7 năm trước, bên trong ngôi biệt thự đối diện hồ nước tại thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc), một nhóm nhỏ các giám đốc cấp cao của Huawei cùng nhà sáng lập Nhậm Chính Phi đã tổ chức cuộc họp kín kéo dài liên tục vài ngày.
Nhiệm vụ của họ khi đó là chuẩn bị kế hoạch dự phòng cho sự bành trướng của hệ điều hành Android của Google, phần mềm đang được cài đặt trên những chiếc smartphone Huawei. Họ xác định sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào nền tảng này có thể khiến công ty gặp phải rủi ro trong tương lai.
Một dự án bí mật, dài hơi
Theo nguồn tin từ South China Morning Post, khi đó nhóm lãnh đạo Huawei đưa đến kết quả thống nhất rằng công ty cần phải xây dựng hệ điều hành riêng như một giải pháp thay thế cho Android trong trường hợp cần thiết.
|
Hình ảnh ông Nhậm trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg vào ngày 24/5. Ảnh: Bloomberg.
|
Cuộc họp này sau đó được biết đến với tên gọi “buổi nói chuyện nội bộ bên hồ”. Tất cả thông tin và tài liệu liên quan đến nội dung thảo luận đều được hạn chế và giữ bí mật.
Không lâu sau, một nhóm các chuyên gia phát triển hệ điều hành riêng cho Huawei được thành lập và hoạt động trong bí mật. Khi đó, nhóm này do quản lý cấp cao Eric Xu Zhijun - hiện là một trong 3 chủ tịch luân phiên của công ty - chịu trách nhiệm.
Một khu vực chuyên biệt được xây dựng bên trong khuôn viên tổng hành dinh của Huawei để đội ngũ có thể làm việc độc lập. Tất cả nhân viên trong nhóm đều phải đăng ký thẻ và chỉ những người này mới có quyền ra vào khu vực đặc biệt trên. Họ cũng không được phép sử dụng điện thoại cá nhân và phải để chúng ở tủ khóa bên ngoài.
Đây là một trong những dự án quan trọng nhất đối với phòng nghiên cứu của Huawei từ năm 2012. Phòng nghiên cứu của hãng được biết đến là nơi phát triển những công nghệ nhằm mục đích thúc đẩy sự đổi mới trong tương lai. Nó tiêu tốn hàng triệu USD tiền đầu tư mỗi năm nhưng không đóng góp ngay lập tức vào lợi nhuận của công ty.
|
Một công nhân đang làm việc tại nhà máy ở Đông Hoản. Ảnh: The Guardian. |
Theo SCMP, hầu hết thành tựu nghiên cứu đạt được không được công khai rộng rãi, bao gồm cả hệ điều hành riêng do Huawei tự phát triển. Hãng mới chỉ thừa nhận sự tồn tại của nền tảng này trong thời gian gần đây.
Năm 2012, Huawei chỉ là một hãng di động nhỏ trên thế giới khi chiếm chưa tới 5% thị phần toàn cầu. Tuy nhiên, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường IDC, gã khổng lồ Trung Quốc đã trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ 2 thế giới với hơn 206 triệu thiết bị xuất xưởng trong quý I/2019.
“Như những gì đã chia sẻ trước đó, Huawei có các phương án dự phòng riêng. Tuy nhiên, chúng chỉ được sử dụng trong tình huống bắt buộc. Chúng tôi muốn hỗ trợ nền tảng của các đối tác. Chúng tôi và chính khách hàng của chúng tôi cũng thích sử dụng những hệ điều hành này”, một phát ngôn viên của Huawei cho biết trong email.
“Android và Windows sẽ luôn là những sự lựa chọn hàng đầu của chúng tôi. Trong thời gian này, chúng tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để bảo vệ quyền lợi của khách hàng”, người phát ngôn này nhấn mạnh.
