Đối với các mẫu xe ôtô đang được bán trên thị trường hiện nay, túi khí từ lâu đã là một trang bị an toàn tiêu chuẩn để đảm bảo an toàn cho người ngồi trong xe. Tuy nhiên, số lượng túi khí sẽ phụ thuộc vào phiên bản và giá thành của mỗi loại xe. Chính vì thế, mỗi khi có xe ôtô bị tai nạn, nhiều người thường quan tâm đến việc túi khí ôtô có được kích hoạt hay không.
Trong một số trường hợp, xe bị hư hỏng bên ngoài nhưng túi khí bên trong lại không nổ, gây ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng người dùng xe ôtô. Qua đó, có thể thấy rằng người dùng ô tô tại Việt Nam vẫn còn một số lầm tưởng về túi khí. Sau đây là những hiểu lầm về túi khí mà chúng ta cần phải làm rõ.
1. Túi khí và dây đai an toàn trên xe hoạt động hoàn toàn độc lập
|
Túi khí là trang bị an toàn bảo vệ người ngồi trong xe khi xảy ra va chạm và có thể hoạt động độc lập với dây đeo an toàn. |
Trước đây, nhiều người đã lầm tưởng rằng khi xảy ra tai nạn thì túi khí trên xe ôtô sẽ kích hoạt nếu người ngồi trong xe thắt dây an toàn. Tuy nhiên, các kỹ thuật viên cũng như chuyên gia từ nhiều hãng xe đã phủ nhận điều này đồng thời khẳng định túi khí và dây đai an toàn hoạt động độc lập với nhau. Ngay cả trong trường hợp người ngồi trong xe không thắt dây an toàn thì túi khí vẫn nổ khi xảy ra va chạm.
Trong các tài liệu hướng dẫn của xe không ghi cụ thể việc túi khí và dây đai an toàn hoạt động độc lập. Tuy nhiên, sách hướng dẫn đều khuyến cáo người dùng phải thắt dây đai an toàn để tối ưu khả năng bảo vệ hành khách của xe trong trường hợp túi khí nổ khi xảy ra tai nạn.
2. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự kích hoạt túi khí khi xảy ra va chạm
Có 2 yếu tố quyết định việc túi khí kích hoạt hay không khi va chạm xảy ra, Thứ nhất là lực va đập của xe (gây nên gia tốc giảm dần của xe). Thứ hai là vùng và hướng va đập (điểm cũng như hướng va chạm đầu tiên).
Trên hầu hết các mẫu xe hiện nay, túi khí sẽ được kích hoạt khi gia tốc giảm dần tối thiểu là 2 G (trong đó G là gia tốc trọng trường) hoặc lực va đập tối thiểu tương đương với trường hợp xe đạt tốc độ trên 25 km/h và va chạm trực diện vào bức tường bê tông cố định.
3. Túi khi không phải lúc nào cũng kích hoạt
Cũng theo tài liệu hướng dẫn sử dụng của các hãng xe, không phải bất cứ va chạm nào cũng kích hoạt túi khí. Theo đó, các tài liệu đã chỉ rõ những trường hợp túi khí an toàn trên xe không được kích hoạt, cụ thể như sau:
- Xe đâm vào chướng ngại vật nhưng không đủ nhanh: Trong trường hợp gia tốc giảm dần của xe không đủ hoặc không đạt tốc độ trên 25 km/h thì túi khí an toàn sẽ không kích hoạt. Nguyên nhân là bởi lúc này, khung xe hoàn toàn có thể hấp thụ lực tác động từ bên ngoài và dây đai an toàn là đủ để bảo vệ người ngồi trong xe.
- Xe đâm vào cột điện, gốc cây: Đây là những tình huống chúng ta hay gặp trong thực tế, nhưng lại là trường hợp có xác suất bung túi khí thấp. Nguyên nhân là do nếu vị trí đâm gần tâm khung chịu lực của xe thì lúc đó lực đã được hấp thụ vào khung xe nên không đủ làm túi khí kích hoạt. Tuy nhiên, nếu xe của bạn bị rơi xuống một hố sâu hoặc va chạm mạnh vào các chướng ngại vật như vỉa hè cao hay gờ giảm tốc cao, gia tốc của xe lúc này thay đổi đột ngột có thể dẫn đến việc kích hoạt túi khí.
