Loạt ôtô lắp ráp tại Việt Nam tăng giá theo xe nhập khẩu

Google News

(Kiến Thức) - Đầu năm 2018, khi ôtô nhập khẩu vắng bóng trên thị trường, các hãng xe trong nước đã nhanh chóng đưa ra ưu đãi, giảm giá để kéo khách. Nhưng gần đây, khi xe nhập khẩu về nhiều hơn, nhiều mẫu ôtô lắp ráp cũng bất ngờ tăng giá.

Cụ thể, từ tháng 4/2018, Thaco thực hiện điều chỉnh giá bán đối với mẫu xe ôtô lắp ráp tại Việt Nam - cụ thể mẫu xe gía rẻ Mazda 2, tăng thêm 30 triệu đồng cả 2 phiên bản, khiến giá xe hiện tại từ 529 – 569 triệu đồng. Không chỉ Mazda 2, một mẫu xe khác cùng phân khúc B là Nissan Sunny cũng tăng giá từ 10 – 11 triệu đồng tùy từng phiên bản (giá xe hiện nay ở mức từ 438 triệu đồng đối với phiên bản XL sử dụng hộp số sàn và 479 triệu đồng cho phiên bản XV sử dụng hộp số tự động).
Bên cạnh đó, trong tháng 5/2018, mẫu crossover bán chạy của Mitsubishi là Outlander lắp ráp CKD cũng tăng giá bán thêm 15 triệu đồng, nâng giá bán mới từ 808 triệu đồng lên thành 823 triệu đồng.
 Hyundai Grand i10 bán chạy của Hyundai Thành Công (HTC) cũng bất ngờ tăng giá bán thêm 7 triệu đồng.
Điều này cũng xảy ra với đối thủ của Outlander là X-Trail, khi mẫu xe này trong tháng 5 cũng tăng giá từ 2 – 26 triệu đồng tùy từng phiên bản (giá bán mẫu xe này hiện từ 878 triệu đồng đến 1,013 tỷ đồng).
Mới đây nhất, Hyundai Grand i10 lắp ráp của Hyundai Thành Công (HTC) cũng bất ngờ tăng giá bán thêm 7 triệu đồng đối với phiên bản hatchback 1.2 AT, nâng giá bán mẫu xe này từ 405 triệu đồng lên thành 412 triệu đồng. Tuy nhiên, việc tăng giá đối với phiên bản này do HTC trang bị thêm hệ thống cân bằng điện tử.
Từ đầu năm đến nay, doanh số bán ra của các mẫu xe lắp ráp đang áp đảo xe nhập khẩu (do nguồn cung xe nhập không đáp ứng đủ thị trường bởi các nghị định, chính sách). Cụ thể, theo thống kê từ VAMA, đến hết tháng 4, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước đạt 67.959 chiếc, tăng 8% trong khi xe nhập khẩu chỉ đạt 12.722, giảm 47% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong bối cảnh xe nhập khẩu khan hiếm, nhiều thương hiệu xe ôtô tại Việt Nam như Hyundai, Mazda hay Mitsubishi... đang dần chuyển đổi hình thức nhập khẩu sang xe lắp ráp trong nước. Chính vì vậy, theo nhiều chuyên gia thì việc xe trong nước khi được trang bị ngang hoặc thậm chí hơn xe nhập thì việc bị điều chỉnh theo từng bản cũng là điều tất yếu.
Thảo Nguyễn