Phạt nguội là hình thức xử phạt những lỗi bị phát hiện thông qua camera, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của cơ quan chức năng hoặc thu từ thiết bị của tổ chức, cá nhân. Lực lượng chức năng sẽ trích xuất biển số xe, gửi kèm thông báo về công an địa phương, nơi phương tiện đăng ký để báo cho chủ xe biết đi nộp phạt. Sau đây là những lỗi vi phạm giao thông thường bị phạt nguội và mức xử phạt tương ứng, căn cứ theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP cũng như Nghị định 123/2021/NĐ-CP.
Những lỗi phạt nguội thường gặp và mức xử phạt
1. Lỗi chuyển làn không có tín hiệu báo trước - không xi-nhan
Đối với tô:
- Phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng (Điểm a, Khoản 2, Điều 5).
- Phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng nếu vi phạm trên đường cao tốc (Điểm g, Khoản 5), đồng thời tước quyền sử dụng GPLX từ 1 - 3 tháng.
Đối với xe máy:
- Phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng (Điểm i, Khoản 1, Điều 6).
2. Lỗi chuyển hướng không có tín hiệu báo hướng rẽ
- Phạt 800.000 - 1.000.000 đồng đối xe ô tô (Điểm c, Khoản 3, Điều 5).
- Phạt 400.000 - 600.000 đồng đối với xe máy (Điểm a, Khoản 3, Điều 6).
3. Lỗi vượt đèn đỏ, đèn vàng
- Phạt tiền từ 4.000.000 - 6.000.000 đồng đối với ôtô (Điểm đ, Khoản 34, Điều 2, Nghị định 123/2021/NĐCP sửa đổi và bổ sung mới từ Điểm a, Khoản 5, Điều 5, Nghị định 100). Đồng thời, tước quyền sử dụng GPLX từ 1 - 3 tháng hoặc từ 2 - 4 tháng nếu gây tai nạn (Điểm b, c, Khoản 11, Điều 5).
- Phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng đối với xe máy (Điểm g, Khoản 34, Điều 2 Nghị định 123, sửa đổi, bổ sung từ Điểm e, Khoản 4, Điều 6 của Nghị định 100). Bên cạnh đó, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng GPLX từ 1 - 3 tháng.
4. Lỗi đi sai làn, không đúng đúng phần đường hoặc làn đường quy định
Đối với xe ôtô:
- Phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng (Điểm đ, Khoản 5, Điều 5), tước GPLX từ 1 - 3 tháng.
- Phạt tiền từ 10.000.000 - 12.000.000 đồng nếu gây tai nạn giao thông (Điểm a, Khoản 7, Điều 5), đồng thời tước GPLX từ 2 - 4 tháng.
Đối với xe máy:
- Phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng (Điểm g, Khoản 3, Điều 6).
- Phạt tiền từ 4.000.000 - 5.000.000 đồng nếu gây tai nạn giao thông (Điểm b, Khoản 7, Điều 6) đồng thời tước quyền sử dụng GPLX 2 - 4 tháng.
5. Lỗi đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển "cấm đi ngược chiều"
Đối với xe ô tô:
- Phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng (Điểm c, Khoản 5, Điều 5), tước GPLX từ 2 - 4 tháng.
- Phạt tiền từ 10.000.000 - 12.000.000 đồng nếu gây tai nạn giao thông (Điểm a, Khoản 7, Điều 5), tước GPLX từ 2 - 4 tháng.
- Phạt tiền từ 16.000.000 - 18.000.000 đồng nếu đi ngược chiều trên đường cao tốc, lùi xe trên đường cao tốc (Điểm a, Khoản 8, Điều 5), tước quyền sử dụng GPLX từ 5 - 7 tháng.
Đối với xe máy:
- Phạt tiền từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng (Khoản 5, Điều 6), tước quyền sử dụng GPLX từ 1 - 3 tháng.
- Phạt tiền từ 4.000.000 - 5.000.000 đồng nếu gây tai nạn giao thông (Điểm b, Khoản 7, Điều 6), tước quyền sử dụng GPLX 2 - 4 tháng.
6. Đi vào đường có biển báo cấm phương tiện đang điều khiển
- Phạt tiền từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng đối với xe ô tô (Điểm b, Khoản 4, Điều 5), tước quyền sử dụng GPLX từ 1 - 3 tháng.
- Phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng đối với xe máy (Điểm i, Khoản 3, Điều 6), áp dụng hình thức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng GPLX từ 1 - 3 tháng.
7. Điều khiển xe chạy quá tốc độ
Đối với xe ô tô:
- Không bị phạt nếu chạy quá tốc độ cho phép dưới 5 km/h (Điểm a, Khoản 3, Điều 5).
- Phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng nếu chạy quá tốc độ từ 05 đến dưới 10km/h (Điểm a, Khoản 3, Điều 5).
