Có nên dùng nước thay cho dung dịch rửa kính ôtô chuyên dụng?

Google News

Theo các chuyên gia tư vấn, bạn có thể dùng nước để tạm thời thay cho nước rửa kính xe ôtô trong trường hợp khẩn cấp nhưng không nên lạm dụng.

  
Trong quá trình ôtô di chuyển, kính lái có thể bị bẩn vì bùn đất từ dưới mặt đường bắn lên, do xe khác tạt vào hoặc phân chim từ trên trời rơi xuống. Thông thường thì những vết bẩn trên kính lái ôtô có thể dễ dàng làm sạch bằng nước.
Tuy nhiên, nếu bạn dùng nước thay cho dung dịch rửa kính ôtô chuyên dụng thì những hậu quả khó lường có thể xảy ra. Cụ thể như thế nào thì xin mời các bạn xem bài viết dưới đây.
Nước rửa kính là gì?
Nước rửa kính có lẽ đã không còn xa lạ với những người sử dụng ôtô ngày nay. Đây là dung dịch được xịt lên kính lái để làm sạch khu vực này, mang đến tầm nhìn tốt cho người lái ô tô.
So với nước rửa kính thông thường, nước rửa kính chắn gió ôtô có những yêu cầu cao hơn. Theo đó, loại nước này có đặc tính là không đóng cặn. Nếu không, bơm sẽ bị tắc hoặc làm trầy xước kính lái. Ngoài ra, nước rửa kính chắn gió cũng không được chứa quá nhiều chất tẩy rửa. Nguyên nhân là bởi nếu có quá nhiều xà phòng, nước rửa kính chắn gió sẽ bị hỏng và khiến cần gạt bị chai cứng vì có cao su tổng hợp.
Co nen dung nuoc thay cho dung dich rua kinh oto chuyen dung?
Nước rửa kính rất cần thiết đối với ôtô.
Nước rửa kính sẽ được chứa trong xe và phun ra từ vòi tự động đặt dưới kính chắn gió hoặc dưới cần gạt nước. Bơm điện sẽ được dùng để nước rửa kính có thể phun lên kính chắn gió. Sau đó, nước rửa kính kết hợp với cần gạt để làm sạch những vết bẩn trên bề mặt kính chắn gió. Trên một số mẫu xe cao cấp, nước rửa kính còn được đun nóng trước khi phun lên kính chắn gió để dùng vào mùa đông lạnh giá.
Có nên dùng nước thay cho nước rửa kính không?
Theo các chuyên gia tư vấn, bạn có thể dùng nước để tạm thời thay cho nước rửa kính trong trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, nếu thường xuyên sử dụng nước thay cho nước rửa kính thì sẽ gây ra một số hậu quả như sau.
Làm tắc vòi phun
Khi chứa trong bình, nước có thể bị thối hoặc đóng cặn. Điều này dễ dẫn đến tình trạng vòi phun hoặc đường ống dẫn nước rửa kính bị tắc. Trong trường hợp xấu nhất, toàn bộ cơ cấu rửa kính sẽ bị hỏng.
Co nen dung nuoc thay cho dung dich rua kinh oto chuyen dung?-Hinh-2
Thường xuyên dùng nước thay cho nước rửa kính chuyên dụng có thể làm tắc vòi phun
Khả năng làm sạch kém hơn
Những vết bẩn trên bề mặt kính chắn gió rất đa dạng, có thể là bụi từ môi trường, nhựa cây, phân chim, xác côn trùng hoặc vệt sơn. Nếu chỉ nước thông thường thì không thể loại bỏ những vết bẩn này. Do đó, các nhà sản xuất thường khuyến nghị người dùng ôtô nên dùng nước pha với hóa chất và phụ gia để tăng hiệu quả làm sạch.
Đóng băng vào mùa đông
Nếu bạn sống ở những nơi mà nhiệt độ không bao giờ xuống mức đóng băng thì có thể thỉnh thoảng sử dụng nước thay cho nước rửa kính chuyên dụng. Tuy nhiên, ở những nơi có thời tiết lạnh giá, xuống dưới 0 độ C, vào mùa đông thì không nên dùng nước thay cho nước rửa kính.
Nguyên nhân là do nước có thể bị đóng băng trong bình chứa khiến chức năng rửa kính không sử dụng được. Nước cũng có thể đóng băng trên bề mặt kính lái, làm giảm tầm nhìn cho người điều khiển. Do đó, nếu muốn sử dụng nước để thay cho nước rửa kính thì ít nhất hãy tránh vào mùa đông.
Co nen dung nuoc thay cho dung dich rua kinh oto chuyen dung?-Hinh-3
Những người sống ở nơi giá lạnh với nhiệt độ thấp thì không nên dùng nước thay cho nước rửa kính chuyên dụng.
Nhược điểm của nước rửa kính chuyên dụng
Nước rửa kính chuyên dụng trên thực tế cũng có một số nhược điểm nhất định, cụ thể như dưới đây.
Độc hại với người và môi trường
Nước rửa kính thường được làm từ ethanol hoặc methanol vốn độc hại với người và động vật. Ngoài ra, hai chất này cũng có thể gây hại cho môi trường.
Nước rửa kính cũng thường chứa ethylene glycol - một hợp chất hữu cơ độc hại được dùng làm chất chống đông cho ôtô. Hợp chất này có thể làm hỏng bề mặt sơn cũng như những bộ phận bằng nhựa và cao su khác của xe.
Ảnh hưởng đến tính năng an toàn của xe
Ngoài các thành phần tẩy rửa, nước rửa kính có thể còn chứa cả hợp chất có tác dụng phủ lớp màng dầu chống bám nước lên bề mặt kính lái. Chất này có thể ảnh hưởng đến một số tính năng an toàn của xe.
Theo đó, một số chiếc xe đời mới được trang bị cảm biến và camera trên đỉnh kính lái, dùng cho hệ thống phanh giảm thiểu va chạm. Đây là lý do vì sao nhà sản xuất có thể cấm sử dụng chất chống bám nước trên kính lái. Cũng có nhà sản xuất chỉ cho phép dùng chất chống bám nước trên kính lái theo khuyến nghị của họ. Nếu đang dùng những chiếc ôtô như thế, bạn không nên dùng nước rửa kính có thành phần chống bám nước vì có thể làm hỏng hệ thống phanh giảm thiểu va chạm của xe.
Thảo Nguyễn