Những “chiến binh” sedan Liên Xô ngang tàng trên đất Mỹ

Google News

Tại bãi đỗ xe của quán café Starbucks ở Edgewater, New Jersey của Hoa Kỳ, một chiếc xe sedan to lớn chạy vòng vòng rồi dừng lại.

Nhung
Chiếc xe ZiL 1985 thuộc dòng xe mang mã hiệu 41045 rất hiếm hoi được Vinnie Baksh nhập vào Mỹ hồi 2014 (Hình do Vinnie Baksh cung cấp) 
Chiếc xe đen sẫm như áo giáp của nhân vật Darth Vader trong phim Star Wars, trông rõ là một chiếc hòm được chế tạo ở nơi Tổng thống Mỹ Ronald Reagan từng gọi là "đế chế ác quỷ". Bầu trời xám xịt, gió giật từng cơn và tuyết bay lất phất, tuy chẳng giống gì một ngày giữa tháng Tư nhưng lại rất hợp để gợi nhớ không khí băng giá của thời Chiến tranh Lạnh.

Nói là choáng thì cũng không phải là quá lời, bởi tôi thế là đã được ngồi trong một chiếc xe ZiL.
ZiL: Xe dành riêng cho lãnh đạo tối cao
Được đặt tên theo kỹ sư ô tô đầu ngành Ivan Likhachev của Liên Xô, Zavod Iniemi Likhachev (hay "Zavod imeni Likhachova") là nhà máy chuyên chế tạo xe tải, xe buýt và cho đến tận 2002 vẫn xuất xưởng các xe hòm cỡ lớn, bề thế vốn dành riêng cho giới quan chức cao cấp nhất Liên Xô.
Vinnie Baksht, chủ chiếc ZiL ở bãi xe này nói rằng hầu hết các xe ZiL đều bị phá dỡ rồi tiêu hủy dưới sự giám sát của cơ quan an ninh Liên Xô (KGB) khi không còn phục vụ các quan chức nữa.
Nhung
Xe ZiL vốn chỉ dành phục vụ nguyên thủ quốc gia hoặc vị tướng cao cấp nhất (Hình do Vinnie Baksht cung cấp) 
Chiếc xe của Baksht là đời 1985, được sản xuất trong thời cải tổ ở Liên Xô, và là chiếc cuối cùng trong tổng số 65 chiếc cùng loại. Loạt xe này được biết đến với mã hiệu 41045. Đây cũng là một trong số hiếm hoi vài chiếc được đưa sang các nước phương Tây.
Baksht cho biết chiếc xe của ông được đem vào Mỹ trước khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, là xe dự phòng phục vụ đoàn xe hộ tống Tổng bí thư Liên Xô Mikhail Gorbachev trong hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Ronald Reagan hồi 1987.
"Mọi người sẽ cảm thấy ‘ngợp’ khi nhìn thấy một chiếc xe ZiL," Baksht, vốn từ Moscow di cư sang Mỹ hồi 1989 nói.
Trông như một khối đá di động, chiếc xe dài 6,3 mét, có các cánh cửa bọc thép, nặng bốn tấn, nhưng động cơ xăng 7.7 V8, mạnh 315 mã lực khiến nó lướt đi một cách nhẹ nhàng kể cả những lúc phố đông.
Nhung
Trung tâm điều khiển ZiL 41045 (Hình do Vinnie Baksht cung cấp) 
Baksht nói các hệ thống đánh lửa, phanh và nhiên liệu đều là hệ thống kép, đảm bảo chiếc xe chạy an toàn, phục vụ các công tác đặc biệt của mình.
Tôi hỏi Baksht xem nhờ có mối quan hệ quen biết thế nào mà ông lại xoay được cái xe tại Mỹ, để rồi sau đó cứ đi từ hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác về sự kỳ công của quá trình gắn biển số vùng New Jersey lên một chiếc xe hòm Liên Xô.
Chiếc xe được trình làng trong lễ hội xe cổ Greenwich Concours d'Elegance diễn ra hồi mùa xuân vừa rồi tại Connecticut. Ở lễ hội nổi tiếng này, một số xe từ thời Liên Xô đã được trưng bày, đem lại niềm tự hào cho Baksht và cộng đồng các nhà sưu tập ở Mỹ, châu Âu và Nga, những người kết nối với nhau thông qua các blog và các diễn đàn.
Volga: Xe của quan chức cao cấp
Dmitri Shvetsov, hiện sống ở quận Brooklyn của thành phố New York, đã mang đến Greenwich hai chiếc Volga GAZ-21. Viên kỹ sư ô tô 45 tuổi này hồi 25 năm trước đã rời bỏ Chernogolovka, một trung tâm khoa học cách Moscow chừng 45km.
