác
Ở 20.000km các bộ phận trong hệ thống phanh cũng cần phải kiểm tra kỹ lưỡng như vệ sinh bằng dung dịch chuyên dụng, tra mỡ vào các khớp nối để đảm bảo không bị mắc kẹt. Ngoài ra một số hạng mục khác cũng cần kiểm tra như hệ thống đèn, điện, gạt mưa, nước mát,…
Hầu hết các hạng mục này chỉ cần kiểm tra xem có hỏng hóc hay gặp sự cố hay thiếu hụt dung dịch. Việc kiểm tra tình trạng này có thể giúp người dùng phát hiểm sớm các rủi ro như chuột cắn dây điện, rò nước mát, gạt mưa bị mòn,….
Thảo Nguyễn