Bằng lái xe hạng B1 hay còn gọi là bằng lái xe số tự động cấp cho người không hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe ôtô, phổ biến nhất là ô tô dưới 9 chỗ ngồi trở xuống. Nhiều độc giả gửi câu hỏi, hiện đang có GPLX hạng B1, muốn nâng hạng thẳng lên hạng C để lái xe kinh doanh có được hay không?
Trao đổi với PV, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ quản lý phương tiện và người lái, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, nếu tài xế đang sử dụng GPLX hạng B1 muốn nâng lên hạng C thì theo Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ, trước tiên đúng quy trình phải nâng từ hạng B1 lên hạng B2 rồi sau đó mới đủ điều kiện để nâng lên hạng C.
|
Người có GPLX hạng B1 có thể học và sát hạch thẳng bằng C. |
Thông tư 12 quy định, nâng hạng từ bằng B1 lên B2 cần phải có thời gian lái xe từ 1 năm trở lên và 12.000 km lái xe an toàn trở lên. Tương tự, từ bằng B2 lên hạng C cũng phải có thời gian lái xe từ 1 năm trở lên và 12.000 km lái xe an toàn trở lên.
Người nâng hạng GPLX cũng phải thực hiện việc học và sát hạch theo quy định tại Thông tư 12. Trong đó, để nâng hạng bằng từ B1 (số tự động ) lên B1 (cả số sàn lẫn số tự động và không kinh doanh) phải đáp ứng đủ có 120 giờ thực hành. Từ hạng B1 lên B2 phải có 94 giờ (lý thuyết: 44, thực hành lái xe: 50) và từ B2 lên C là 192 giờ (lý thuyết: 48, thực hành lái xe: 144).
Tuy nhiên, độc giả cũng thắc mắc GPLX hạng C nếu đáp ứng đủ điều kiện về độ tuổi, sức khỏe có thể đăng ký học và thi sát hạch thì có thể không cần nâng hạng bằng mà coi như chưa có GPLX, đi học bằng C luôn được không? Ông Thống cũng cho hay, do hiện nay chưa có luật nào cấm việc người có GPLX hạng B1 không cần phải nâng hạng bằng mà trực tiếp đi học và thi sát hạch luôn bằng C nên những trường hợp đã có GPLX hạng B1 vẫn hoàn toàn có thể không cần nâng hạng bằng từ B1 lên B2, rồi B2 mới lên C. Người đã có GPLX hạng B1 có thể đăng ký học và thi sát hạch thẳng bằng hạng C.
Thảo Nguyễn