Nhung
Dmitri Shvetsov nhập chiếc xe Gaz21 Volga đời 1957 đã được phục chế này vào Mỹ sau khi chiếc xe đời 1962 của ông bị hỏng trong một trận lụt (Hình: Dmitri Shvetsov) 
Hồi 2010, ông tìm mua một chiếc xe cổ trên Internet, và ban đầu không hề định kiếm xe Liên Xô. Không dè lại nhìn thấy một chiếc Volga ’62 màu đen được rao bán ở miền nam California, ông tình cờ ghé thăm trang của tay chủ chiếc Volga này, một gương mặt nổi tiếng trên truyền hình và cũng là một tay sưu tầm xe có hạng, Jay Leno.
“Thế là từ đó tôi bắt đầu đam mê dòng xe Nga tại Mỹ!" Shvetsov nói. Khi trận lụt của siêu bão Sandy nhấn chìm chiếc Volga đó, hồi tháng Mười năm 2012, ông nhập từ Nga một chiếc đời 1957 đã qua phục chế toàn diện, tức năm đầu tiên dòng xe này xuất xưởng.
GAZ-21 là một mẫu xe khác của Volga, trông từa tựa như những chiếc xe Sedan ở Mỹ thời đầu thập niên 1950. Nó được sản xuất với một vài thay đổi cho tới năm 1969 và thường chỉ dành cho giới chức sắc trong bộ máy nhà nước Liên Xô. Xe có động cơ 2.4 bốn xy lanh, mạnh 70 mã lực và hộp số sàn ba cấp.
Những người tới xem đều thắc mắc là cảm giác sẽ ra sao khi ngồi lái chiếc xe này. "Tôi bảo họ, ‘À, thì giống lái một chiếc xe Nga 60 năm tuổi,’" ông vừa nói vừa cười.
Lada: Sản phẩm bình dân
Nhung
Tại lễ hội Greenwich năm ngoái, Roman Grudinin 19 tuổi thắng giải hạng mục xe dân dụng với chiếc xe Lada VAZ của Liên Xô (Hình: Erika Grudinin) 
Tại lễ hội Greenwich năm ngoái, Roman Grudinin 19 tuổi thắng giải hạng mục xe dân dụng với chiếc xe Lada VAZ của Liên Xô.
Hồi 17 tuổi, anh chàng sống tại New City, New York đã mua và phục chế chiếc Lada đời 1982 tại Ukraine. Một số người nhầm nó với chiếc Fiat 124 vì nó dựa trên nguyên mẫu này. Thực ra, Fiat chỉ xây dựng nhà xưởng và lắp đặt trang thiết bị cho nhà máy sản xuất Lada (ở Liên Xô), còn bản thân chiếc xe đã trải qua nhiều biến thể trong suốt thời gian từ 1972 đến 2012.
Grudinin giải thích rằng VAZ đã có hàng trăm thay đổi dựa trên thiết kế cơ bản của chiếc Fiat 1966, bao gồm cả việc thay đổi động cơ, để phù hợp với điều kiện thời tiết và đường xá khắc nghiệt ở Liên xô.
"Thật ra, cái duy nhất giống nhau là phần thân vỏ." Grudinin nói. “Còn lại thì phụ tùng Ý không thể lắp vào xe này được."
Nhung
Grudinin phục chế chiếc Lada 1982 hồi mới chỉ 17 tuổi và vẫn còn sống tại Ukraine (Hình do Roman Grudinin cung cấp) 
Lada là nhãn hiệu dùng cho các xe xuất khẩu, còn ở Nga, nó được mang nhãn Zhiguli, lấy tên theo một dãy núi ở gần nhà máy.
Với hơn 20 triệu chiếc được bán ra, xe Lada dựa trên thiết kế gốc của Fiat là chiếc xe được sản xuất nhiều thứ hai trên thế giới, chỉ sau xe Beetle của Volkswagen. Hơn một nửa sản lượng được xuất khẩu.
Khách hàng châu Âu và Canada từng bị thu hút vì giá quá rẻ, nhưng rồi thất vọng tràn trề vì chất lượng tồi tệ. Tuy vậy, Lada lại chiếm lĩnh thị trường quê nhà do người dùng có thể dễ dàng tự sửa chữa.
Chiếc xe Lada 2103 của Grudinin là một phiên bản "cao cấp" có bốn đèn pha trên lưới tản nhiệt và được trang trí nội thất sang hơn. Với mức giá 8.600 rúp, đời xe này nằm ngoài tầm với của hầu hết người dân, vốn chỉ đạt mức lương trung bình hàng tháng có 100 rúp.
Chàng trai trẻ cho biết người chủ đầu tiên của chiếc xe chỉ phải trả có một rúp, do trúng thưởng trong một kỳ xổ số của nhà nước.
Nhung
