Những lô hàng phụ tùng xe máy giả nhập lậu vào Việt Nam bị phát hiện gần đây khiến người tiêu dùng lo lắng. Theo các chuyên gia, việc dùng các loại phụ tùng giả này có nguy cơ gây ung thư cho người sử dụng cũng như người tham gia giao thông.
Phụ tùng giả đe dọa tính mạng
Lực lượng Quản lý thị trường và Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Yên Bái vừa phối hợp với Công ty Honda Việt Nam kiểm tra, bắt quả tang hai cửa hàng kinh doanh phụ tùng xe máy là cửa hàng phụ tùng xe máy Quang Hà và Tường Huân (TP Yên Bái) “ém” trên 1.000 phụ tùng giả. Lực lượng chức năng đã kiểm tra và thu giữ tại cửa hàng Quang Hà 557 phụ tùng giả thương hiệu Honda và nhiều bộ má phanh, tay phanh, mặt nạ ốp, bộ khóa điện giả (trong đó bộ má phanh cơ chiếm số lượng lớn nhất là 106 bộ) tại cửa hàng Tường Huân.
Phụ tùng bị làm giả với rất nhiều chủng loại như nhông xích xe máy, gương chiếu hậu, nan hoa, quả xi nhan, tem mặt nạ, má phanh cơ, đĩa, bộ khóa điện, cuộn nổ, tay phanh, bộ lọc gió... Do việc sản xuất hàng giả, hàng nhái chủ yếu bằng công nghệ thủ công và chất liệu không đạt chuẩn, nhiều loại pha trộn hợp chất kém chất lượng nên tuổi thọ các sản phẩm này đều kém xa hàng thật, nhanh hỏng và không an toàn.
Theo TS Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên giảng viên Khoa Cơ khí, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, phụ tùng xe máy giả được sản xuất lậu nên không tuân thủ các nguyên tắc kỹ thuật về an toàn, ngoài tuổi thọ kém, các loại phụ tùng này còn tiềm ẩn nguy cơ đe dọa tính mạng của người sử dụng. Nguy hiểm nhất là má phanh giả, do chỉ sử dụng nguyên liệu amiăng, là loại nguyên liệu đã được Tổ chức Y tế Thế giới chứng minh là gây ung thư phổi. Điều này có thể gây hại cho không chỉ bản thân người thường xuyên sử dụng xe mà còn gây hại cho cộng đồng.
|
Ảnh minh họa. |
Mẹo khi đi sửa xe
Cũng theo TS Nguyễn Mạnh Hùng, rất khó phân biệt phụ tùng thật và giả, chỉ bằng các biện pháp nghiệp vụ thì mới có thể phát hiện ra được. Trong khi đó, đa phần người đi sửa xe lại thường phó mặc cho cửa hàng sửa chữa, việc họ sử dụng phụ tùng nào, linh kiện nào thay thế là không thể kiểm soát. Điều này trở nên báo động hơn khi gần đây, những thủ đoạn phá xe kiếm tiền, đánh tráo linh kiện giả của xe máy được các phương tiện truyền thông đăng tải.
TS Nguyễn Mạnh Hùng phân tích, phụ tùng xe máy giả có khả năng gây độc hại được nhắc đến là má phanh ô tô, xe máy. Để sử dụng các sản phẩm như quần áo chịu nhiệt chống cháy, các thiết bị chịu ma sát như má phanh, người ta phải sử dụng đến amiăng. Với nhà sản xuất có uy tín, lượng amiăng ở má phanh được điều tiết cùng với các nguyên vật liệu khác làm sao để đảm bảo đúng chỉ số an toàn khi sử dụng. Còn với các loại má phanh giả, người sản xuất sẽ không quan tâm đến điều này nên khi sử dụng, mỗi lần bóp phanh, do tác động của lực ma sát, lượng amiăng được giải phóng đi vào không khí, bụi đường là không nhỏ. Đặc biệt, với những gia đình để xe máy ở trong nhà, khả năng nhiễm độc amiăng từ các loại má phanh này là rất cao.
Để đảm bảo tính mạng, sự an toàn của mình, theo các chuyên gia, người sử dụng xe máy khi có nhu cầu sửa xe hãy đến các đại lý bảo hành sửa chữa chính hãng. Nếu không có điều kiện thì nên chọn những cửa hàng uy tín, có đảm bảo để tránh bị lừa, bị “luộc đồ”, vừa mất tiền sửa chữa, vừa rước họa vào người nếu không may xảy ra sự cố an toàn nào đó. Trường hợp xe đã bị tráo đồ, tốt nhất là bạn nên đem xe đến các trung tâm sửa chữa, bảo trì uy tín hoặc cửa hàng chính hãng. Khi đem xe đi sửa, nên chú ý đến các thao tác của người thợ sửa xe và yêu cầu cho kiểm tra hàng trước khi thay thế cùng với phiếu bảo hành để có cơ sở khiếu kiện khi có vấn đề.
Theo các chuyên gia, khi đi sửa xe, nên đánh dấu các phụ tùng có khả năng bị thay thế bằng những kí hiệu riêng để theo dõi. Nếu chưa đánh dấu được, bạn nên kiểm tra kỹ các phụ tùng đó trước khi thanh toán và lấy xe ra khỏi cửa hàng. Trong trường hợp phát hiện xe đã bị thay đồ, bạn nên báo cho cơ quan Công an có thẩm quyền tại khu vực đó để được giúp đỡ và cảnh báo cho những người khác.
Bảo Khánh