Vừa thoát “chảo lửa” Aleppo lại rơi vào “hỏa ngục” Idlib

Google News

(Kiến Thức) - Không có cơ sở nào để tin rằng những thường dân từng bị mắc kẹt ở “chảo lửa” Aleppo lại có cuộc sống bình yên ở “hỏa ngục” Idlib.

Đó là nhận định của ông Sultan Barakat, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Xung đột và Nhân đạo trực thuộc Viện Nghiên cứu cao cấp Doha.
Thoat “chao lua” Aleppo roi vao “hoa nguc” Idlib
Tương lai mờ mịt, chạy khỏi Đông Aleppo không đồng nghĩa với việc thoát khỏi chiến tranh. Ảnh Middle East Eye 
Tuần trước, một phát ngôn viên của Ủy ban Cứu trợ Quốc tế (IRC) từng nói: "Chạy khỏi Aleppo không đồng nghĩa với việc thoát khỏi chiến tranh. Chúng tôi sợ rằng tình trạng bị vây hãm và bom thùng sẽ theo đuổi hàng nghìn người vừa rời Aleppo đến Idlip”.
Có thể nói những cư dân Aleppo chạy đến Idlib chẳng khác gì vừa nhảy ra khỏi “chảo lửa” lại bị rơi thẳng vào “hỏa ngục”.
Họ rời Aleppo để đến một khu vực vốn đã rất căng thẳng.
Các cư dân Aleppo sẽ không thể tránh khỏi việc phải sống trong cảnh tạm bợ “màn trời, chiếu đất”, nơi họ còn dễ bị tổn thương hơn nhất là khi xa rời môi trường sống quen thuộc.
Tỉnh Idlib vốn đã rất chật vật trong việc cung cấp điều kiện sống tối thiểu cho các cư dân bản địa vốn chịu sự cai trị của nhiều nhóm phiến quân khác nhau. Việc buộc phải tiếp nhận thêm 50.000 cư dân Đông Aleppo có thể khiến cho tỉnh này bị quá tải, khiến cho cả dân chúng địa phương lẫn cư dân Aleppo lánh nạn ngày càng lệ thuộc vào cứu trợ quốc tế và lòng thương hại của Quân đội Syria, với hy vọng mong manh rằng Damascus sẽ không mở chiến dịch tiếp theo tấn công phiến quân ở tỉnh Idlib .
Do cộng đồng quốc tế đã không thể làm gì để cứu trợ dân chúng thành phố Aleppo trong cơn nguy khốn, chẳng có cơ sở nào để tin rằng các cư dân Đông Aleppo vừa thoát khỏi cảnh bị mắc kẹt “giữa hai làn đạn” lại có cuộc sống yên ổn tốt đẹp hơn ở tỉnh Idlib sắp xảy ra chiến tranh.
Một nhà ngoại giao Châu Âu nhận định: “Các tay súng nổi dậy buộc phải lựa chọn giữa sống thêm vài tuần ở Idlib và chết ngay ở Đông Aleppo”. Tương tự, các cư dân chạy khỏi Đông Aleppo cũng đang phải trả giá bằng việc phải từ bỏ nhà cửa chịu cảnh tha hương để đổi lấy một chút thời gian yên bình tạm thời ở tỉnh Idlib.
Lẽ ra, cộng đồng quốc tế cần phải tìm kiếm một số nơi lánh nạn khác cho dân chúng chạy khỏi Aleppo.
Thổ Nhĩ Kỳ đã xây dựng nhiều trại dành cho những người tị nạn Syria ở miền bắc Syria sát đường biên giới. Nhưng hiện thời, các trại này chỉ dành cho những người bị thương và bị bệnh. Mức độ nghiêm trọng của tình hình hiện nay đòi hỏi Thổ Nhĩ Kỳ và các nước láng giềng khác cung cấp các nơi lánh nạn an toàn cho cư dân Đông Aleppo chạy loạn.
Trong khi đó, dư luận thế giới có vẻ như ngày càng thiên về ý kiến cho rằng Tổng thống Syria Bashar al-Assad xem ra không “tệ” bằng nhóm thánh chiến Hồi giáo cực đoan Jabhat Fateh al-Sham (Mặt trận al-Nusra cũ có quan hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda) vốn cai trị tỉnh Idlib.
Cộng đồng quốc tế cần kiên định duy trì lập trường rằng việc sơ tán an toàn khỏi Đông Aleppo chỉ dành riêng cho phiến quân và thân quyến của họ, dưới sự giám sát của quốc tế. Việc sơ tán cả một cộng đồng dân cư khỏi Đông Aleppo là không thể chấp nhận được.
Theo giám đốc Sultan Barakat, trong khi phiến quân buộc phải lựa chọn giữa chấp nhận và bác bỏ thỏa thuận ngừng bắn, cư dân Đông Aleppo không nhất thiết phải lựa chọn như vậy. Nhiều người vẫn muốn ở lại quê hương bản quán, không muốn rời xa nhà cửa và môi trường sống quen thuộc của mình.
Minh Châu (Theo Al Jazeera)