Tuy Lada thuộc dòng bình dân, nhưng chiếc Lada 2103 của Roman Grudinin lại là phiên bản "sang trọng" với nội thất cao cấp (Hình: Roman Grudinin) 
Câu lạc bộ xe Lada
Grudinin đã gây dựng mối quan hệ với mạng lưới các nhà sưu tập Lada ở Nga và Đông Âu. Một người bạn của anh là Norbert Meleg từ Dunaszeg, Hungary có đến 13 chiếc loại này trong khi chỉ có một chiếc xe phương Tây duy nhất là chiếc coupe BMW 850i.
"Giấc mơ thời thơ ấu của tôi là có một chiếc Lada 2103," Meleg, 42 tuổi nói. "Lúc đó, chờ đợi hàng năm để có một chiếc ô tô, điện thoại, căn hộ, hoặc cái gì đó thiết thực với đời thường hơn như tủ lạnh, là một phần của cuộc sống hàng ngày tại 'thiên đường của người lao động’."
Meleg bắt đầu sưu tập xe Lada từ cách đây bốn năm và đã đưa đi phục chế nhiều chiếc. Cùng với bạn bè, ông lập nên câu lạc bộ xe cổ Zhiguli Club ở Hungary, nơi hội tụ chừng 65 ngàn chiếc Lada được đăng ký hoạt động tại quốc gia cựu Cộng sản này.
Tại Moscow, Alex Adoratsky, một nhà quay phim kiêm nhiếp ảnh gia chuyên sưu tầm các xe Lada nguyên bản và chạy ít. Ông đã có được năm chiếc Lada và hai chiếc Volga, trong đó có một chiếc đời 1969 mà ông mua chỉ với giá 200 đô la nhưng đã phải bỏ ra cả năm trời để phục chế.
Nhung
Norbert Meleg người Hungary nay sở hữu tới 13 chiếc xe Lada, trong đó có chiếc 2103 này (Hình: Norbert Meleg) 
"Cha tôi có một chiếc xe loại này hồi tôi bé,” ông nói.
Chiếc Lada đầu tiên của Adoratsky là một chiếc màu cam đời 1984 và chỉ mới chạy 2.200km theo công-tơ-met trong xe. Ông mua nó từ cha một người bạn và cho thuê để làm phim. Chiếc xe từng xuất hiện trong phim Archangel, một bộ phim năm 2005 do Daniel Craig đóng.
Ngoài lễ hội xe cổ, người Mỹ chẳng mấy ai nhìn thấy Lada hay bất kỳ xe hơi Nga hoặc xe Liên Xô nào ngoài đường, điều mà Simon Ross muốn thay đổi.
Ông ra đi ngay sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ và sau đó định cư tại Sammamish thuộc bang Washington, cách thành phố Seattle 32km về phía đông.
Lấy cảm hứng từ Bảo tàng Xe hơi Mỹ LeMay gần Tacoma, Ross hy vọng sẽ bắt đầu mở bảo tàng cho xe Liên Xô.
Ông đã có khởi đầu suôn sẻ với 20 mẫu xe, trong đó có hai xe quân sự, và đang chờ chuyển đến thêm 10 mẫu nữa. Cách đây bốn năm, ông bắt đầu nhập các xe này từ Ukraine, vùng Baltic và Bulgaria, trong đó có một số chiếc mới chạy có 2.000 km.
Nhung
Simon Ross muốn mở bảo tàng xe hơi Liên Xô, và đã khởi đầu suôn sẻ với 20 mẫu xe, trong đó có chiếc Volga 21 này (Hình do Simon Ross cung cấp) 
"Dân ở đó đã chuyển sang chạy xe nhập từ phương Tây trước dân Nga, vì vậy xe Liên Xô của họ bị bỏ xó trong garage,” Ross, hiện là chủ một công ty thủy sản, nói.
Ngoài một số xe Lada, bộ sưu tập của Ross còn có hai chiếc Volga GAZ-21, một chiếc Volga GAZ-24 đời mới hơn, một xe Moskvitch và một chiếc ZIM1951, là loại xe sedan lớn kiểu giống xe Cadillac thời thập niên 1940. Chủ đầu tiên của chiếc xe là đại sứ Liên Xô tại Trung Quốc, Ross nói.
Trong các xe yêu thích của ông có chiếc ZAZ, một chiếc xe nhỏ với một động cơ V4 làm mát bằng không khí, đặt phía sau.
Đặc biệt là ông còn giữ một bức ảnh của mình lúc sáu tuổi ngồi sau vô lăng trong một chiếc xe gần như giống hệt; gần đây, ông đã chụp bức ảnh cậu con trai sáu tuổi trong tư thế y như ông ngày trước.
Những chiếc xe này giờ đây dường như đang được đảm bảo có một cuộc đời mới sôi động hơn, chẳng như những thử nghiệm xã hội lớn lao ở nơi đã sản xuất ra chúng!

Theo Jim Kocsc/BBC