Đài phát thanh Deutsche Welle (DW) phỏng vấn học giả người Thổ Nhĩ Kỳ Serhat Erkmen về vai trò của Ankara trong khủng hoảng Vùng Vịnh hiện nay.
Học giả Serhat Erkmen đang làm việc tại Viện Thổ Nhĩ Kỳ thế kỷ 21, trong đó ông phụ trách bộ phận Nghiên cứu Trung Đông và Châu Phi. Ông cũng giảng dạy tại Đại học Ahi Evran ở Kirsehir.
|
Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ ở Qatar. Ảnh: Trade Arabia |
+ DW: Đối với nhiều nhà quan sát Trung Đông, các nước như Ả-rập Xê-út, UAE và Ai Cập được coi là các cường quốc hiện tại, trong khi Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar (xét theo góc độ nào đó) bị coi là những nước theo chủ nghĩa xét lại. Vậy ông có nghĩ rằng sự liên kết gần đây giữa Ankara và Doha trong cuộc khủng hoảng Vùng Vịnh phản ánh thực trạng của cuộc đấu tranh quyền lực trong khu vực?
- Serhat Erkmen: Đúng vậy. Cân bằng quyền lực là điều vẫn còn thiếu ở Trung Đông sau “Mùa xuân Arập”. Chúng ta đang chứng kiến nhiều cuộc nội chiến xảy ra trong khu vực. Và những cuộc nội chiến đó không diễn biến theo cách mà các cường quốc khu vực muốn thấy. Ả-rập Xê-út và Iran không nhận được những gì họ muốn và Syria đang ở trong một mớ hỗn độn. Nếu nhìn vào các cường quốc nổi bật trong khu vực, cả hai đều không thể tuyên bố chiến thắng (trong những cuộc nội chiến này).
Hơn nữa, do xung đột và tình trạng mất cân bằng quyền lực vẫn tồn tại, chi phí kinh tế và chính trị tăng lên đối với tất cả các nước trong khu vực. Một khi các khoản chi phí này lên đến đỉnh điểm ... các cường quốc khu vực có thể đi xa hơn bằng cách tuyên chiến với nhau hoặc tìm kiếm sự hòa giải ở các khu vực tranh chấp. Nhưng thực tế là không một cường quốc khu vực nào ở Trung Đông có khả năng vượt qua những vấn đề hiện tại trên thực địa. Đó là lý do tại sao họ đang nhận được sự giúp đỡ của các quốc gia có tầm quan trọng đặc biệt như Mỹ, Nga và một số cường quốc Châu Âu.
Do đó, các thế lực bên ngoài và khu vực đều can dự vào cuộc tranh giành ảnh hưởng ở Trung Đông và tôi nghĩ rằng chúng ta nên xem xét vấn đề Qatar qua góc độ đó. Vấn đề không chỉ giới hạn ở Qatar.
+Mối quan hệ Qatar-Thổ Nhĩ Kỳ diễn biến tích cực trong thập kỷ qua. Hai nước đã chia sẻ đầu tư và ký thỏa thuận đào tạo quân sự. Vậy ông có nghĩ rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ Qatar trong cuộc khủng hoảng hiện nay bắt nguồn từ mối quan hệ thân thiết đó hay chính phủ ở Ankara còn có một sự lựa chọn chính sách khác?
Mặc dù mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Qatar thân thiện là rõ ràng, nhưng UAE lại là nước đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Thổ Nhĩ Kỳ nhiều nhất trong khu vực. Và Thổ Nhĩ Kỳ đang chống lại UAE, nước đứng về phía Ả-rập Xê-út trong cuộc khủng hoảng Vùng Vịnh hiện nay.
Đúng là Qatar đã đầu tư vào Thổ Nhĩ Kỳ rất nhiều và có tiềm năng đầu tư nhiều hơn, nhưng chỉ riêng quan hệ kinh tế không thể giải thích được sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Qatar.
Nếu nhìn vào chính sách Syria của Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar cũng như sự hợp tác của hai nước ở quốc gia bị chiến tranh tàn phá này, người ta nên nhớ lại lập trường của hai nước về tình hình Ai Cập sau cuộc đảo chính năm 2013. Quan hệ tương hỗ Thổ Nhĩ Kỳ-Qatar cần được đánh giá từ những tính toán chính trị khu vực chứ không chỉ đơn thuần về mặt kinh tế.
Nếu Qatar bị đẩy ra khỏi các vấn đề khu vực, Thổ Nhĩ Kỳ có thể bị cô lập. Và có lẽ đây chính là lý do vì sao Thổ Nhĩ Kỳ không muốn mất Qatar.
+ Ông nghĩ gì về ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng này đối với nhận thức ở Thổ Nhĩ Kỳ về Vùng Vịnh?
Nhận thức ở Thổ Nhĩ Kỳ về vùng Vịnh theo truyền thống đã được định hình. Với những diễn biến gần đây, tôi nghĩ rằng cách tiếp cận đơn giản này sẽ không còn tồn tại lâu dài. Nếu nhìn vào các bài báo truyền thông xã hội hoặc chú ý đến bình luận của các nhà lãnh đạo (Thổ Nhĩ Kỳ) về cuộc khủng hoảng Vùng Vịnh hiện nay, người ta thấy có sự nhấn mạnh hơn về các sắc thái, ưu tiên chính sách khác nhau giữa các nước trong khu vực.
+ Ông có nghĩ rằng bằng cách nhanh chóng triển khai quân đội đến Qatar theo hiệp ước đào tạo đã được ký kết năm 2014, Thổ Nhĩ Kỳ đang gửi một thông điệp thách thức đến Ả-rập Xê-út và UAE?
Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ gửi thông điệp đến Ả-rập Xê-út và UAE, mà còn phô trương sức mạnh đối với tất cả các nước có khả năng gây bất lợi cho Qatar. Hiệp ước quân sự giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar liên quan đến chương trình đào tạo, nhưng cách thực thi hiệp ước này trước cộng đồng quốc tế là một dấu hiệu rõ ràng về sự hỗ trợ Qatar của Ankara. Tôi nghĩ đây là một thông điệp rõ ràng. Sự hỗ trợ này hàm ý rằng "Nếu các người tìm cách gây áp lực đối với Qatar ngoài các phương tiện ngoại giao, hãy biết rằng nước này không cô độc”.
Minh Châu (Theo Deutsche Welle)