Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hiện nắm giữ trong tay nhiều cái “đầu tiên” ở Philippines. Ông là tổng thống đầu tiên đến từ khu vực Mindanao vốn chìm trong xung đột, nổi dậy, kém phát triển và là chiến địa chính của các chiến dịch chống khủng bố được Mỹ hỗ trợ. Ông là Tổng thống Philippines đầu tiên tự coi mình là một người "xã hội chủ nghĩa," có mối quan hệ sâu sắc với các nhóm cánh tả cấp tiến, những người có đại diện trong chính quyền Duterte. Rodrigo Duterte là Tổng thống Philippines đầu tiên có chương trình nghị sự gần như độc quyền về luật pháp và trật tự, đặc biệt là trong cuộc chiến chống ma túy bất hợp pháp.
|
Rodrigo Duterte là Tổng thống Philippines đầu tiên theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập hơn với Mỹ. Ảnh gmanetwork.com |
Đó là chưa kể ông Duterte cũng là Tổng thống Philippines đầu tiên theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập hơn với Mỹ.
Tổng thống Duterte luôn khuyến khích cách tiếp cận ngoại giao với Trung Quốc - một động thái mất lòng dân ở Philippines, đặc biệt trong bối cảnh vẫn xảy ra tranh chấp ở Biển Đông. Ông Duterte cho rằng đối đầu với Trung Quốc không chỉ là vô ích mà còn là ngu ngốc. Ông quan tâm đến việc phục hồi quan hệ song phương vốn đang căng thẳng và mời gọi Trung Quốc đầu tư cở sở hạ tầng qui mô lớn ở Philippines.
Nhiều khả năng, Tổng thống Duterte sẽ chọn Bắc Kinh cho chuyến thăm cấp nhà nước chính thức đầu tiên, một sự khởi đầu đáng chú ý so với các vị tổng thống Philippines tiền nhiệm vốn thường chọn Washington là điểm đến ngoại giao đầu tiên.
Ngoài một số “sự cố” ngoại giao cấp cao với Washington, các cuộc gặp song phương của Tổng thống Duterte với các nhà lãnh đạo Châu Á, đặc biệt là với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, diễn ra suôn sẻ và thân mật. Một số nhà lãnh đạo ASEAN ngầm thừa nhận rằng tân Tổng thống Philippines Duterte theo đuổi cách tiếp cận thực dụng hơn và hòa hoãn hơn với Trung Quốc, trái với chính quyền Benigno Aquino tiền nhiệm liên tục gây áp lực lên các đồng nghiệp trong khu vực để tập hợp chống lại Bắc Kinh.
Tuy nhiên, do đang đối mặt với nguy cơ khủng bố và các mối đe dọa hàng hải từ Trung Quốc, chính quyền Duterte không thể xa lánh Mỹ hoàn toàn. Tổng thống Duterte đã nói rõ rằng ông sẽ không hủy bỏ thỏa thuận an ninh hiện có với Mỹ, vốn rất quan trọng đối với các nhu cầu quốc phòng tối thiểu của Philippines.
Chính sách tiếp cận và đàm phán với Bắc Kinh của Tổng thống Duterte có thể bị thất bại, đặc biệt trong bối cảnh có nhiều lo ngại rằng Trung Quốc có thể sớm tiến hành bồi đắp và xây dựng trái phép trên bãi cạn Scarborough đang tranh chấp. Nếu Trung Quốc không chịu đưa ra bất kỳ nhượng bộ hữu hình nào trên Biển Đông, đặc biệt về nguồn tài nguyên thủy sản ở bãi cạn Scarborough, chính quyền Duterte sẽ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc trở lại với cách tiếp cận đối đầu hơn vì sợ phản ứng chính trị dữ dội ở trong nước.
Đây chính là lý do vì sao quan hệ an ninh với Mỹ sẽ vẫn là không thể thiếu đối với Philippines. Tuy nhiên, dưới sự chủ trì của Tổng thống Duterte, người Mỹ sẽ không còn có thể mong đợi mức độ tôn trọng chiến lược và hỗ trợ ngoại giao như dưới thời chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Aquino. Đây chính là sự bình thường mới trong quan hệ hiện nay giữa Mỹ và Philippines.
Minh Châu (Theo National Interest)