|
Trung Quốc cương quyết duy trì lập trường cứng rắn với Nhật và Philippines.
|
Trong lịch sử, các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhiều lần thành công với chính sách “chia rẽ để xâm chiếm” các nước láng giềng. Trong hai năm qua, bằng mọi biện pháp, Trung Quốc tìm cách gây sự với các nước khác (ngoại trừ Nga và Pakistan).
Điển hình, năm ngoái, Trung Quốc ban hành hộ chiếu mới có hình bản đồ Trung Quốc với đường lưỡi bò bao gần trọn biển Đông. Chỉ với hành động đơn phương đó, Bắc Kinh dấy lên cơn phẫn nộ từ nhiều nước láng giềng có tuyên bố chủ quyền trong khu vực bao gồm Philippines.
Kết quả dễ thấy: Các nước láng giềng của Bắc Kinh liên kết với nhau ngày càng chặt chẽ nhằm đối phó với sức mạnh đang gia tăng mạnh mẽ của họ. Minh chứng, chúng ta nhận thấy chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ đã lôi kéo được nhiều quốc gia, trong khi Nhật Bản cũng nỗ lực mở rộng ảnh hưởng tại khu vực ASEAN. Đồng thời, nhiều láng giềng của Trung Quốc ngày càng bị lôi kéo bởi các thế lực bên ngoài có khả năng hỗ trợ họ để đối trọng với sức mạnh quân sự đang lên của Trung Quốc. Đó là Mỹ với chính sách “Xoay trục” về châu Á đang nhận được sự ủng hộ của nhiều đồng minh và đối tác trong khu vực.
Có lẽ nhận thức được những hạn chế và nguy cơ từ chính sách “chia rẽ để xâm chiếm”, Trung Quốc bắt đầu thay đổi chiến lược. Chủ tịch Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc quay lại chính sách “ngoại giao nụ cười” của những người tiền nhiệm và bắt đầu áp dụng chính sách này tại Trung Đông và Đông Nam Á. Bắc Kinh cũng tìm cách lôi kéo Delhi sau khi liên tục kích động họ trong suốt năm ngoái. Thậm chí, quan hệ với Mỹ cũng dần được cải thiện, trong bối cảnh quan hệ thương mại và quân sự giữa hai cường quốc ngày càng tương tác, phụ thuộc lẫn nhau.
|
Chủ tịch Tập Cận Bình.
|
Hai quốc gia bị loại khỏi “cuộc tấn công quyến rũ” của Trung Quốc là Nhật Bản và Philippines. Bắc Kinh duy trì quan điểm cứng rắn và từ chối yêu cầu đàm phán từ phía lãnh đạo của hai nước này. Điều đó cho thấy, Bắc Kinh quyết giữ chiến lược “chia rẽ để xâm chiếm” đối với 2 nước này.
Tại sao Trung Quốc quyết định giữ lập trường cứng rắn với Philipines và Nhật Bản, trong khi họ cải thiện mối quan hệ với các nước khác ngay cả những nước có tranh chấp lãnh thổ gay gắt với Trung Quốc là Ấn Độ?
Có một số lý do giải thích việc này. Liên quan đến Nhật Bản, các học giả nổi tiếng Trung Quốc bình luận, Bắc Kinh xem tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku với Nhật Bản là vấn đề khác biệt về chất trong tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng. Học giả Shen Dingli của Đại học Fudan giải thích: “Đối với Biển Hoa Đông, tranh chấp lãnh thổ mang đậm dấu ấn chính trị. Trung Quốc từng bị Nhật Bản xâm chiếm và người Nhật đã chiếm quần đảo (Điếu Ngư/Senkaku) của chúng tôi. Nhưng đối với Biển Đông, phần lớn các tranh chấp mang ý nghĩa kinh tế”. Tuy nhiên, nhận định này chỉ có thể giải thích lý do vì sao Trung Quốc nhắm vào Nhật Bản, không giải thích được vì sao Trung Quốc nhắm vào Philippines.
Một lý do khác mà Trung Quốc quyết định nhắm vào Nhật Bản và Philippines vì hai nước này đã có hiệp ước đồng minh với Mỹ. Các nhà lãnh đạo Bắc Kinh có thể tính toán rằng, Trung Quốc không mất mát gì nhiều khi đụng độ với Manila và Tokyo bởi vì hai nước này vốn nằm trong sự bảo hộ của Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc không muốn đẩy các quốc gia như Ấn Độ về phía Mỹ (dù trên thực tế điều đó đã xảy ra)
Tuy nhiên, một điều đáng chú ý là Trung Quốc lại không “nhắm mũi dùi” vào các nước khác cũng ký kết hiệp ước đồng minh với Mỹ như Thái Lan và Hàn Quốc. Thay vào đó, Trung Quốc còn thực hiện nhiều biện pháp "ve vãn" hai nước này bởi vì họ không có tranh chấp lãnh thổ với Thái Lan hay Hàn Quốc (ít nhất tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với Hàn Quốc đang ở giai đoạn định hình).
Một lý do khác khiến Trung Quốc nhắm vào Nhật Bản và Philippines có thể là, 2 nước này không có chung biên giới đất liền với họ. Trong vài thập kỷ qua, Trung Quốc đã tập trung hiện đại hoá Hải quân và Không quân trong khi ít chú ý hơn tới Lực lượng Bộ binh truyền thống, sau khi đã ký thỏa thuận với hầu hết các nước láng giềng về đường biên giới đất liền.
Trung Quốc nỗ lực khuếch trương ảnh hưởng quốc tế phần lớn dựa vào khả năng duy trì biên giới đất liền yên tĩnh. Tranh chấp dữ dội và lâu dài với các nước có chung biên giới đất liền có thể đẩy Trung Quốc vào tình trạng nguy hiểm. Do đó, Trung Quốc quyết định tiếp tục quan điểm cứng rắn với Nhật Bản và Philippines – 2 quốc gia có đường biên giới biển với họ vì tính toán sẽ mất ít hơn so với việc gây hấn với các láng giềng có chung biên giới đất liền.
Nguyễn Tuấn (theo Diplomat)