Dư luận trái chiều về phân hạng 17 loại bằng lái xe

Google News

Có ý kiến cho rằng, việc phân thành 17 hạng GPLX là phù hợp với quốc tế, thuận tiện cho người dân, người lại cho rằng, phân nhiều như vậy gây rối rắm. 

Theo Dự thảo Luật Giao thông đường bộ 2008 sửa đổi, Bộ GTVT đề nghị quy định có 17 hạng Giấy phép lái xe (GPLX) thay vì chỉ 12 hạng như hiện nay. Trong đó, sẽ có thêm bằng lái xe hạng A0 dành cho các đối tượng đi xe gắn máy như xe đạp điện, xe máy điện, xe máy có động cơ dưới 50cc.
Việc chia thành nhiều hạng GPLX đang khá gây tranh cãi trong dư luận cũng như giới chuyên gia, trong đó, phần đa ý kiến nhân dân đều cho rằng, việc chia nhỏ cũng như thay đổi hạng GPLX theo Dự thảo Luật GTĐB mà Bộ GTVT đang chủ trì soạn thảo gây rối rắm, phiền hà cho người dân.
Du luan trai chieu ve phan hang 17 loai bang lai xe
Có ý kiến cho rằng, việc phân thành 17 hạng GPLX là phù hợp với quốc tế, thuận tiện cho người dân, người lại cho rằng, phân nhiều như vậy gây rối rắm.  
Theo quy định hiện hành có tất cả 12 hạng GPLX, bao gồm: A1, A2, A3, A4, B1 (B1 số tự động và B1), B2, C, D, E, FB2, FD, FE. Còn tại Dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi), Bộ GTVT đề xuất chia GPLX thành 17 hạng khác nhau gồm: A0, A1, A, B1, B2, B, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E và DE theo đúng với hệ thống GPLX của các nước tham gia Công ước Viên.
Chuyên gia Nguyễn Văn Thanh nói ông là người trong ngành nhưng thấy "rối mù" khi đọc các hạng bằng lái xe mới theo dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi). Như vậy, người dân sẽ càng thấy phức tạp, cơ quan chức năng cũng quản lý khó khăn hơn trước.
Theo ông Thanh, sau khi thay đổi loại bằng lái, người dân có thể phải đổi bằng gây lãng phí vì đến lúc nào đó Nhà nước cần có sự quản lý thống nhất. Ngoài ra, tâm lý người dân muốn đổi bằng mới hơn là sử dụng bằng cũ, nên sẽ phải bỏ thời gian và chi phí đi đổi. 
 Ông Thanh cũng cho biết, không đồng tình với việc cấp bằng lái A0 cho xe dưới 50cc và xe điện, vì quy định này bắt buộc học sinh phải học và thi lấy bằng lái xe, sẽ gây phiền hà và tốn kém cho nhiều gia đình, có thể nảy sinh tiêu cực. Thay vào đó, cần đưa các nội dung giáo dục an toàn giao thông vào chương trình học để nâng cao kiến thức cho học sinh.
Tuy nhiên, ở góc độ khác, ông Nguyễn văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam cho hay, thực chất việc chia thành 17 hạng GLPX theo Dự thảo thì chỉ tăng ở hạng GPLX A9 cho người điều khiển môtô dưới 50cc và xe điện, đồng thời tăng ở hạng bằng lái xe kéo theo sơmi rơmooc, còn các hạng GLPX khác chỉ là đổi sang ngang, không phát sinh thêm thủ tục hay gì.
“Sự chuyển đổi này căn cứ theo yêu cầu khi Việt Nam trình hồ sơ tham gia Công ước Viên về GPLX (năm 2014), trong đó Việt Nam có cam kết khi sửa đổi Luật GTĐB sẽ phải sửa đổi lại hệ thống GPLX cho phù hợp với Công ước Viên”- ông Quyền cho hay.
Cũng theo ông Quyền, một cái thuận tiện khi đổi sang hệ thống GLPX mới là người Việt Nam ra nước ngoài sử dụng GPLX phù hợp với Công ước Viên sẽ được dùng luôn bằng lái xe này ở nước ngoài (có tham gia Công ước Viên) và ngược lại mà không phải đổi sang GPLX quốc tế như hiện nay. Rất thuận tiện cho người dân và cơ quan quản lý.
Hơn nữa, ông Quyền cho rằng, phân hạng GPLX mới này cũng hoàn toàn phù hợp với Thông tư 29/2015 của Bộ GTVT về cấp GPLX quốc tế, rất phù hợp với quy chuẩn không tế, không có xáo trộn gì nhiều.
Còn theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện Dự thảo Luật GTĐB sửa đổi vẫn đang trong quá trình xây dựng, đóng góp lấy ý kiến. Tổng cục Đường bộ sẽ tiếp thu các ý kiến và có chỉnh sửa cho phù hợp.
Tuy vậy, trước đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã lên tiếng khẳng định, Dự thảo luật chỉ quy định với bằng lái xe cấp mới, bằng lái xe hết hạn phải đổi. Còn bằng lái xe vẫn có hiệu lực sẽ không "hồi tố", người dân không cần chuyển đổi qua GPLX mới mà vẫn sử dụng bình thường.
Theo ANTĐ