Những vụ tai nạn giao thông do phụ nữ lái xe ôtô gây ra không phải là hiếm gặp, mà nguyên nhân nhiều khi lại xuất phát từ những thói quen hết sức “lãng xẹt”. Điển hình như:
Quên hoặc chỉnh vị trí ghế ngồi không phù hợp
Khi bước vào ôtô, thao tác chỉnh gương, ghế và hạ phanh tay,…đều là điều cơ bản nhưng rất quan trọng. Bởi ghế ngồi không được điều chỉnh vừa tầm với người lái sẽ gây tình trạng khó quan sát, tư thế ngồi không hợp lý cũng khiến lái xe khó quan sát, dễ xảy ra tai nạn.
|
Khi điều khiển xe, các chị em phụ nữ thường mắc phải khá nhiều lỗi nhỏ nhặt, nhưng vô tình lại dễ gặp phải những tai nạn không đáng có. |
Và hầu như các chị em phụ nữ lái ôtô, nhất là những người mới lấy bằng thường mắc lỗi này. Bởi chưa có thói quen và quá tập trung vào việc điều khiển xe, chân phanh, chân ga,… Nên vô tình quên đi việc ngồi như thế nào là hợp lý, điều chỉnh vô-lăng, kính chiếu hậu sao cho đúng vị trí.
Quên điều chỉnh gương
Chỉnh gương chiếu hậu phù hợp sẽ giúp mở rộng tầm nhìn, phát huy được tối đa tác dụng của gương trung tâm. Song, một số lái mới kể cả phụ nữ hay nam giới thì cũng dễ quên điều này vì quá tập trung vào vô lăng, cần số hay hệ thống giải trí,…
|
Chỉnh gương chiếu hậu phù hợp sẽ giúp mở rộng tầm nhìn, phát huy được tối đa tác dụng của gương trung tâm. |
Việc quên chỉnh gương hoặc chỉnh không phù hợp đều khiến tầm nhìn bị hạn chế, làm tài xế khó có cái nhìn bao quát xung quanh. Điều này dễ tạo điểm mù lớn, gây nguy hiểm khi lưu thông trên đường.
Khoảng cách với vô lăng không hợp lý
Ngồi quá gần hoặc quá xa vô lăng cũng là một trong những thói quen rất nguy hiểm của phụ nữ khi lái xe. Nếu ngồi với khoảng cách quá gần vô lăng sẽ khó thao tác hơn, có nguy cơ bị thương nặng nếu không may xảy ra va chạm. Trong khi ngồi quá xa vô vô lăng sẽ gây cảm giác mỏi và bị vướng vì tầm quan sát không tốt.
Theo đó, khoảng cách từ ngực tới tâm vô lăng nên được duy trì tối thiểu ở mức khoảng 30,5 cm.
Không giữ khoảng cách với xe phía trước
Rất nhiều chị em thường có thói quen đi sát với xe phía trước. Điều này không chỉ gây khó chịu cho xe khác mà vô tình còn gây mất an toàn khi tham gia giao thông, nhất là trong những trường hợp cần phanh gấp.
Theo đó, cần lưu ý duy trì khoảng cách phù hợp với xe phía trước và giữ tốc độ phù hợp.
Chuyển số D – R khi xe chưa dừng hẳn
Việc chuyển đổi giữa các chế độ số lùi và số tiến thông thường sẽ được sử dụng khi đỗ xe trong những khu vực có không gian nhỏ. Song, vì tâm lý hoặc quên mà nhiều phụ nữ hay có thói quen rà phanh và khi xe chưa dừng hẳn đã chuyển cần số từ D về R hay ngược lại.
Ngoài ra, một số trường hợp (kể cả nam hay nữ ) vì bất cẩn bị chuyển số hoặc gạt nhầm chuyển cần số về số P hay số R. Song, theo khuyến cáo từ nhiều người có kinh nghiệm, việc chuyển đổi số lùi – tiến khi xe chưa dừng hẳn có thể là nguyên nhân dẫn đến bị hỏng hộp số nếu xảy ra thường xuyên và người dùng sẽ phải tốn khá nhiều chi phí cho việc sửa chữa xe.
Rà phanh khi xe xuống dốc
Khá nhiều trường hợp chị em phụ nữ và cả các tài mới có thói quen rà phanh khi xuống dốc để tránh xe bị trôi quá nhanh. Tuy nhiên, việc làm này sinh ra nhiệt ở các má phanh và rotor, gây tình trạng mài mòn và tăng nguy cơ bị quá nóng hay bị méo.
Lời khuyên lúc này là nên chuyển sang số thấp hơn. Việc giảm sức ép một cách tự nhiên trong hệ thống truyền lực sẽ giúp cho xe ôtô duy trì tốc độ an toàn.
Dùng hai chân để thao tác ga, phanh
Với những người chuyển từ xe số sàn lên xe số tự động rất hay gặp phải sai lầm là dùng chân trái để đạp phanh và chân phải đạp ga.
Theo khuyến cáo, với xe số tự động, tài xế chỉ cần sử dụng duy nhất chân phải để thao tác giữa ga và phanh. Và việc dùng cả 2 chân để điều khiển rất dễ gây ra tai nạn. Nhất là trong những tình huống bất ngờ, theo thói quen phản xạ thì lái xe thường sẽ đạp cả hai chân nhưng nếu đạp mạnh chân ga thì tác dụng của phanh sẽ giảm rất nhiều, lúc này xe không thể dừng như mong muốn.
Không dùng phanh tay
Nhiều người nghĩ rằng khi đỗ xe trên địa hình bằng phẳng thì không cần sử dụng phanh tay. Song, việc không sử dụng phanh tay sẽ khiến toàn bộ trọng lượng của xe dồn vào một miếng kim loại nhỏ nằm trong hộp số, hay còn được gọi là chốt hãm.
Trên thực tế, chốt hãm chỉ nhỏ bằng một ngón tay, do đó mà nó có thể bị mòn hoặc thậm chí có khả năng bị gãy khi phải chịu toàn bộ sức nặng của xe. Trong khi đó, sử dụng phanh tay sẽ làm cân bằng tải trọng, giúp cho các bộ phận truyền động trong hộp số của xe có tuổi thọ lâu hơn.
Mở cửa xe không quan sát
Trên thực tế đã có rất nhiều trường hợp tai nạn thương tâm do va chạm khi mở cửa xe. Câu chuyện mở cửa xe không quan sát, bung cửa bất ngờ gây tai nạn cho người đi đường không chỉ gặp ở phụ nữ mà khá nhiều nam giới cũng mắc phải.
Theo đó, dù là nam hay nữ, tài mới hay tài già thì khi cầm lái cũng nên thực hiện nguyên tắc 3 giây giống cách giữ khoảng cách trên cao tốc. Nói một cách dễ hiểu tức là không bao giờ mở cửa xe quá nhanh, chậm bao giờ cũng giúp phương tiện khác đủ thời gian nhận thấy phương tiện từ xa. Cùng với đó, nếu ở vị trí hành khách thì cũng nên lưu ý điều này.
Ngoài những thói quen, sai lầm kể trên thì một số hành động khác như đặt sai vị trí túi xách, đi giày có gót quá cao, mặc đồ bó sát không thoải mái hay mất tập trung khi lái xe,…cũng là những điều mà các chị em phụ nữ cần loại bỏ khi lái xe ôtô đảm bảo an toàn.
Thảo Nguyễn