Với người tiêu dùng thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng, xe ôtô chạy điện nhìn chung vẫn là phương tiện di chuyển còn khá mới mẻ. Do đó, việc người dùng bỡ ngỡ và đưa ra những thắc mắc liên quan đến sử dụng ôtô điện là điều hết sức bình thường.
Một trong những thắc mắc đó chính là cứu hộ ôtô điện. Nhiều người chưa biết việc cứu hộ ôtô điện có giống với xe xăng, dầu truyền thống hay không. Để biết rõ hơn về cứu hộ ôtô điện, mời các bạn theo dõi bài viết này.
Vì sao phải cứu hộ ôtô điện?
Ôtô điện thường được trang bị những công nghệ mới nhất và thêm nhiều tính năng so với xe xăng, dầu thông thường. Tuy là phương tiện mới bắt đầu phổ biến trong vài năm trở lại đây nhưng ôtô điện thường có độ đáng tin cậy cao. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là ôtô điện "miễn nhiễm" với những trục trặc trong quá trình sử dụng.
|
Xe ôtô điện vốn có phạm vi di chuyển bị giới hạn, vì vậy chủ xe cần đến xe cứu hộ để sạc nhiên liệu cho mình hoặc chở đi nơi khác... |
Ôtô điện có thể bị hết pin, không khởi động được vì chết ắc-quy 12V, mất phanh hoặc hư hỏng bất ngờ giữa đường. Tương tự xe dùng động cơ đốt trong, ôtô điện cũng có thể bị thủng lốp. Điều này có thể khá phiền phức vì nhiều hãng xe hiện đã bỏ lốp dự phòng trên ôtô đời mới. Những lý do này khiến người dùng ôtô điện phải dùng đến dịch vụ cứu hộ.
Ngoài ra, ôtô điện vốn có phạm vi di chuyển bị giới hạn bởi dung lượng pin trong khi trạm sạc lại chưa phổ biến như cây xăng. Do đó, một số chủ xe có thể cần đến xe cứu hộ để chở chiếc ôtô điện của mình từ nơi này sang nơi khác.
Khi xe hết pin
Nếu chiếc ôtô của bạn bị hết pin giữa đường, ở nơi không gần với trạm sạc, bạn có thể liên hệ với hãng hoặc công ty cứu hộ xem họ có dịch vụ sạc pin lưu động hay không. Nếu có thì hãy sử dụng dịch vụ này thay vì thuê xe cứu hộ.
Cứu hộ ôtô điện
Bất kỳ chiếc ôtô nào, dù là xe xăng, dầu truyền thống hay ôtô điện, đều có thể bị hư hỏng nặng nếu cứu hộ sai cách. Ôtô điện vốn được trang bị mô-tơ, pin và các cảm biến nên càng dễ bị hỏng nặng trong quá trình cứu hộ.
Khác với xe xăng, dầu thông thường, ôtô điện thường không có số N. Nguyên nhân là do ôtô điện chỉ được trang bị hộp số 1 cấp. Vì thế, không nên cứu hộ bằng cách kéo ôtô điện trên đường. Thay vào đó, nên dùng xe thớt để chở những chiếc ô ô điện.
|
Các nhà sản xuất đều khuyến cáo nên dùng xe thớt để cứu hộ ôtô điện.
|
Chỉ có một vài mẫu ôtô điện như Tesla, Nissan Leaf hay Chevrolet Volt là có chế độ N. Chế độ này có tác dụng ngắt mô-tơ điện khỏi hệ truyền động. Tuy nhiên, những công ty này vẫn khuyến cáo người dùng nên chở ôtô điện bằng xe thớt khi cần cứu hộ. Ngay cả khi ở chế độ N, mô-tơ vẫn có thể tạo ra dòng điện, làm hỏng hệ thống điện tử của xe.
Ngoài ra, bạn có thể cứu hộ bằng cách kéo ôtô điện, miễn là 4 bánh xe không chạm đất. Có thể nâng 2 bánh trước hoặc 2 bánh sau lên trong khi 2 bánh còn lại đặt trên xe đẩy (dolly).
|
Nếu cứu hộ bằng cách kéo ôtô điện thì cần dùng đến xe đẩy.
|
Khi chuẩn bị cứu hộ, hãy xem sách hướng dẫn của nhà sản xuất để xác định chỗ có thể lắp móc kéo một cách an toàn mà không làm hỏng xe.
Có thể đẩy ôtô điện không?
Khi đã gần đến nơi hoặc gần chỗ an toàn để đỗ mà ôtô điện lại "chôn chân tại chỗ", một số người sẽ nghĩ đến chuyện đẩy xe. Tuy nhiên, hãy chỉ làm như vậy nếu chiếc ôtô điện của bạn có chế độ N. Ngay cả khi ôtô điện của bạn hết pin thì vẫn có thể chuyển sang chế độ N, miễn là ắc quy 12V chưa "chết". Nếu xe không có chế độ N, đừng cố gắng đẩy vì có thể làm hỏng mô-tơ của ô tô điện.
|
Tùy thuộc vào loại xe, bạn có thể đẩy ôtô điện khi xe hỏng hoặc hết pin.
|
Có thể kéo ôtô điện để sạc pin không?
Ngoài cứu hộ, một số người còn đặt ra câu hỏi về việc dùng xe khác kéo ôtô điện phía sau để sạc pin. Trên lý thuyết thì bạn không nên làm như vậy vì mô-tơ có thể bị hỏng trong quá trình kéo. Mô-tơ của ôtô điện thường nối trực tiếp với bánh mà nó truyền động. Khác với xe xăng, dầu truyền thống, khi bạn chuyển sang chế độ N, mô-tơ sẽ không ngắt khỏi bánh xe. Thay vào đó, chỉ có điện không được truyền vào mô-tơ nữa vì ôtô điện vốn không dùng loại hộp số giống với xe xăng, dầu.
Tuy nhiên, trên thực tế, đã có người thử kéo ôtô điện để sạc pin và thành công. Ví dụ như vào năm 2018, kênh YouTube Warped Perception từng dùng một chiếc Mercedes-AMG E55 để kéo Tesla Model S. Khi chiếc Mercedes-AMG E55 chạy ở vận tốc 96 km/h, chiếc Tesla Model S tạo ra công suất sạc lên đến 65 kW bằng cách sử dụng hệ thống phanh tái sinh năng lượng.
Ngoài ra, trong năm 2021, có một YouTuber khác dùng chiếc SUV hạng sang BMW X5 45e PHEV 2022 để kéo chiếc ôtô điện Tesla Model 3 bị hết pin của mình. Trước khi kéo, YouTuber này đã cài đặt hệ thống phanh tái sinh năng lượng của chiếc Tesla Model 3 lên 100% để sạc pin càng nhanh càng tốt. Sau khi được kéo trên quãng đường khoảng 5,3 km, dung lượng pin của chiếc Tesla Model 3 đã tăng từ 0% lên 9%, đủ để người lái đến trạm sạc tiếp theo.
Tất nhiên, hãng Tesla không khuyến khích khách hàng của mình làm như vậy. Tesla cho rằng việc kéo ôtô điện để sạc pin rất sáng tạo nhưng lại không thực sự khả thi. Theo hãng Tesla, khi kéo ôtô điện với tốc độ cao trên quãng đường dài để sạc pin, nguy cơ hỏng xe sẽ tăng lên. Do đó, hãng Tesla khuyến cáo người dùng nên chở ôtô điện bằng xe cứu hộ thay vì kéo.
Thảo Nguyễn