- Xe bị đâm từ phía sau: Trong trường hợp này, quán tính không khiến thân người lao về phía trước, vì vậy túi khí không có tác dụng bảo vệ người ngồi trong xe. Lúc đó, tựa đầu ghế và dây đai an toàn là đủ để cố định, bảo vệ người ngồi trong xe nên túi khí sẽ không kích hoạt. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp bị đâm từ phía sau mà xe vẫn tiếp tục di chuyển và đâm vào vật cản phía trước như tường bê tông hoặc xe khác phía trước thì túi khí vẫn có thể được kích hoạt.
- Khi xe lộn vòng: Khi xe bị lộn vòng thì dây an toàn cố định hành khách trong xe và bộ khung xe mới là thứ bảo vệ hành khách. Trong trường hợp này, các túi khí phía trước không có tác dụng và hiếm khi bung.
Tóm lại, túi khí của xe sẽ không có tác dụng trong các trường hợp như va chạm nhẹ từ phía trước, va chạm từ phía sau, hoặc xe lăn tròn. Trừ trường hợp xe có thêm các túi khí như túi khí hông, túi khí trần thì có thể sẽ bung nếu lực va chạm vượt quá mức an toàn của xe.
4. Những trường hợp có thể kích hoạt túi khí
Ngoài các trường hợp có thể khiến túi khí không kích hoạt như trên, còn có những tai nạn nằm trong tính toán kỹ thuật của nhà sản xuất sẽ khiến túi khí nổ để bảo đảm an toàn cho người ngồi trong xe, như sau:
- Đâm vào tường cố định: Nếu xe đâm vào tường cố định ở tốc độ khoảng từ 25 km/h trở lên thì túi khí sẽ kích hoạt. Lúc này, theo quán tính, người trên xe sẽ lao về phía trước. Khi đó, dây an toàn giữ thân người ở lại và túi khí bung sẽ giúp phần trên cơ thể không lao về phía kính lái.
- Va chạm điểm nhỏ: Các túi khí cũng có thể được kích hoạt khi có các va chạm mạnh phía trước hay bên trái, bên phải với góc va chạm trong khoảng 30 độ. Túi khí không được thiết kế để bung ra trong các vụ va chạm trực diện tương đối nhẹ bởi vì dây an toàn và các thiết bị an toàn trong xe đã đảm bảo đủ an toàn cho người lái cũng như hành khách trong xe.
- Xe bị đâm ngang hông xe với lực vượt quá ngưỡng an toàn: Trong trường hợp xe có trang bị túi khí rèm và gặp va chạm ngang hông xe với lực vượt ngưỡng an toàn do từng hãng xe quy định, túi khí rèm sẽ được kích hoạt. Trong trường hợp xe bị đâm ngang mà túi khí hông không nổ thì có thể do khung xe đã được tính toán đủ để hấp thụ lực nên cũng làm túi khí không nổ.
|
Những trường hợp va chạm ngẫu nhiên cũng có thể khiến túi khí bị kích hoạt.
|
5. Những lưu ý về túi khí với hành khách trên xe
Ngay cả trong trường hợp túi khí nổ khi xảy ra tai nạn thì cũng phải biết rằng, túi khí chỉ là trang bị hỗ trợ giảm thiểu chấn thương cho người ngồi trên xe và không phải biện pháp an toàn 100%. Chính vì thế, mọi người nên lưu ý những điều sau đây để đảm bảo an toàn tối đa cho bản thân cũng như khả năng bảo vệ tối ưu nhất của túi khí trên xe.
|
Hãy để túi khí luôn hoạt động một cách tối ưu nhất. |
- Luôn luôn thắt dây an toàn đầy đủ và đúng cách. Túi khí hỗ trợ cùng dây an toàn sẽ giúp người ngồi trong xe giảm chấn thương vùng đầu và ngực một cách tối ưu nhất.
- Không gác chân, gối đầu lên những điểm có ký hiệu đánh dấu vị trí túi khí bởi khi túi khí nổ sẽ tạo ra áp lực tương đương tốc độ hơn 200 km/h nên có thể gây chấn thương cho người ngồi trong xe. Hãy nhớ luôn ngồi đúng tư thế và giữ khoảng cách an toàn với các vị trí túi khí.
- Không trang trí những đồ vật như lọ nước hoa, tượng phật, ốp đá logo... ở những vị trí có túi khí bởi khi túi khí nổ có thể khiến những đồ trang trí này trở thành vật gây sát thương cho người ngồi trong xe.
- Nếu trên xe có trở thêm trẻ nhỏ thì hãy để các bé ngồi ở hàng ghế sau để tránh tổn thương do túi khí nổ. Bên cạnh đó, hãy sử dụng ghế an toàn cho trẻ em để đảm bảo an toàn tối đa.
Chúc các bạn lái xe an toàn!
Thảo Nguyễn