Vì sao Trung Quốc đóng thêm tàu sân bay?

Google News

(Kiến Thức) - Những tin tức gần đây làm dấy lên những lời đồn đoán rằng Trung Quốc đang bắt đầu đóng tàu sân bay thứ hai.

Tàu sân bay thứ nhất Liêu Ninh chỉ là bước khởi đầu...
Nếu tin tức được đăng tải trên các diễn đàn quân sự của Trung Quốc là chính xác, tàu sân bay thứ hai sẽ lần đầu tiên được thiết kế chế tạo trong nước.
Khống chế khu vực, vươn ra toàn cầu
Công bằng mà nói, việc Trung Quốc đóng tàu sân bay đã được dự kiến từ lâu. Trong mấy thập kỷ qua, Trung Quốc đã mua nhiều tàu sân bay thải loại khác nhau nhằm tìm hiểu kỹ thuật phức tạp và các khía cạnh công nghệ cần thiết để làm chủ “biểu tượng quyền lực” này.
Các hình ảnh được lưu hành trên mạng xem ra đặt ra nhiều câu hỏi hơn câu trả lời. Liệu tàu sân bay mới của Trung Quốc chạy bằng động cơ thông thường hay chạy bằng năng lượng hạt nhân? Chiếc tàu cân bay mới này có nhiêu máy bay chiến đấu phản lực? Liệu chiến đấu phản lực triển khai trên tàu sân bay mới có phải là máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5? Liệu Trung Quốc có kế hoạch đóng một tàu sân bay thứ ba?
Thật vậy, trong khi khả năng chống tiếp cận của Trung Quốc ngày càng được tăng cường, nước này đã dần dần tích lũy được những tài sản hải quân cần thiết để xây dựng cái gọi là “hải quân viễn dương”.
Nhìn lại thập kỷ qua, người ta có cảm giác rằng Trung Quốc đang ngày càng tìm cách tiến ra biển để không chỉ thể hiện quyền lực mà còn bảo vệ những lợi ích quan trọng. Trong khi hầu hết lịch sử của Trung Quốc là cường quốc lục địa, Trung Quốc hiện đã thay đổi những ưu tiên quốc phòng từ chuẩn bị cho một cuộc chiến trên bộ có thể xảy ra hoặc chiến tranh hạt nhân với Nga sang xung đột ở các vùng biển gần, cụ thể là đột phá cái gọi là “chuỗi đảo thứ nhất”. Thông qua mua lại các công ty nước ngoài, đầu tư vào ngành đóng tàu trong nước, đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển (R & D) cũng như đào tạo, Trung Quốc đang phát triển một quân chủng hải quân đang ngày càng có đẳng cấp thế giới.
...để Trung Quốc tự đóng tàu sân bay thứ hai và thứ ba.
Trong thực tế, Trung Quốc đang dần dần thể hiện sức mạnh trên biển và thể hiện sức mạnh này không chỉ ở trong nước mà còn trên phạm vi toàn cầu. Trung Quốc đã tiến hành tập trận trên biển với Nga và đã tiến hành nhiều hoạt động chống cướp biển ở Vịnh Aden. Trung Quốc cũng đã cử tàu khu trục tên lửa đến Libya để hỗ trợ cho các hoạt động cứu trợ công dân Trung Quốc trở về nước trong năm 2011và tiến vào các vùng biển xa xôi như Biển Đen.
Những thách thức trước mắt và lâu dài
Trong khi xu hướng chung của sức mạnh trên biển Trung Quốc là gia tăng khả năng kiểm soát khu vực và dần dần đặt dấu ấn ở phần còn lại trên thế giới, Bắc Kinh vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức. Các nhà hoạch định Hải quân Trung Quốc trong những thập kỷ tới sẽ phải đối mặt với một số thách thức chính và chúng sẽ định hình chiến lược, mua sắm, khả năng và đặc tính của lực lượng hải quân.
Một vấn đề quan trọng là nguồn lực tài chính. Khi nền kinh tế của Trung Quốc đã phát triển chậm lại trong mấy quý vừa qua, Bắc Kinh đang đối mặt với áp lực phải chuyển các nguồn lực tài chính quan trọng cho các chương trình biến Trung Quốc thành một xã hội tiêu thụ nhiều hơn và thúc đẩy mô hình phát triển bền vững. Mặc dù hải quân thế kỷ 21 là quan trọng - nếu xem xét đến các môi trường địa chiến lược trong khu vực Đông Á và lớn hơn là Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhưng một nền kinh tế mạnh mẽ và sôi động của Trung Quốc lại có ảnh hưởng lớn hơn đối với khu vực và toàn cầu cũng như củng cố sự lãnh đạo của ĐCS Trung Quốc.
Ngoài ra, cần phải đánh giá các yếu tố khu vực dài hạn. Mặc dù nước Nga ngày nay được coi là một đối tác khu vực và không còn là một mối đe dọa đối với khu vực biên giới của Trung Quốc, lịch sử cho thấy rằng tình hình có thể thay đổi nhanh chóng.
Nếu xem xét lịch sử đối đầu giữa hai cường quốc láng giềng này, người ta tự hỏi liệu quan hệ Trung-Nga “nồng ấm” hiện nay có phải chỉ là “một cuộc hôn nhân vụ lợi” hay đúng là quan hệ đối tác chiến lược thực sự.
Liên bang Nga có lý do chiến lược rõ ràng để tìm kiếm mối quan hệ ấm áp hơn với Trung Quốc. Tuy nhiên, không có đảm bảo quan hệ đối tác chiến lược thực sự là khả thi trong tương lai dài hạn. Nếu quan hệ Trung-Nga trở nên xấu đi, Trung Quốc sẽ cần phải đổ nguồn lực lớn hơn vào lục quân, vũ khí hạt nhân…
Việc nền kinh tế của Trung Quốc vươn lên xếp thứ 2 thế giới đã tạo ra các nguồn lực để phát triển các lực lượng vũ trang. Tàu sân bay mới của Trung Quốc là một ví dụ hoàn hảo về thực trạng của hải quân Trung Quốc - hội tụ đầy đủ các khả năng phát triển nhưng lại không đáp ứng được những thách thức rõ ràng trong tương lai.
Lê Chân (theo Diplomat)