Ngày 12/3, phát biểu trên đài phát thanh trực tuyến ARD, Bộ trưởng Nội vụ Liên bang Đức Thomas de Maiziere tuyên bố ông không ủng hộ việc các bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ vận động chính trị qua các buổi mít tinh ở Đức.
|
Dân chúng Thổ Nhĩ Kỳ hô khảu hiệu phản đối trước Lãnh sự quán Hà Lan tại Istanbul, ngày 12/3/2017. Ảnh: REUTERS |
Ông Thomas de Maiziere cho rằng các chiến dịch vận động ủng hộ chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ không nên hiện diện tại Đức và ông cực lực phản đối việc "chính trị hóa" các sự kiện này.
Bộ trưởng de Maiziere nhấn mạnh luôn có những cách thức hợp pháp để ngăn chặn những chiến dịch này và "có những giới hạn rõ ràng" trong trường hợp các bộ trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ tới Đức.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schäuble cho biết sẽ rất khó để làm việc với Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề trợ cấp kinh tế khi Ankara gây căng thẳng liên quan tới việc cử các bộ trưởng tới tham gia các buổi mít tinh ở những nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) nhằm vận động ủng hộ cho Tổng thống Tayyip Erdogan, cùng với đó là việc chính quyền Ankara bắt giữ một nhà báo Đức gốc Thổ. Ông cho rằng những hành động này đang phá hủy những nền tảng cơ bản của việc thúc đẩy hợp tác song phương.
Hôm 10/3, Tòa án Hiến pháp Đức ra phán quyết khẳng định các quan chức Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ không thể viện dẫn quyền hiến định của Đức để tìm cách nhập cảnh nước này vì mục đích chính trị.
Trước đó, Berlin đã hủy một loạt các cuộc mít tinh của cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức có sự tham gia của các quan chức cấp cao chính quyền Ankara nhằm vận động cho cuộc trưng cầu ý dân về dự luật sửa đổi Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ, dự kiến diễn ra ngày 16/4 tới.
Trong một diễn biến liên quan, căng thẳng Thổ Nhĩ Kỳ-Hà Lan cũng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi cùng ngày, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tuyên bố "những bình luận đầy tính kích động" của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan khi so sánh Hà Lan với Đức quốc xã chỉ càng làm xấu đi tình hình căng thẳng giữa hai nước.
Ông Rutte khẳng định mặc dù không tìm cách đối đầu với Ankara, nhưng Hà Lan có thể cân nhắc các phương án khác nếu Thổ Nhĩ Kỳ không chấm dứt việc đưa ra những bình luận như vậy. Bên cạnh đó, ông Rutte cho biết phía Amsterdam sẽ không xin lỗi vì đã cấm các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ tham gia những cuộc mít tinh nhằm vận động cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ tại Hà Lan ủng hộ Tổng thống Erdogan.
Trong khi đó, phát biểu trong một sự kiện tại tỉnh Kocaeli gần thành phố Istanbul, ông Erdogan cho rằng Hà Lan đang hành xử như một đất nước có nền chính trị bất ổn, đồng thời chỉ trích các nước châu Âu đã không lên án cách thức Amsterdam đối xử với các bộ trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước những diễn biến mới này, Thủ tướng Đan Mạnh Lars Lokke Rasmussen cùng ngày đã đề xuất người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim hoãn chuyến thăm Đan Mạch theo kế hoạch sẽ diễn ra trong tháng này. Ông Rasmussen nhấn mạnh: "Với những công kích hiện nay của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào Hà Lan, không thể coi cuộc hội đàm sắp tới là không liên quan gì tới vấn đề đó".
Theo TTXVN/Tin Tức