Đó là nhận định của nhà phân tích Bonnie Glaser - giám đốc Dự án sức mạnh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) – trong bài viết đăng trên trang mạng Business Insider ngày 26/4/2017.
Phó Tổng thống Mike Pence, Ngoại trưởng Rex Tillerson, và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Jim Mattis đua nhau đi thăm Châu Á, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức chưa đầy 100 ngày. Thế nhưng, các chuyên gia vẫn cho rằng Mỹ đang mất dần ảnh hưởng ở Châu Á vì thiếu một chiến lược rõ ràng và nhất quán.
|
Tổng thống Mỹ Donald Trump trò chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Florida. Ảnh: Business Insider |
Bất chấp những mối đe dọa về quân sự và những nỗ lực nhằm buộc Bắc Kinh gây sức ép với Bình Nhưỡng, Mỹ vẫn chưa đưa ra một chiến lược rõ ràng về Triều Tiên hay bất cứ nơi nào ở Châu Á.
Một bài báo gần đây đăng trên tờ Washington Post đã dẫn lời các quan chức cấp cao Nhật Bản kêu gọi Nhà Trắng không chỉ làm rõ thêm chính sách Triều Tiên ngắn hạn mà còn cả chính sách dài hạn đối với Trung Quốc. Chính sách bành trướng trên biển của Trung Quốc đã từ lâu làm phiền các nước láng giềng trong khu vực.
Về Biển Đông, bà Bonnie Glaser - giám đốc Dự án sức mạnh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) - cho biết: "Người Trung Quốc rất vui khi không bị xuất hiện trên radar trong thời điểm này. Theo tôi, cần phải có chiến lược khu vực và Bắc Triều Tiên cần phải là một phần của nó".
Bà Glaser cũng lưu ý: “Khi tiếp cận Trung Quốc, sẽ là tốt khi người ta đề ra những ưu tiên. Nếu đưa ra năm vấn đề khác nhau và không nêu rõ ưu tiên, người ta sẽ ít có khả năng nhận được bất kỳ phản ứng nào”.
Bà Glaser nói thêm: "Như chúng ta đã thấy trong quá khứ khi Mỹ đến Trung Quốc với ưu tiên rõ ràng. Đặc biệt là khi các lệnh trừng phạt dường như sắp xảy ra, Trung Quốc sẽ có động lực hơn để hành động”.
Tuy nhiên, trong khi chính quyền Trump có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến chống Triều Tiên, chính quyền này có thể sẽ bị thua trong cuộc chiến lớn hơn để gây ảnh hưởng ở Thái Bình Dương.
Mặc dù các tham vọng rộng lớn của Trump nhằm tái cấu trúc quan hệ Mỹ-Châu Á, bà Glaser cho biết chưa hề có bất kỳ cuộc kiểm tra chính sách nào từ phía chính quyền Donald Trump.
Theo bà Glaser, những yêu cầu của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương gửi đến Lầu Năm Góc về các hoạt động “tự do hàng hải” (FONOP) ở Biển Đông đã “không đi đến đâu”. Mỹ sử dụng FONOP để khẳng định sự hiện diện, trấn an các đồng minh và kể lể về việc Trung Quốc quá mạnh trong khu vực.
Bà Glaser nói thêm: "Một số người nói các yêu cầu đó đang ở trên bàn làm việc của (Bộ trưởng Quốc phòng) Mattis, một số người khác lại nói Hội đồng An ninh Quốc gia". Dù thế nào đi chăng nữa, ngay cả trong quân đội, chiến lược Châu Á tổng thể của chính quyền Trump vẫn là điều bí ẩn.
Trong khi đó, niềm tin vào Mỹ của các đồng minh ở Châu Á-Thái Bình Dương rõ ràng đang tan biến. Rodrigo Duterte – Tổng thống Philippines, một đồng minh lịch sử lâu năm của Mỹ - gần đây đã báo hiệu rằng sự cân bằng quyền lực đã thay đổi.
Về việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chua chát nói với tờ Manila Times: "Chúng tôi không thể ngăn Trung Quốc làm điều đó. Người Mỹ thậm chí cũng không thể ngăn họ làm như vậy. Vậy quí vị muốn tôi làm gì? Tuyên chiến với Trung Quốc ư? Tôi không thể vì chúng ta sẽ mất tất cả quân đội và cảnh sát ngay ngày mai. Chúng tôi thậm chí không thể bảo vệ một câu duy nhất trong các điều khoản mà chúng tôi đã ký ".
Trong khi chính quyền của ông Trump đã chứng tỏ việc sẵn sàng tạo ra một đội quân mạnh mẽ ở ngoài khơi bờ biển Bán đảo Triều Tiên, nhà phân tích Bony Glaser vẫn nói: “Chúng ta cần phải có khả năng giải quyết được nhiều vấn đề cùng một lúc ".
Minh Châu (Theo Business Insider)