Hàng loạt doanh nghiệp kiến nghị xin giảm thuế ôtô

Google News

(Kiến Thức) - Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô đã kiến nghị các biện pháp ưu đãi với sản xuất trong nước để cạnh tranh với xe nhập khẩu.

Tại buổi tọa đàm “Đối thoại chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam” vừa diễn ra ở Hà Nội, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô đã kiến nghị các biện pháp ưu đãi với sản xuất trong nước để cạnh tranh với xe nhập khẩu khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc giảm về 0% vào năm 2018.
Theo ông Trần Bá Dương, Chủ tịch công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco), thị trường ô tô Việt Nam thời gian qua là thị trường CKD (lắp ráp trong nước), doanh nghiệp nào làm tốt CKD và có hệ thống phân phối tốt thì đang chiếm lĩnh thị trường.
Hang loat doanh nghiep kien nghi xin giam thue oto
 các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô đã kiến nghị các biện pháp ưu đãi với sản xuất trong nước.
Trong trường hợp Thaco, công ty mới tham gia vào ngành công nghiệp ô tô từ năm 2004 tới nay với chiến lược bắt đầu bằng sản xuất xe tải, xe buýt tới xe con, làm từ thấp tới cao, xe con từ Kia của Hàn Quốc đến Mazda của Nhật Bản và mới đây là Peugeot của Pháp. Cho tới nay, 90% xe ô tô do Thaco phân phối là xe CKD, trong đó xe tải chiếm hơn 40% thị phần, xe bus khoảng 60% thị phần và đặc biệt xe con mới tham gia từ năm 2008 tới nay nhưng đã đạt trên 30% thị phần trong nước.
Ông Dương cho biết, theo tính toán của Thaco, khi thuế nhập khẩu về 0% năm 2018, giá xe nhập khẩu sẽ giảm, Thaco phải giảm khoảng 15-20% chi phí từ sản xuất, phân phối so với hiện nay mới có thể tồn tại. Ông Dương kiến nghị, để duy trì và phát triển sản xuất lắp ráp ô tô trong nước, cần giảm thuế nhập khẩu linh kiện và thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB).
Cụ thể, theo ông Dương, việc tính thuế TTĐB theo giá CIF cho xe nhập khẩu và giá xuất xưởng cho xe lắp ráp hiện nay vẫn còn lỗ hổng, khi giá xe xuất xưởng đã bao gồm các chi phí liên quan đến sản xuất lắp ráp, lợi nhuận của nhà sản xuất, còn xe nhập là giá CIF, chưa có phí marketing, lợi nhuận của nhà nhập khẩu…Vì thế, ông Dương đề xuất tính thuế TTĐB theo giá bán buôn của nhà nhập khẩu để hạn chế gian lận thương mại.
Hang loat doanh nghiep kien nghi xin giam thue oto-Hinh-2
 Toyota tiếp tục khẳng định các thành viên VAMA muốn duy trì sản xuất tại Việt Nam.
Đồng tình với kiến nghị của ông Dương, ông Hồ Mạnh Tuấn, Phó tổng giám đốc thứ nhất Công ty Honda Việt Nam, cho biết đến 2018 thuế nhập khẩu nguyên chiếc và linh kiện ô tô từ ASEAN về 0% nhưng theo chiến lược, chúng ta ưu tiên phát triển những dòng xe nhỏ tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường. 
Tuy nhiên để phát triển những dòng xe này, các doanh nghiệp phải nhập khẩu linh kiện ở nhiều khu vực ngoài ASEAN (hiện nay lên tới 30%) nên để có thể cạnh tranh với xe nhập khẩu, ông Tuấn đề nghị giảm thuế nhập khẩu linh kiện để sản xuất loại xe này.
Còn theo ông Maruta, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Tổng giám đốc Toyota Việt Nam, nhấn mạnh những chính sách ưu đãi với công nghiệp ô tô là rất quan trọng để thị trường có thể đạt quy mô như mong muốn, đặc biệt khi các doanh nghiệp gặp khó khăn do thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN về 0% vào năm 2018. Ông Maruta tiếp tục khẳng định các thành viên VAMA muốn duy trì sản xuất tại Việt Nam.
Tuấn Nguyễn