Theo tờ “Đa chiều”, hồi giữa tháng 3/2015, đã xuất hiện một luồng thông tin ở Myanmar rằng Trung Quốc “sắp dạy cho Myanmar một bài học” khi thấy Bắc Kinh điều động binh lực quy mô lớn tiến sát biên giới với Myanmar. Trong khi phiến quân ở Kokang cũng nhận được tin tình báo rằng quân chính phủ tăng cường binh lính, dường như đã chuẩn bị phương án để tiến hành không kích quy mô lớn.
|
Binh sĩ Myanmar. (Ảnh minh họa) |
Tuy nhiên, động thái này chỉ là một đòn mang tính “cảnh cáo” đối với Myanmar vì Bắc Kinh sẽ không dễ dàng xuất quân bởi
ba nguyên nhân.
Đầu tiên, đây không phải là lần đầu tiên bom đạn Myanmar lạc sang lãnh thổ Trung Quốc. Về mặt vị trí địa lý thị trấn Mạnh Định huyện Cảnh Mã, thành phố Lâm Thượng tỉnh Vân Nam là một cửa khẩu có từ thời nhà Minh. Các hoạt động biên mậu của Mạnh Định cũng bắt đầu xuất hiện trong thời kỳ này.
Với vị trí thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên phong phú, chính sách mở cửa khẩu được ưu đãi thông thoáng, Mạnh Định đã trở thành một trong 500 thị trấn trọng điểm của cả nước. Nơi đây cũng chính là hậu phương cung cấp cho lực lượng phiến quân miền bắc Myanmar nên việc quân đội Myanmar năm lần bảy lượt “đạn lạc”vào khu vực này cũng bởi vì bối cảnh lịch sử sâu xa của nó.
Tờ “Đa chiều” cho rằng vì “chính sách không can thiệp nội bộ của nước khác” nên Trung Quốc khoanh tay ngồi nhìn, chấp nhận giao tranh ác liệt ở nước láng giềng có thể lan sang tới lãnh thổ nước mình, nhưng cùng lắm cũng chỉ “khiển trách” chứ không hành động mù quáng.
Trong khi đó thủ lĩnh phiến quân người Hán ở Myanmar là Bành Gia Thanh trước đó cũng kêu gọi Bắc Kinh “đồng tình chia sẻ với đồng bào người Hán ở Kokang” nhưng Trung Quốc không (công khai) hưởng ứng. Đầu năm nay các nhóm phiến quân ở miền Bắc muốn nhờ Trung Quốc đứng ra làm trung gian đàm phán hòa bình với chính phủ Myanmar, nhưng Naypidaw đã không đồng ý. Qua đó thấy rõ quyết tâm của chính phủ Myanmar muốn “diệt cỏ phải diệt tận gốc”.
Có thể nói cho tới nay, Trung Quốc mới chỉ đưa quân áp sát biên giới uy hiếp, phản đối ngoại giao chứ không xuất quân cho thấy Bắc Kinh có nhiều công cụ để xử lý vấn đề Myanmar.
|
Binh sĩ Trung Quốc đã tăng cường tuần tra biên giới giáp Myanmar sau vụ ném bom nhầm hồi giữa tháng 3 vừa qua. (Ảnh minh họa) |
Thứ hai, làm thế nào để Trung Quốc tiếp tục duy trì ổn định nếu tiếp tục quan điểm không can thiệp vào nội bộ của Myanmar?
Có thể thấy, địa điểm bị ném bom lần này chỉ cách biên giới hai nước khoảng 1-2 km.Tuy nhiên do vị trí tiếp giáp nhau giữa hai nước nên Trung Quốc không có cách nào tránh được ảnh hưởng và khoảng cách ném bom gần như vậy cũng là hiện tượng bình thường. Khi sử dụng máy bay ném bom, bom đạn có thể bị lệch mục tiêu ban đầu dù máy bay Myanmar không xâm phạm không phận Trung Quốc.
Để ngăn chặn tình trạng này, Bắc Kinh dường như chỉ có hai sự lựa chọn. Một là bắn rơi máy bay Myanmar ngay trên không phận Myanmar hoặc là cả hai phải vạch ra vùng cấm bay bán kính 10km tính từ đường biên giới chung giữa hai nước.
Trung Quốc đã không còn vô can trong vấn đề chiến tranh ở miền bắc Myanmar. Lần này Trung Quốc mang đại quân sang áp sát biên giới Myanmar nhằm cố ý ép Myanmar đồng ý cùng Trung Quốc tham gia đàm phán cùng với phiến quân Kokang.
Duy trì chiến lược “Giết gà không cần dao mổ trâu”, Bắc Kinh không vì vụ ném bom nhầm mà quyết định đem quân tấn công Myanmar. Hiện nay sử dụng sức ép quân sự và ngoại giao đang là lựa chọn hàng đầu của Trung Quốc trong vấn đề Myanmar.
Thứ ba, khai chiến với Myanmar lúc này là Trung Quốc mắc bẫy của Mỹ. Tờ “Đa chiều” cho rằng Myanmar và Trung Quốc giao tranh là mong muốn của Mỹ. Washington đã “ủng hộ ra mặt” việc quân chính phủ Myanmar tấn công phiến quân Kokang.
“Đa chiều” cho biết, truyền thông Mỹ đang cố tình giảm nhẹ mức độ quan trọng của thông tin. Hãng thông tấn AP chỉ nói ngắn gọn rằng, một số tướng lĩnh của Mỹ sẽ tham gia đối thoại nhân quyền và gặp gỡ các quan chức quân sự cao cấp của Myanmar để thảo luận về các hoạt động quân sự và cải cách. Điều đó chứng minh Washington ủng hộ chiến dịch quân sự tiêu diệt phiến quân miền bắc của Chính phủ Myanmar.
Về thực lực, quân đội Myanmar căn bản không phải không phải là đối thủ của Trung Quốc và Bắc Kinh “cũng không sợ quốc gia nào”, nhưng không phải lúc nào cũng thích xuất binh khai chiến, đặc biệt là khi chiến tranh lại là một cái bẫy giăng sẵn.
Sự kiện bom lạc vào Vân Nam lần này, Quốc vụ viện (chính phủ), Bộ Ngoại giao, quân đội Trung Quốc đã phối hợp chặt chẽ với Myanmar. Để duy trì tình hình ổn định biên giới, mới đây Trung Quốc đã thay thế một Trung tướng, Tư lệnh Cảnh sát vũ trang Vân Nam. Trong Khi Đại sứ Trung Quốc tại Myanmar gặp Phó Tổng Thống nước sở tại để phản đối thì Phạm Trường Long - Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc cũng điện đàm nhắc nhở Tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar, đồng thời Thủ tướng Trung Quốc cũng lên tiếng. Đây là ví dụ điển hình cho hoạt động của Ủy ban An ninh quốc gia mà ông Tập Cận Bình mới thành lập.
Theo Trần Phong/Infornet