|
Snowden gây rắc rối cho quan hệ Nga-Mỹ.
|
Theo thư ký báo chí Nhà Trắng Jay Carney, Moscow đã vi phạm tuyên bố trung lập trước đó, khi cung cấp diễn đàn cho cựu nhân viên CIA bị truy nã Snowden tự tuyên truyền cho mình. Phát ngôn viên Jay Carney nhắc nhở rằng không nên để vụ việc Snowden ảnh hưởng đến quan hệ Nga-Mỹ và một lần nữa kêu gọi các nhà chức trách Nga dẫn độ công dân Mỹ này.
Ông Carney cũng cho biết ngay trong ngày 12/7, Tổng thống Barack Obama đã điện đàm với Tổng thống Putin để thảo luận về số phận của Snowden và một số vấn đề khác.
Tổng thống Obama đã điện đàm với Tổng thống Putin đêm Thứ Sáu (12/7). Thư ký báo chí điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, nói với báo giới rằng hai vị nguyên thủ Mỹ-Nga đã trao đổi về hợp tác song phương, các vấn đề an ninh và vụ việc liên quan đến cựu nhân viên CIA “đào tẩu” Edward Snowden.
Snowden xin tị nạn tạm thời ở Nga
Trước đó, ngày 12/7, Edward Snowden đã xin tị nạn tạm thời ở Nga. Điều này được anh ta cho biết trong cuộc họp với các tổ chức nhân quyền, các luật sư và đại biểu quốc hội, vừa tổ chức tại sân bay quốc tế Sheremetyevo (Moscow), nơi Snowden đang ẩn náu từ ngày 23/6/2013.
|
Snowden "lộ diện" tại sân bay quốc tế Sheremetyevo (Moscow).
|
Trong một bức thư được WikiLeak đăng tải trên website, Snowden giải thích rằng trong tương lai ông dự định sẽ đến châu Mỹ Latinh, tuy nhiên quyết định tạm thời ở lại Nga vì hộ chiếu đã bị các nhà chức trách Mỹ hủy bỏ. Ngoài ra, Snowden còn nói rằng anh ta không thể bay đến Mỹ La Tinh vì “một số quốc gia ở Tây Âu và Bắc Mỹ đã chứng tỏ việc sẵn sàng hành động ngoài vòng pháp luật”.
“Kẻ đào tẩu” Snowden cũng cảm ơn các nước đã hỗ trợ anh ta ông hoặc cung cấp nơi tị nạn là Nga, Venezuela, Nicaragua, Bolivia và Ecuador.
Snowden vẫn ở trong khu vực quá cảnh của sân bay quốc tế Sheremetyevo từ ngày 23/6. Anh ta không thể ra khỏi sân bay hoặc đến một quốc gia khác vì đã bị chính phủ Mỹ hủy bỏ hộ chiếu.
Nga không có cơ sở pháp lý để từ chối Snowden
Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga) Valentina Matviyenko cho rằng Moscow nên đáp ứng thỉnh cầu tị nạn chính trị tại Nga của cựu nhân viên CIA Edward Snowden, bởi vì người này đang bị Mỹ truy nã và có án tử hình ở một loạt bang. Bà Matviyenko lưu ý về vụ Snowden, không nên dựa vào cảm tính và cần tuân theo tiêu chuẩn luật pháp của Liên bang Nga cũng như quốc tế.
|
Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga) Valentina Matviyenko. |
Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matviyenko nói thêm: “Theo luật pháp của chúng ta, đặc biệt Điều 63 Hiến pháp, nêu rõ quyền cấp tị nạn chính trị thể theo các tiêu chuẩn được công nhận. Chúng ta có một sắc lệnh tổng thống từ năm 1997 qui định trình tự và thể lệ cấp tị nạn. Tài liệu ghi rõ rằng qui chế tị nạn chính trị có thể cấp cho cá nhân đang tìm nơi trú ngụ, cần bảo vệ tránh sự lùng bắt, tránh mối đe dọa thực sự bị truy tìm. Như vậy trường hợp của Snowden hoàn toàn phù hợp với qui định luật quốc tế, tất cả các nghị quyết của Liên Hợp Quốc, cũng như pháp luật của quốc gia chúng ta. Và chúng ta không có căn cứ pháp lý để từ chối cấp tị nạn chính trị cho ông ta. Đồng thời, Tổng thống Putin đã tuyên bố…qui chế tị nạn có thể được cấp, nếu Snowden ngừng các hoạt động chống Mỹ, chấm dứt gây thiệt hại cho đối tác chiến lược quan trọng của chúng ta. Có nghĩa là động thái của chúng ta hoàn toàn đúng đắn. Nếu ông Snowden đồng ý với các điều kiện như vậy, tôi nghĩ ông ta cần được cấp tị nạn chính trị ở Nga. Chúng ta không có quyền hành động trái với Điều 63 Hiến pháp Liên bang Nga”.
Văn Bình (theo VOR)