Đó là nhận định của Phó tiến sĩ Wang Jin làm việc tại Trường Khoa học Chính trị trực thuộc Đại học Haifa ở Israel trong bài viết đăng trên tạp chí The Diplommat ngày 2/3/2017.
Là nước láng giềng quan trọng nhất của CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc vốn được cộng đồng quốc tế xem như là nước có ảnh hưởng quan trọng đối với Bán đảo Triều Tiên.
|
Bất chấp những lời cảnh báo của Chủ tịch Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un vẫn ráo riết theo đuổi chương trình tên lửa-hạt nhân. Ảnh: Daily Express |
Tuy nhiên, trái ngược với kỳ vọng của cộng đồng quốc tế - đặc biệt là Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản - về khả năng gây ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng, các nhà nghiên cứu về quan hệ quốc tế có ý kiến trái ngược về các biện pháp trừng phạt CHDCND Triều Tiên. Những ý kiến trái ngược này phản ánh khả năng hạn chế của Trung Quốc trong việc gây ảnh hưởng đến nước láng giềng “đàn em” là CHDCND Triều Tiên.
Từ lâu, Trung Quốc đã coi Bán đảo Triều Tiên là "sân trước" và "vùng đệm" quan trọng chống lại các đối thủ đến từ Thái Bình Dương.
Trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên, Trung Quốc chính là bên hỗ trợ quan trọng nhất cho CHDCND Triều Tiên. Bắc Kinh tin rằng việc hậu thuẫn CHDCND Triều Tiên là quan trọng để một tạo ra một “vùng đệm” ngăn cách Trung Quốc với "chủ nghĩa đế quốc" do Mỹ cầm đầu.
Sự hỗ trợ của Trung Quốc, cả về vật chất lẫn tinh thần, cho CHDCND riều Tiên kéo dài trong nhiều thập kỷ, ngay cả khi liên minh Trung-Xô bị rạn nứt trong những năm 1960 và 1970. Trung Quốc coi CHDCND Triều Tiên là bạn bè, đồng minh và đồng chí trong các vấn đề quốc tế. Sau sự sụp đổ của Liên Xô đầu những năm 1990, Trung Quốc đã trở thành người ủng hộ quốc tế duy nhất và đối tác thương mại quan trọng nhất của CHDCND Triều Tiên.
Bắt chấp ảnh hưởng to lớn của Trung Quốc đối với Bán đảo Triều Tiên - đặc biệt là CHDCND Triều Tiên, sẽ sai lầm khi nghĩ rằng Trung Quốc có thể thao túng chính sách đối ngoại và khâu ra quyết định chính trị của Bình Nhưỡng.
Trong thực tế, trong nhiều thập kỷ qua, ban lãnh đạo CHDCND Triều Tiên luôn cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc, ngay cả khi rầm rộ tuyên truyền về “tình hữu nghị Trung-Triều”.
Hồi những năm 1950, khi tình nguyện quân Trung Quốc do Nguyên soái Bành Đức Hoài lãnh đạo vào Triều Tiên để “viện Triều, chống Mỹ”, mâu thuẫn giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đã nổi lên. Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên thời đó là Kim Il-sung (Kim Nhật Thành) tuyên bố rằng Bành Đức Hoài và quân tình nguyện Trung Quốc phải được đặt dưới quyền lãnh đạo của ông vì họ chiến đấu trên Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, Nguyên soái Bành Đức Hoài lại cho rằng các lực lượng của ông Kim nên tuân theo mệnh lệnh của Trung Quốc bởi vì các lực lượng Triều Tiên đã bị đại bại và bị ly tán, trong khi tình nguyện quân Trung Quốc đã trở thành lực lượng chủ đạo trên chiến trường. Điều này khiến lãnh tụ Liên Xô Joseph Stalin phải đứng ra làm trung gian hòa giải, yêu cầu ông Kim Il-sung làm theo Trung Quốc và Nguyên soái Bành Đức Hoài.
Sau Chiến tranh Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Il-sung đã tìm cách xa rời quĩ đạo của Trung Quốc. Những nỗ lực của CHDCND Triều Tiên nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc vẫn được tiếp tục cho đến hiện nay. Cả nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un và cha ông là Kim Jong-il đều đã kiên quyết từ chối khuyến nghị của Trung Quốc về tiến hành cải cách kinh tế, một phần vì Bình Nhưỡng lo ngại cải cách sẽ làm gia tăng ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng. Những nỗ lực lâu dài của Bình Nhưỡng nhằm làm giảm ảnh hưởng của Bắc Kinh giải thích lý do vì sao Trung Quốc không thao túng chính sách đối ngoại của CHDCND Triều Tiên.
Đồng thời, Trung Quốc luôn do dự trong việc thực thi các biện pháp của Liên Hợp Quốc buộc CHDCND Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân của nước này. Lập trường của Trung Quốc là “phi hạt nhân hóa “ Bán đảo Triều Tiên. Đối mặt với việc ban lãnh đạo ở Bình Nhưỡng nỗ lực biến Triều Tiên trở thành một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, Trung Quốc cực chẳng đã thực thi một số biện pháp trừng phạt, với hy vọng ông Kim Jong-un từ bỏ tham vọng hạt nhân.
Tuy nhiên, Trung Quốc lại thiếu đòn bẩy để gây áp lực với ban lãnh đạo CHDCND Triều Tiên. Nhiều chuyên gia Trung Quốc tin rằng sẽ là nguy hiểm, nếu Bắc Kinh trừng phạt Bình Nhưỡng quá nặng. Một số chuyên gia Trung Quốc tin rằng Bắc Kinh không thể thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân và CHDCND Triều Tiên có thể trở nên thù địch với Trung Quốc nếu bị dồn ép quá mức. Các học giả khác cho rằng nên duy trì Bắc Triều Tiên làm “một vùng đệm” ngăn cách Trung Quốc và Mỹ về ảnh hưởng. Điều này có nghĩa là Trung Quốc tránh gây nguy hiểm cho sự ổn định trong nước của CHDCND Triều Tiên, thông qua các biện pháp trừng phạt.
Tóm lại, một mặt, Bắc Kinh thiếu đòn bẩy gây ảnh hưởng đến khâu hoạch định chính sách của Bình Nhưỡng, trong khi ban lãnh đạo CHDCND ngày càng trở nên độc lập hơn với Trung Quốc. Mặt khác, Bắc Kinh lại khá ngần ngại trong việc gây áp lực với Bình Nhưỡng vì CHDCND Triều Tiên có vai trò biểu tượng quan trọng ở Trung Quốc. Hai yếu tố song hành nói trên chính là lý do vì sao Trung Quốc luôn ủng hộ đối thoại chính trị, chứ không phải gây áp lực, trong việc tiếp cận với CHDCND Triều Tiên.
Minh Châu (Theo The Diplomat)