Hệ điều hành mới khó thành công
Giữa tháng 5, sau khi Huawei bị Mỹ liệt vào danh sách đen, Google đã đình chỉ một số hạng mục hợp tác với công ty Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc điện thoại của Huawei sẽ không được cài đặt các ứng dụng như Google Play, Gmail, YouTube hay các dịch vụ khác từ Google.
|
Bức hình được cho là ảnh chụp màn hình từ nền tảng ARK OS. Ảnh: mobilesyrup. |
Đến lúc này, Huawei mới chính thức thừa nhận việc bí mật phát triển hệ điều hành riêng trong nhiều năm nhằm thay thế Android. Nhiều nguồn tin cho biết các kỹ sư của Huawei đã nghiên cứu kỹ 2 nền tảng Android và iOS để học hỏi từ chúng.
Hệ điều hành do hãng này tự phát triển hứa hẹn mang đến tốc độ nhanh, hoạt động ổn định và cho phản hồi nhanh hơn.
Tuy nhiên, nguồn tin này cũng cho biết thêm một trong những thách thức lớn nhất hiện tại đối với hệ điều hành của Huawei là khả năng tương thích ứng dụng từ Android.
Nếu phát triển thành công, nó sẽ cho phép smartphone Huawei chạy hệ điều hành riêng nhưng vẫn có thể tải xuống và sử dụng các ứng dụng Android một cách hoàn toàn bình thường.
Trên thực tế, nhiều công ty đã cố gắng tạo ra hệ điều hành thay thế cho Android nhưng không thành công. Microsoft từng phát triển một chuyển đổi giúp điện thoại chạy Windows Mobile có thể sử dụng ứng dụng Android.
|
Nhiều chuyên gia nhận định doanh số smartphone Huawei năm 2019 sẽ giảm mạnh tại nhiều thị trường. Ảnh: MarketWatch.
|
Tuy nhiên, gã khổng lồ Mỹ đã thất bại vì chúng không thể hoạt động trơn tru. Samsung cũng từng tham vọng thay thế Android bằng nền tảng Tizen, nhưng đã thất bại.
Ngày 14/5, Huawei đã đăng ký bản quyền tên hệ điều hành HongMeng với văn phòng quản lý tài sản trí tuệ Trung Quốc. Ngày 24/5, hãng cũng đăng ký với văn phòng sở hữu trí tuệ của Liên minh châu Âu (EU) hàng loạt cái tên gồm Huawei Ark OS, Huawei Ark, Ark và Ark OS.
Nền tảng này nằm trong danh mục chương trình hệ điều hành, phần mềm vận hành máy tính. Bên cạnh đó, nó sẽ được sử dụng trên smartphone, máy tính bảng, laptop, TV, xe hơi, thiết bị đeo thông minh và nhiều sản phẩm khác.
Ông Richard Yu, Giám đốc điều hành mảng di động của Huawei cho biết hệ điều hành này sẽ được giới thiệu sớm nhất vào mùa thu năm nay.
Bên cạnh vấn đề về hệ sinh thái, SCMP nhận định một trong những điều quan trọng công ty Trung Quốc cần giải quyết là tâm lý người dùng. Liệu khách hàng trên thế giới có sẵn sàng sử dụng một chiếc điện thoại không có những ứng dụng phổ biến từ Google hay không?
Trang Bloomberg đưa tin nhiều người dùng ở châu Âu đang lo sợ rằng những chiếc điện thoại Huawei của họ sẽ nhanh chóng trở nên lỗi thời. Các nhà phân tích cũng dự đoán lượng hàng bán ra của Huawei có thể giảm 25% trong năm nay. Thậm chí, smartphone của hãng có thể phải đối mặt với nguy cơ biến mất khỏi một số thị trường trong tương lai không xa.
"Smartphone Huawei có thể bị xóa sổ khỏi thị trường điện thoại thông minh ở Tây Âu vào năm tới nếu hãng mất đi quyền truy cập các dịch vụ của Google", Linda Sui, chuyên gia phân tích tại Strategy Analytics dự báo.
Theo Thế Anh/ZVN