- Phạt tiền từ 4.000.000 - 6.000.000 đồng với trường hợp điều khiển ô tô chạy quá tốc độ quy định từ 10 đến dưới 20 km/h (theo Điểm đ, Khoản 34, Điều 2, Nghị định 123, sửa đổi và bổ sung mới từ Điểm i, Khoản 5, Điều 5 của Nghị định 100), tước GPLX từ 1 - 3 tháng.
- Phạt tiền từ 6.000.000 - 8.000.000 đồng nếu chạy quá tốc độ từ 20 đến dưới 35 km/h (Điểm a, Khoản 6, Điều 5), tước GPLX từ 2 - 4 tháng.
- Phạt tiền từ 10.000.000 - 12.000.000 đồng nếu chạy quá tốc độ trên 35 km/h (Điểm c, Khoản 7, Điều 5), tước GPLX từ 2 - 4 tháng.
Đối với xe máy:
- Không phạt tiền nếu chạy quá tốc độ dưới 5 km/h.
- Phạt tiền từ 300.000 - 400.000 đồng nếu chạy quá tốc độ từ 05 đến dưới 10 km/h (Điểm k, Khoản 34, Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP, sửa đổi và bổ sung mới từ Điểm c, Khoản 2, Điều 6, Nghị định 100).
- Phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng khi vi phạm chạy quá tốc độ quy định từ 10 đến dưới 20 km/h (Điểm g, Khoản 34, Điều 2, Nghị định 123/2021/NĐ-CP, sửa đổi và bổ sung mới từ Điểm a, Khoản 4, Điều 6, Nghị định 100).
- Phạt tiền từ 4.000.000 - 5.000.000 đồng nếu chạy quá tốc độ trên 20 km/h (Điểm a, Khoản 7, Điều 6), tước GPLX từ 2 - 4 tháng.
8. Lỗi không đội mũ bảo hiểm
Phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng Theo điểm b, Khoản 4, Điều 2, Nghị định 123/2021/NĐ-CP, sửa đổi và bổ sung mới từ Điểm i, Khoản 2, Điều 6, Nghị định 100.
Không nộp phạt nguội có sao không?
Khi phát hiện vi phạm giao thông, CSGT sẽ phân tích, kiểm tra và xác định các sai phạm từ những hình ảnh thu được. Sau đó, sẽ thông báo cho người điều khiển phương tiện vi phạm.
Sau thời hạn 15 ngày kể từ ngày gửi thông báo mà chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện không đến làm việc, CSGT sẽ gửi thông báo đến công an xã, phường nơi chủ phương tiện cư trú, đồng thời phối hợp với cơ quan đăng kiểm để cảnh báo phương tiện vi phạm.
|
Nếu không nộp phạt nguội, phương tiện vi phạm giao thông sẽ chỉ được cấp đăng kiểm tạm trong vòng 15 ngày. |
Nếu quá thời gian nộp phạt mà chủ phương tiện vẫn chưa nộp phạt thì cơ quan chức năng sẽ gửi giấy báo phạt đến đơn vị đăng kiểm. Do đó, những chiếc xe chưa nộp phạt sẽ chỉ được đăng kiểm tạm với tem có thời hạn trong 15 ngày. Sau khi chủ xe đã giải quyết và nộp phạt theo đúng quy định thì phương tiện được xóa cảnh báo trên hệ thống, được đăng kiểm bình thường.
Kể từ ngày 21/5/2022, theo Thông tư 15/2022/TT-BCA sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư 65/2022 về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung, quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT, thời hạn gửi thông báo cảnh báo đăng kiểm ô tô sẽ là 20 ngày (tính theo ngày thông thường chứ không phải ngày làm việc), kéo dài 5 ngày so với trước.
Nếu sau 20 ngày kể từ ngày cơ quan Công an gửi thông báo phạt nguội mà người vi phạm không đến giải quyết thì phương tiện sẽ bị đưa vào phần mềm cảnh báo đăng kiểm của Cục đăng kiểm Việt Nam. Sau đó, xe sẽ bị từ chối đăng kiểm.
Hướng dẫn tra cứu phạt nguội
Để thuận tiện cho người dân nắm bắt được các thông tin, Chính phủ đã thiết lập hệ thống tra cứu phạt nguội online (trực tuyến). Bạn có thể truy cập vào 3 trang web sau để tra cứu phạt nguội:
- Cục Cảnh sát giao thông: https://www.csgt.vn/tra-cuu-phuong-tien-vi-pham.html
- Cục Đăng kiểm Việt Nam: http://app.vr.org.vn/ptpublic/
- Sở Giao thông vận tải TP.HCM: http://www.giaothong.hochiminhcity.gov.vn/tracuu/#home/VIPHAM
Nếu truy cập vào cổng thông tin của Cục Đăng kiểm Việt Nam và Sở Giao thông vận tải TP.HCM, chủ phương tiện cần điền thêm số tem giấy chứng nhận hiện tại.
Thảo Nguyễn