Chỉ còn ít ngày nữa là sẽ chính thức khép lại năm 2021, đây cũng là thời hạn cuối cùng cho các chủ sở hữu ôtô thực hiện các quy định để tránh bị xử phạt. Cụ thể trước thời điểm 31/12/2021, người dùng ôtô cần chú ý những vấn đề sau.
Sang tên xe cũ qua nhiều đời chủ không có giấy tờ
Theo khoản 3, Điều 26, Thông tư Thông tư 58/2020 của Bộ Công an quy định, xe đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều người nhưng thiếu hoặc không có giấy tờ chuyển quyền sở hữu được giải quyết đăng ký, sang tên đến hết ngày 31/12/2021.
|
Kể từ 1/1/2022, người sử dụng xe không có giấy tờ chuyển nhượng sẽ không được làm thủ tục chuyển tên trong giấy đăng ký xe. |
Điều này đồng nghĩa với việc kể từ 1/1/2022 , người dân đang sử dụng xe không có giấy tờ chuyển nhượng sẽ không được làm thủ tục chuyển tên trong giấy đăng ký xe sang tên của mình. Do đó, những người đã mua ôtô cũ, qua nhiều đời chủ nhưng không có giấy tờ chuyển nhượng mua bán cần nhanh chóng đi làm thủ tục sang tên để được giải quyết.
Về thủ tục, hồ sơ đăng ký sang tên, theo thông tư, người đang sử dụng xe cần liên hệ với cơ quan đăng ký xe nơi cư trú để: Xuất trình giấy tờ theo quy định tại Điều 9 Thông tư 58 và nộp giấy tờ gồm: Giấy khai đăng ký xe (theo mẫu số 01); Chứng từ lệ phí trước bạ theo quy định; Giấy chứng nhận thu hồi đăng ký, biển số xe (đối với trường hợp khác tỉnh và môtô khác điểm đăng ký xe).
Xe kinh doanh vận tải phải đổi sang biển số màu vàng
Theo quy định tại Thông tư 58/2020 của Bộ Công an thì những xe hoạt động kinh doanh vận tải đăng ký trước ngày 1/8/2020 phải đổi sang biển số vàng. Và thời hạn để chủ các xe kinh doanh vận tải đổi sang biển số vàng là trước ngày 31/12/2021.
|
Xe kinh doanh vận tải phải đổi sang biển số màu vàng. |
Do đó, trước ngày 31/12/2021 nếu chủ xe không thực hiện đổi sang biển số vàng thì sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật tại điểm đ, Khoản 7, Điều 30 Nghị định 100/2019. Cụ thể, mức phạt tiền từ 2-4 triệu đồng đối với cá nhân và phạt tiền từ 4-8 triệu đồng đối với tổ chức.
Xe kinh doanh vận tải phải lắp camera giám sát
Quy định tại Điều 13, Điều 14 Nghị định 10/2020 đã nêu rõ, một trong những điều kiện kinh doanh vận tải hành khách (sức chứa từ chín chỗ trở lên tính cả tài xế), vận tải hàng hóa bằng ôtô là trước ngày 1/7/2021 phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh của tài xế trong quá trình xe tham gia giao thông. Tuy nhiên, sai đó tại Nghị quyết 66 của Chính phủ đã quyết định kéo dài việc lắp camera trên ôtô kinh doanh vận tải đến hết ngày 31/12/2021.
|
Xe kinh doanh vận tải phải lắp camera giám sát. |
Theo đó, trường hợp xe sau ngày 31/12/2021 vẫn chưa lắp camera giám sát, các đơn vị đăng kiểm sẽ từ chối tiếp nhận kiểm định phương tiện. Đồng thời, khi tham gia giao thông sau thời điểm này, các xe vận tải chưa lắp camera hành trình sẽ bị lực lượng chức năng xử phạt hành chính nếu kiểm tra, phát hiện.
Xe kinh doanh vận tải hành khách phải có dây an toàn ở ghế ngồi, giường nằm
Theo Nghị định 10/2020, một trong những yêu cầu về công tác bảo đảm an toàn giao thông đối với xe ôtô tham gia kinh doanh vận tải là phải có dây an toàn tại các vị trí ghế ngồi, giường nằm (trừ xe buýt nội tỉnh) và có hướng dẫn cho hành khách về an toàn giao thông và thoát hiểm khi xảy ra sự cố trên xe.
Theo đó, kể từ sau 31/12/2021, điều khiển xe ôtô kinh doanh vận tải không có dây an toàn tại các vị trí ghế ngồi, giường nằm theo quy định (trừ xe buýt nội tỉnh sẽ bị phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng. Đồng thời, có thể tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm.
Ngoài những quy định nêu trên, 31/12/2021 cũng là hạn cuối ôtô kinh doanh vận tải được miễn phí sử dụng đường bộ. Trước đó, thông tư 47/2021/TT-BTC từng quy định giảm 30% phí sử dụng đường bộ đối với ô tô kinh doanh vận tải hành khách, gồm ôtô chở người và các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng. Giảm 10% phí sử dụng đường bộ đối với xe tải, xe ôtô chuyên dùng, xe đầu kéo.
Theo đó, bắt đầu từ ngày 1/1/2022, mức phí sử dụng đường bộ đối với ôtô kinh doanh vận tải trở lại mức cũ theo quy định tại thông tư 293/2016/TT-BTC.
Thảo Nguyễn